Tiềm năng thị trường thế giới
Cá rô phi (Tilapia) là tên gọi chung của một nhóm loài cá nước ngọt phổ biến, có khả năng sống được cả trong nước lợ hoặc mặn. Thuộc họ Cichlidae, cá có nguồn gốc từ châu Phi và Trung Đông, được đưa vào nuôi từ năm 1924.
Từ những năm 1940-1950, cá rô phi được nuôi rộng rãi tại các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, ngành nuôi cá rô phi phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, cho sản lượng lớn và hiệu quả kinh tế cao.
Cá rô phi dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường không thuận lợi, có thể ăn tạp và tận dụng mùn bã hữu cơ trong ao nuôi. Chúng giúp cải thiện chất lượng nước, đồng thời sinh sản mạnh, mỗi năm cá cái đẻ từ 6-11 lứa với khoảng 1.000-2.000 trứng mỗi lứa. Cá đực sẽ ấp trứng trong miệng cho đến khi nở, giúp bảo vệ trứng tốt hơn.

Loài cá này tăng trưởng nhanh, giàu dinh dưỡng, là nguồn protein chủ lực ở nhiều quốc gia đang phát triển và được ưa chuộng tại các nước phát triển. Thịt cá rô phi có vị ngọt bùi, giàu khoáng chất, ít mỡ, đạm vừa phải, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Trước đây cá thường được nuôi ghép trong ao hoặc trên ruộng lúa, nhưng hiện nay được nuôi thâm canh trong ao hoặc lồng bè nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong 15 năm qua, tiêu thụ cá rô phi toàn cầu tăng 5,4% mỗi năm. Năm 2024, sản lượng cá rô phi đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước, với giá trị thương mại khoảng 10,6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2033, thị trường cá rô phi có thể đạt 14,5 tỷ USD, cho thấy nhu cầu ngày càng cao so với các mặt hàng thủy sản khác.
Mỹ là thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất, với hơn 178.000 tấn (802 triệu USD) trong năm 2024. Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất, đạt 479.000 tấn, tương đương 1,4 tỷ USD. Điều này khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của cá rô phi trên thị trường thế giới.
Cơ hội cho Nghệ An
Diện tích nuôi cá rô phi tăng mạnh từ 19.219 ha (năm 2012) lên khoảng 42.000 ha (năm 2024), sản lượng đạt 316.000 tấn. Xuất khẩu đạt hơn 30,9 triệu USD. Một số doanh nghiệp đã tiên phong phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu, bước đầu mở rộng thị trường.
Trong định hướng phát triển thủy sản, Nghệ An chú trọng nuôi trồng và chế biến thủy sản thay vì khai thác, với diện tích tiềm năng hơn 52.000 ha (trong đó nước ngọt chiếm hơn 46.000 ha).
Toàn tỉnh có hơn 520 hồ thủy lợi và thủy điện, với diện tích hơn 9.300 ha. Năm 2024, tỉnh đã thả nuôi trên 20.500 ha cá nước ngọt, khoảng 2.200 lồng cá tại các sông, hồ lớn; sản lượng cá nước ngọt đạt khoảng 73.500 tấn, sản xuất cá giống đạt 518 triệu con.
Ở Nghệ An triển khai nuôi cá rô phi từ đầu những năm 2000, phát triển từ khâu giống đến nuôi thương phẩm bằng nhiều hình thức: ao, hồ, lồng bè, xen canh với tôm hoặc ruộng lúa, gần đây ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sử dụng thức ăn công nghiệp. Trước đây do giống chưa tốt nên sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Gần đây nhờ giống tốt hơn, công nghệ nuôi hiện đại hơn, chất lượng cá cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, diện tích nuôi thâm canh khoảng 150 ha chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, chưa gắn kết tốt với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Để phát triển cá rô phi thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, Nghệ An cần xác định cá rô phi là đối tượng ưu tiên trong chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cần xây dựng quy hoạch nuôi thâm canh, công nghệ cao như: nuôi công nghệ “sông trong ao”, nuôi lồng trên hồ chứa, nuôi luân canh vùng nước lợ. Đồng thời, rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang nuôi cá rô phi.
Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và cam kết bao tiêu sản phẩm, từ đó hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa người nuôi, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tập trung hỗ trợ kỹ thuật nuôi ao lót bạt, áp dụng công nghệ hiện đại, đào tạo người dân nắm vững kỹ thuật nuôi thâm canh.

Đề nghị Chương trình khoa học và công nghệ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ mới, ví dụ như: công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực bằng công nghệ lai xa từ các chủng giống chất lượng cao để nâng số lượng cũng như chất lượng con giống, nhiệm vụ ứng dụng IoT để kiểm soát môi trường ao nuôi thâm canh,... Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các lớp tập huấn, xây dựng mô hình thử nghiệm và coi chương trình phát triển nuôi cá rô phi hướng đến xuất khẩu là nhiệm vụ dài hơi của ngành để có chương trình hỗ trợ.
Về chính sách, cần có các cơ chế ưu đãi về vốn, giá cá giống, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tham gia chuỗi liên kết với người nuôi. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thu mua cá thương phẩm làm hạt nhân dẫn dắt thị trường.
Nghệ An có tiềm năng lớn về thủy sản nước ngọt, nhưng hiện tại chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, ngành đang có xu hướng thu hẹp. Để phát triển bền vững, cần lựa chọn các đối tượng nuôi chủ lực hướng tới xuất khẩu, trong đó, cá rô phi là lựa chọn khả thi nhất nhờ ưu thế về sinh học, thị trường và hiệu quả kinh tế.
Nguồn: https://baonghean.vn/nuoi-ca-ro-phi-xuat-khau-tiem-nang-va-loi-the-10296829.html
Bình luận (0)