Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của giáo dục mầm non còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực và giải pháp đồng bộ.
Rào cản phổ cập
Thời gian qua, TPHCM từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để có thể thực hiện đạt kết quả tốt nhất về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi, trên cơ sở đó có thể triển khai đại trà. Về vấn đề chuyên môn và đội ngũ, địa phương này có thể đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Song cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề cần quan tâm bởi tình trạng luôn quá tải.
Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) thông tin: Thành phố có thêm cơ chế để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, việc dự kiến chỉ tiêu về trường mầm non đạt chuẩn quốc gia sẽ khó cho địa bàn đô thị như TPHCM vì thiếu quỹ đất xây dựng trường, nhất là trường mầm non.
“Việc đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi khó khăn. Đơn cử như địa phương ở ngoại thành, dù cơ sở vật chất của nhà trường luôn đảm bảo công tác dạy và học cho trẻ trong các độ tuổi, nhưng phụ huynh chưa muốn cho trẻ đến trường do phần lớn có người trông giữ và nhà xa trường”, bà Điệp cho hay.
Ở góc độ nhà trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cần Thạnh (Cần Giờ, TPHCM) nhận định: Giáo dục sớm cho trẻ từ 3 - 5 tuổi đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện. Được tiếp cận giáo dục sớm, trẻ có điều kiện phát triển tốt hơn về thể chất, ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc.
Tại Trường Mầm non Cần Thạnh, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn. Nhưng như vậy không đồng nghĩa nhà trường hết những khó khăn. Cụ thể như trẻ 3 - 4 tuổi thường ra lớp không đầy đủ, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy học và chăm sóc trẻ. Những khó khăn này đã và đang tác động không nhỏ đến chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời hạn chế sự phát triển toàn diện của các em.
“Trang thiết bị như máy chiếu, máy tính còn thiếu ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, khiến trẻ khó có cơ hội tiếp cận với công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Hoạt động giáo dục STEM tại trường chỉ được tổ chức theo độ tuổi, và giảng dạy chủ yếu diễn ra theo phương pháp truyền thống, hạn chế sử dụng công nghệ.
Giáo viên phần lớn sử dụng tranh, ảnh, các vật thật hoặc có thể chiếu video đã được lưu trước trên máy tính để trình chiếu cho học sinh, thay vì sử dụng công nghệ trực tiếp trong lớp học”, bà Thắm cho hay.

Tỉnh miền núi Lai Châu còn nhiều khó khăn, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 113 trường mầm non với hơn 1.500 nhóm, lớp và gần 36.500 trẻ. Việc phát triển giáo dục mầm non vấp phải nhiều trở ngại khi tỷ lệ lớp ghép và các điểm lẻ còn cao.
Lai Châu hiện có 574 điểm trường lẻ. Công tác huy động trẻ ra lớp chưa đạt như yêu cầu do một số chế độ chính sách chỉ quy định đối tượng được thụ hưởng là trẻ mẫu giáo. Mặt khác, các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu tại một số xã vùng cao, đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Đội ngũ giáo viên mầm non thiếu, không đảm bảo được nhu cầu phát triển, thậm chí tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa bàn thấp.
Ông Vũ Tiến Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Dù còn thách thức, song chúng tôi đã tích cực chỉ đạo, tập trung triển khai nhiều giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt tại các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ngành Giáo dục chú trọng phát triển chương trình giáo dục mầm non trên cơ sở ứng dụng phương pháp dạy học tiên tiến, mô hình sáng tạo đảm bảo phù hợp với bối cảnh địa phương”.
Lai Châu đồng thời thực hiện công tác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non dựa trên nhu cầu cấp thiết. Trong đó, ưu tiên đối với trường học, phòng học xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; các trường nằm trong lộ trình xây dựng và đề nghị công nhận chuẩn quốc gia…
Chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non từng bước được chuẩn hóa. Tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh có tổng số 3.070 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Tỷ lệ giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên đạt 96,9%.

Bài toán công bằng
Tại Đắk Lắk, năm học 2024 - 2025, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiếp tục giữ vững thành quả với tỷ lệ ra lớp đạt 99,66%, hoàn thành 100% chỉ tiêu phổ cập ở cấp xã, phường. Tuy nhiên, bài toán mở rộng phổ cập cho nhóm trẻ 3 - 4 tuổi còn nhiều thách thức khi gần 20% trẻ chưa được tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non, đặc biệt ở các địa bàn vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 37.455/37.581 trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp. Trước đó, năm học 2023 - 2024, số trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 37.918 em, đạt 100%. Hiện nay, Đắk Lắk có 1.398 lớp mẫu giáo 5 tuổi, được bố trí đủ 2.698 giáo viên, đạt bình quân 1,93 giáo viên/lớp, đảm bảo chuẩn theo quy định. Đặc biệt, 100% giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 5 tuổi đều đạt chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Về cơ sở vật chất, toàn bộ lớp 5 tuổi có phòng học riêng, kiên cố hoặc bán kiên cố, có đủ ánh sáng, diện tích đạt chuẩn, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh riêng biệt, và đồ dùng, đồ chơi đúng quy định. “Với nền tảng như vậy, có thể khẳng định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi tại Đắk Lắk đã bước vào giai đoạn phát triển bền vững, đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh”, bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk chia sẻ.
Dù tỷ lệ ra lớp của trẻ 5 tuổi cao, nhưng với nhóm trẻ 3 - 4 tuổi, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh huy động khoảng 80% trẻ ra lớp. Cùng đó, tỷ lệ trẻ nhà trẻ (0 - 3 tuổi) ra lớp khiêm tốn hơn, chỉ đạt 17,3% trong tổng số hơn 47.000 trẻ. Theo báo cáo, nhiều điểm trường vùng sâu vẫn phải mượn phòng học, thiếu giáo viên, hoặc chưa đủ điều kiện mở nhóm trẻ độc lập.

