Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Điều tiết nguồn thu hợp lý để lo cho vùng sâu, vùng xa

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, nếu không điều tiết hợp lý ngân sách Nhà nước thì Chính phủ sẽ phải đi vay để đầu tư. Do vậy, điều quan trọng là phải sử dụng đồng tiền hiệu quả, điều hành kinh tế vĩ mô tốt và bảo đảm phát triển toàn diện, bao trùm, công bằng giữa các vùng miền.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang27/05/2025

Thi công thảm bê-tông nhựa trên tuyến cao tốc bắc-nam. (Ảnh minh họa: TRANG LIÊN)

Thi công thảm bê-tông nhựa trên tuyến cao tốc bắc-nam. (Ảnh minh họa: TRANG LIÊN)

Trong khuôn khổ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với việc cần thiết phải sửa đổi luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn quản lý ngân sách.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã làm rõ thêm nhiều vấn đề cử tri quan tâm, đặc biệt là liên quan đến điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm công bằng và phát triển bền vững các vùng, miền.

Bảo sự phát triển hài hòa, cân đối

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Thủ tướng Chính phủ đã phải điều tiết đáng kể nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường cao tốc hay các công trình mang tính kết nối giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là đầu tư cho các tỉnh nghèo.

Ông Phớc cho biết, thực tiễn cho thấy, các địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Gia Lai hay Kon Tum hiện nay khó có thể tự huy động vốn để đầu tư hạ tầng kết nối, do đó Trung ương phải điều tiết để hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Điều tiết nguồn thu hợp lý để lo cho vùng sâu, vùng xa ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ngược lại, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng là những địa phương có quy mô thu ngân sách dồi dào, trong đó nguồn thu từ đất đóng góp tỷ trọng không nhỏ.

Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng chỉ rõ, lợi thế đó có được một phần là nhờ vào điều kiện địa kinh tế thuận lợi và sự đầu tư mạnh mẽ của Trung ương về hạ tầng qua nhiều giai đoạn trước đó.

Chính vì vậy, ông Phớc khẳng định, việc điều tiết ngân sách, bao gồm cả nguồn thu từ đất là cần thiết để thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và hỗ trợ các địa phương khác, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối.

“Không thể ai cũng muốn giữ lại toàn bộ nguồn thu để chi tiêu. Nếu vậy thì ai sẽ lo cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nếu không thực hiện điều tiết ngân sách một cách hợp lý, Chính phủ sẽ buộc phải đi vay để đầu tư vào các công trình trọng điểm.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là phải sử dụng đồng tiền hiệu quả, điều hành kinh tế vĩ mô tốt và bảo đảm phát triển toàn diện, bao trùm, công bằng giữa các vùng miền”.

Do đó, việc điều tiết lại một phần nguồn thu từ các thành phố lớn là cần thiết để Chính phủ có nguồn lực đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc bắc-nam, các tuyến đường liên tỉnh, cảng biển… và hỗ trợ các địa phương nghèo không có nhiều nguồn thu từ đất.

Cũng theo ông Phớc, hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, nhưng sắp tới có thể sẽ điều chỉnh giảm. Phó Thủ tướng cho rằng, điều này là hợp lý vì theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, tiền sử dụng đất là nguồn thu quốc gia chứ không chỉ của riêng địa phương nào.

Phân cấp gắn với phân quyền và trách nhiệm

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong điều hành ngân sách hiện nay, phân cấp và phân quyền đang được thực hiện theo quy định: Ngân sách chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, Trung ương không can thiệp.

Tuy nhiên, việc chi tiêu ngân sách vẫn phải tuân thủ các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Thí dụ, chi đầu tư phải theo trình tự, thủ tục, định mức, dự toán do Bộ Xây dựng hoặc Chính phủ quy định, còn quyết định chi bao nhiêu, làm công trình nào cụ thể là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Theo ông Phớc, việc phân cấp cụ thể hơn nữa, thí dụ từ Hội đồng nhân dân tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Việc phân bổ ngân sách cho các tỉnh được Chính phủ báo cáo Quốc hội ngay từ khi lập dự toán đầu năm và được công khai, minh bạch.

Trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, có ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về thẩm quyền phân bổ ngân sách hiện tại. Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng khẳng định: Hiến pháp đã quy định rõ Quốc hội có thẩm quyền quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương, còn dự toán ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương đến từng ngành, từng bộ và từng tỉnh, chứ không phân bổ chi tiết từng hạng mục trong ngành đó, còn việc điều hành chi tiết, quản lý và quyết toán thuộc về Chính phủ, ông Phớc nêu rõ.

“Khi có thay đổi lớn cần tăng dự toán, thí dụ tăng chi cho khoa học công nghệ từ mức 3% đã duyệt, Chính phủ phải trình Quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập pháp, không phải hành pháp và không có bộ máy chuyên môn để thực hiện chi tiết việc điều hành ngân sách”, Phó Thủ tướng cho biết.

Khẳng định đây chính là vấn đề phân cấp và phân quyền, ông Phớc nhấn mạnh: “Phân cấp là giao nhiệm vụ cho cấp dưới thực hiện. Phân quyền là giao quyền hạn và yêu cầu cấp dưới phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-dieu-tiet-nguon-thu-hop-ly-de-lo-cho-vung-sau-vung-xa-212596.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm