Bất động sản công nghiệp hụt hơi
Tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phi tài chính trong năm 2024 đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Gần một nửa trong số này nhằm phục vụ mục đích tái cơ cấu nợ – theo báo cáo mới nhất từ Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating).
Theo VIS Rating, nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư – bao gồm cả phân khúc nghỉ dưỡng – đang có triển vọng tích cực nhờ nhu cầu nhà ở gia tăng và sự cải thiện trong quy trình pháp lý. Dự kiến, các chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh triển khai dự án trong năm 2025 và tìm đến thị trường trái phiếu để huy động vốn. Đặc biệt, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng tiếp tục thuận lợi sẽ hỗ trợ đà phục hồi của nhóm này.
Trái ngược, ngành bất động sản khu công nghiệp có thể đối mặt nhiều thách thức hơn. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế mới từ Mỹ đang khiến hoạt động đầu tư nước ngoài và mở rộng dự án trong lĩnh vực này bị chững lại. Trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn FDI đăng ký mới đã giảm 24% so với cùng kỳ – kéo theo tâm lý thận trọng của các nhà phát triển khu công nghiệp.
Dù được hỗ trợ bởi chính sách giảm hệ số rủi ro tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước và dư nợ ngân hàng của 30 doanh nghiệp niêm yết tăng tới 34% trong năm 2024, lượng trái phiếu phát hành của nhóm bất động sản khu công nghiệp lại giảm 18%. VIS Rating nhận định hoạt động huy động qua kênh trái phiếu trong nhóm này sẽ tiếp tục hạn chế trong năm 2025.
Điện, ô tô tăng tốc phát hành nhờ chính sách hỗ trợ
Ngành ô tô và điện nổi lên như hai điểm sáng mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đối với ngành ô tô, chính sách xóa bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô từ tháng 2/2025 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước. Những cái tên như VinFast hay Tasco được đánh giá sẽ tích cực huy động vốn qua trái phiếu để phục vụ mở rộng nhà máy và chuỗi cung ứng. Dự báo, giá trị phát hành trái phiếu ngành ô tô trong năm 2025 sẽ duy trì mức tăng trưởng cao, tương đương mức tăng 33% của năm trước.
Với ngành điện, đặc biệt là điện tái tạo, đà phát hành có thể tăng tốc vào cuối năm 2025. Các diễn biến tích cực gần đây trong đàm phán cơ chế giá cho dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã góp phần cải thiện tính khả thi tài chính, tạo cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn huy động vốn phục vụ mở rộng đầu tư.
VIS Rating cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính đáo hạn trong năm 2025 lên tới 151.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro tái cơ cấu nợ được đánh giá là “vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, nhờ thanh khoản thị trường được cải thiện và sự chủ động mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, hoạt động mua lại và thanh toán trái phiếu trước hạn đã tăng tới 97% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có tới 73% giá trị trái phiếu phát hành mới (tương đương 13.200 tỷ đồng) được sử dụng cho mục đích tái cơ cấu nợ. Trong số trái phiếu đáo hạn năm 2025, khoảng 60% thuộc lĩnh vực bất động sản nhà ở – nhóm ngành đang có triển vọng thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn và thỏa thuận gia hạn với trái chủ.
Tuy vậy, với ngành điện, khoảng 30% trong số 4.100 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn là các dự án điện tái tạo chuyển tiếp – hiện vẫn tồn tại tình trạng chậm thanh toán gốc và lãi. VIS Rating kỳ vọng, khi các dự án này hoàn tất thỏa thuận giá điện và chính thức vận hành thương mại, dòng tiền sẽ được cải thiện, góp phần bảo đảm nghĩa vụ nợ.
Tổng quan thị trường, VIS Rating dự báo tốc độ tăng trưởng phát hành trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính trong năm 2025 sẽ tương đương mức 13% đạt được trong năm 2024. Nhóm doanh nghiệp bất động sản dân cư, ô tô và điện sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt thị trường, trong khi các ngành có độ rủi ro cao hơn như bất động sản khu công nghiệp sẽ cần thêm thời gian để phục hồi.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-2025-bat-dong-san-cong-nghiep-hut-hoi/20250514093226866
Bình luận (0)