“Ở những xã, phường trung tâm, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi đạt cao, có nơi gần như tuyệt đối. Nhưng tại vùng dân tộc thiểu số, do đường sá cách trở, thu nhập thấp, nhiều gia đình còn giữ trẻ ở nhà hoặc gửi sang địa phương khác theo mùa vụ. Đây là thách thức lớn nếu muốn mở rộng phổ cập cho toàn bộ nhóm 3 - 5 tuổi trong giai đoạn tới”, bà Lê Thị Kim Oanh nêu rõ.
Từ năm 2025, Nghị quyết số 218/2025/QH15 của Quốc hội đã xác lập mục tiêu: Đến năm 2030, toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi. Đây là áp lực, đồng thời cũng là cơ hội để các địa phương như Đắk Lắk điều chỉnh chiến lược giáo dục từ gốc.
Theo Sở GD&ĐT Đắk Lắk, để hoàn thành mục tiêu cần triển khai các nhóm giải pháp: Tăng cường giáo viên mầm non tại vùng khó, khắc phục tình trạng thiếu hụt biên chế; hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt nhóm lớp nhà trẻ, xây dựng phòng học kiên cố, bổ sung đồ dùng học liệu thiết yếu; tăng cường chính sách hỗ trợ phụ huynh, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; phát triển mạnh mạng lưới nhóm lớp ngoài công lập tại khu đô thị để giảm tải cho trường công, tập trung nguồn lực đầu tư vùng khó khăn; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số để vận động hiệu quả tại các buôn làng.

Điểm sáng vùng khó
Dù đối mặt với khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tâm lý phụ huynh, giáo dục mầm non tại nhiều địa phương vẫn nỗ lực tìm tòi những cách làm sáng tạo để đưa trẻ đến trường. Trong bối cảnh đó, câu chuyện thành công của một số trường mầm non tại các vùng khó khăn là minh chứng rõ nét cho thấy sự quyết tâm và những giải pháp hiệu quả đã mang lại kết quả tích cực.
Từ năm 2021 đến nay, công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 5 tuổi của Trường Mầm non Kim Nọi (Lục Yên, Lào Cai) luôn đạt 100%. Bà Đỗ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do nhiều bản làng cách trường chính khá xa nên việc trẻ mầm non đến trường đúng độ tuổi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2021, trường có thêm 3 điểm trường, cơ sở vật chất khang trang nên công tác huy động trẻ 3 - 5 tuổi đến trường đầy đủ.
Đồng thời, các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo điều kiện cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp, đường sá đi lại thuận tiện nên việc vận động trẻ đến trường tiến triển rõ rệt. Riêng năm học 2024 - 2025, chỉ đạt 99% do một trẻ ba tuổi khuyết tật vận động không thể đến trường đúng tuổi”.
Tại Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Phương Loan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi hiệu quả, chúng tôi tập trung tối đa nguồn nhân lực để tuyên truyền, vận động. Trước mỗi năm học, nhà trường tiến hành rà soát danh sách trẻ, nắm bắt tình hình, phối hợp hiệu quả với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trưởng thôn, thông qua nhóm Zalo giúp phụ huynh cập nhật tình hình và đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi.
Mặt khác, rà soát cơ sở vật chất trường lớp, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ những gia đình khó khăn làm sao trẻ đến trường đúng độ tuổi”.
Tại Lai Châu, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Từ năm 2018 đến nay, Lai Châu đã vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ lĩnh vực giáo dục mầm non khoảng gần 15 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng trường lớp học, cung cấp trang thiết bị dạy học, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực dạy và học.
Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng dần theo từng năm. Năm học 2024 - 2025, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 33,8%; trẻ mẫu giáo đạt 99,8%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,98%. Chất lượng chăm sóc, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non được chú trọng, góp phần phát triển thể chất, hướng tới sự phát triển toàn diện cho trẻ.
Tại Hội nghị Tổng kết Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu rà soát kỹ lưỡng trường lớp, cơ sở vật chất và biên chế sau khi thực hiện giải thể huyện, sáp nhập cấp xã. Đặc biệt, cần dự báo chính xác biến động số lượng học sinh trong thời gian tới để xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất và biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đồng thời, phải giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường học, gắn liền với việc xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên kiên cố hóa trường lớp và đảm bảo 100% các trường, điểm trường có công trình vệ sinh và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ngoài những chính sách Nhà nước dành cho trẻ mầm non như miễn học phí, hỗ trợ tiền ăn bán trú… Trường Mầm non Kim Nọi còn kêu gọi các tổ chức hỗ trợ thêm cho trẻ giúp bữa ăn bán trú đầy đủ hơn, do đó phụ huynh cũng an tâm khi gửi con đến trường. Đồng thời, nhận thức của các gia đình ngày một tiến bộ nên việc cho con đến trường đúng độ tuổi được quan tâm, sát sao hơn. - Bà Đỗ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-3-5-tuoi-nhan-dien-thach-thuc-post741545.html
Bình luận (0)