PV: Thưa ông, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật gì? Ông có thể chia sẻ một số kết quả mới nhất cho độc giả biết?
Ông Lê Văn Lương: Chương trình OCOP đã trở thành một phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh Nghệ An, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Hiện toàn tỉnh Nghệ An có gần 730 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với 438 chủ thể, trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao, 45 sản phẩm đạt 4 sao. Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (chỉ xếp sau TP Hà Nội).

Hiện có 230 chủ thể tham gia chương trình, gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó, các hợp tác xã chiếm khoảng 38%, cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của kinh tế tập thể trong chương trình này. Một điểm đáng chú ý là hơn 65% số sản phẩm OCOP đã hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và có đăng ký nhãn hiệu. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn khẳng định tính chuyên nghiệp và bài bản trong xây dựng sản phẩm. Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình đa dạng, tập quán sản xuất lâu đời, đặc biệt có sự phong phú về tài nguyên bản địa và văn hóa ẩm thực. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng các sản phẩm OCOP mang bản sắc vùng miền rõ nét, từ vùng đồng bằng ven biển cho đến miền núi cao. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP Nghệ An rất đa dạng, bao gồm thực phẩm chế biến, đồ uống, thảo dược, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Tác động của chương trình OCOP đến kinh tế nông thôn là rất rõ rệt. Trước hết, chương trình giúp gia tăng giá trị sản phẩm địa phương, tạo thêm hàng ngàn việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn người dân. Nhiều mô hình đã cho thấy khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu, bảo quản, đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc gắn sản phẩm với văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng cũng tạo ra giá trị lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển tổng thể ở nông thôn.
PV: Nghệ An đang thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Vậy chương trình OCOP đã có sự điều chỉnh như thế nào để thích ứng với xu hướng sản xuất sạch và phát triển theo chuỗi giá trị?
Ông Lê Văn Lương: Chúng tôi xác định rõ OCOP không chỉ là sản phẩm, mà là hàng hoá gắn với hệ sinh thái sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng. Do đó, từ năm 2023 đến nay, định hướng của tỉnh là đẩy mạnh sản xuất sạch, có chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP…) đối với nguyên liệu đầu vào, kết hợp với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong chế biến, đóng gói, vận chuyển.

Song song đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị. Khuyến khích các chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, liên kết với các hợp tác xã dịch vụ, có hợp đồng bao tiêu với các tổ chức thương mại hoặc sàn thương mại điện tử. Đây là hướng đi bắt buộc để đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tỉnh cũng đang xúc tiến xây dựng bản đồ vùng sản phẩm OCOP, giúp quy hoạch hợp lý và nâng cao hiệu quả quản lý.

PV: Với xu thế thị trường ngày càng khắt khe, đặc biệt trong thương mại điện tử và xuất khẩu, ông đánh giá như thế nào về những lưu ý quan trọng đối với các chủ thể sản xuất OCOP hiện nay và định hướng phát triển chương trình OCOP của Nghệ An trong giai đoạn tới?
Ông Lê Văn Lương: Có thể nói, chương trình OCOP không thể phát triển bền vững nếu không thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, chúng tôi đặt ra 3 trọng tâm cần lưu ý và cũng là 3 trục chính trong định hướng phát triển thời gian tới.
Thứ nhất, các chủ thể OCOP phải chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang tư duy thị trường. Mỗi sản phẩm OCOP cần được đầu tư bài bản, không chỉ về chất lượng mà còn về mẫu mã, câu chuyện sản phẩm, khả năng nhận diện thương hiệu và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc. Việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại lâu dài và vươn ra thị trường rộng lớn hơn như siêu thị, sàn thương mại điện tử hay xuất khẩu.
Thứ hai, phát triển OCOP phải đi liền với xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Nghĩa là từ vùng nguyên liệu, chế biến, bao bì, phân phối đến tiêu dùng phải được tổ chức bài bản, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, tín dụng. Sản phẩm OCOP cần có “địa chỉ xanh” - nơi sản xuất sạch, có vùng trồng rõ ràng và thân thiện với môi trường. Định hướng của tỉnh là từng bước xây dựng bản đồ số vùng nguyên liệu OCOP và hỗ trợ các chủ thể áp dụng công nghệ số trong toàn chuỗi.

Thứ ba, định hướng dài hạn là đưa chương trình OCOP gắn liền với phát triển du lịch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Mỗi sản phẩm OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn cần phản ánh bản sắc văn hóa vùng miền, là cầu nối giữa sản phẩm nông nghiệp với trải nghiệm du lịch, góp phần nâng tầm nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Tỉnh Nghệ An đang hoàn thiện cơ chế hỗ trợ chủ thể OCOP không chỉ trong khâu sản xuất mà cả ở khâu thương mại, truyền thông, xúc tiến thị trường. Chúng tôi xác định đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn bền vững, lâu dài, và cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một vài mô hình điển hình trong tỉnh, thể hiện rõ định hướng phát triển OCOP theo hướng sản xuất sạch và chuỗi giá trị?
Ông Lê Văn Lương: Chúng tôi có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu: Các sản phẩm của Công ty CP Dược liệu Pù Mát, tảo xoắn Spirulina ở xã Quỳnh Anh sản xuất khép kín theo công nghệ sinh học hiện đại, truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn an toàn thực phẩm và tiềm năng xuất khẩu; Nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu): xây dựng vùng nguyên liệu cá cơm sạch, chế biến theo phương pháp truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại, có chứng nhận OCOP 4 sao và đang xúc tiến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản phẩm chè Shan tuyết, trà hoa vàng Quế Phong, giò bê Nam Đàn, chè Minh Sáng, trà sen Quê Bác, dược liệu Phủ Quỳ, mây tre đan Đức Phong, cam bù Kim Nhan,… Những mô hình này đều có điểm chung là gắn sản phẩm với giá trị văn hóa bản địa, có sự hỗ trợ kỹ thuật và quản trị hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baonghean.vn/ocop-nghe-an-phat-trien-ben-vung-gan-voi-chuoi-gia-tri-va-san-xuat-sach-10302541.html
Bình luận (0)