Ong trong môi trường tự nhiên tự do bay lượn tìm hoa để hút mật. Với ong nuôi, chủ trang trại thường "nhử" bằng những loài hoa gần khu vực nuôi hoặc mang hộp nuôi ong đến các khu vườn, cánh rừng có loài hoa phù hợp, mật hoa giàu dinh dưỡng để đàn ong làm mật.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi ong tại các xã Cát Tiên, Cát Tiên 2, tỉnh Lâm Đồng lại khiến những đàn ong “định cư”, nhả mật ngay tại vườn nhà.
Hơn 10 năm trước, anh Đỗ Văn Nghĩa, ngụ xã Cát Tiên, tình cờ thấy người dân bắt được một tổ ong dú trong ngôi nhà hoang. “Lúc đó, ở đây chưa ai biết loài ong này, tôi cũng rất tò mò đến xem. Mật của loài ong này rất thơm và nhiều nên tôi đã “kéo” đàn ong về nhà nuôi thử, sau đó bén duyên với nghề nuôi ong dú”, anh Nghĩa kể.
Sau khi “dẫn” đàn ong về nhà nuôi, anh Nghĩa thường xuyên lên mạng internet để tìm hiểu đặc tính của loài ong dú và kỹ thuật, quy trình nuôi, cách lấy mật ong hợp lý, phương pháp bảo quản mật ong bảo đảm chất lượng. “Loài ong này nhỏ xíu, chúng tôi hay gọi là loài ong hiền khô như đất vì chúng chẳng cắn ai. Khi biết được đặc tính của ong dú thì việc “định cư” chúng tại vườn nhà không khó và mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Nghĩa cho biết. Sau khi “định cư” đàn ong ban đầu khoảng 2 năm, đàn ong dú đã quen môi trường mới, áp dụng những cách làm đã tìm hiểu, anh Nghĩa tiến hành tách đàn ong ban đầu để chia thành nhiều khu vực nuôi. Những tổ ong dú được làm bằng hộp gỗ nhỏ, phân thành nhiều ngăn, một mặt là nhựa trong để dễ quan sát. Hộp nuôi ong đặt ở không gian thoáng đãng trên các kệ sắt, cách mặt đất khoảng 1m.
Ong dú ưa phát triển trong môi trường khí hậu có nhiều nắng và ấm áp, chúng phụ thuộc nhiều vào nguồn hoa có sẵn gần tổ và có xu hướng chọn các loài hoa bản địa với mật hoa giàu dinh dưỡng và dễ tiếp cận như hoa cà-phê và nhiều loại hoa rừng, nên vùng đất Cát Tiên rất phù hợp để nuôi loài ong này. Anh Nghĩa cho biết: “Ong dú thường phù hợp tách đàn, nhân giống vào mùa xuân. Nuôi loài ong này mỗi năm thu hoạch mật một lần vào khoảng cuối tháng tư. Mỗi tổ ong dú có thể thu được từ 1 đến 2,5 lít mật mỗi năm; giá bán dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng mỗi lít. Gia đình tôi nuôi hơn 3.000 hộp (tổ), mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm”.
Mật ong dú có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh và được cho là có nhiều lợi ích đối với sức khỏe do các đặc tính dược liệu như thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, cải thiện đường tiêu hóa, giảm đau, sát trùng vết thương; sáp và mật ong dú có tác dụng làm đẹp, dưỡng da… Sớm nhận diện giá trị của mật ong dú, nhiều người dân đã nuôi và xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngôi nhà của gia đình chị Đoàn Thị Yến, xã Cát Tiên 2 thuộc kiểu nhà vườn, chung quanh bao bọc bởi 2 ha vườn chôm chôm. Đến nay, gia đình chị nuôi 450 hộp ong dú. Chị Yến chia sẻ: “Nuôi ong dú khá dễ, không cần phải mang đi “đánh mật”, mình chỉ cần làm hộp gỗ nhỏ để ong “định cư” là có mật, mang lại thu nhập. Ong dú rất hiền, không đốt người, việc tách đàn cũng dễ dàng”.
Tổ hợp tác nuôi ong dú tại Cát Tiên hiện có 9 thành viên. Ông Trần Văn Thức, tổ trưởng cho biết, các thành viên đều thành công và có thu nhập cao từ mô hình nuôi ong này. Đây là loài dễ nuôi, cho mật chất lượng, được thị trường ưa chuộng; việc tách đàn để bán giống cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể. “Để mật ong dú bảo đảm chất lượng, các thành viên thường “đưa” ong về sống với môi trường tự nhiên, xa khu sản xuất nông nghiệp”, ông Thức thông tin. Địa phương đã công nhận mật ong dú Cát Tiên là sản phẩm OCOP nhiều năm trước.
So với các giống ong mật khác như ong ruồi, ong khoái…, ong dú có kích cỡ nhỏ hơn, tính hiền, không đốt, không gây nguy hiểm cho người nuôi. Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn các xã Cát Tiên, Cát Tiên 2, có khoảng 30 hộ dân nuôi ong dú, mang lại thu nhập tốt.
Nguồn: https://baolamdong.vn/ong-du-dinh-cu-cho-mat-chat-luong-tot-382696.html
Bình luận (0)