Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phụ nữ Thủ đô tâm huyết, trách nhiệm góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Hà Nội MớiHà Nội Mới17/05/2025

Trên cơ sở Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xoay quanh những nội dung trọng tâm trong dự thảo sửa đổi, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội…

Dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại một số ý kiến của phụ nữ góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội:
Khẳng định tinh thần "Dân là gốc", dân là trung tâm

ba-an.jpg

Qua nghiên cứu, tôi đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này đã tiếp tục khẳng định tinh thần "Dân là gốc", dân là trung tâm. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 có rất nhiều điểm mới quan trọng, mang tính tiến bộ.

Có thể kể tới quy định xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thay cho 3 cấp trong Hiến pháp sửa đổi, đồng thời, có quy định bảo đảm bộ máy chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn. Đây không chỉ là việc thay đổi tổ chức bộ máy, mà còn là cơ sở để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, giúp tiết kiệm ngân sách chi cho các hạng mục an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời chọn được những cán bộ đủ năng lực, đức, tài... để đưa vào đúng các vị trí, qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Tôi cũng tâm đắc với Điều 9 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi về vai trò vị trí của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị. Trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa Đảng Nhà nước với nhân dân thì với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, Mặt trận Tổ quốc chủ động hoạt động phản biện, giám sát, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong tham gia quản lý Nhà nước. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 đã nhấn mạnh, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân.

Dự thảo cũng phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan như Nhà nước, Quốc hội... để từ đó giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động, điều hành, qua đó người dân sẽ được trực tiếp hưởng lợi do không bị ảnh hưởng bởi các thủ tục rườm rà...

Có thể nói, việc sửa đổi Hiến pháp lần này là rất đúng thời điểm, hợp lòng dân, phù hợp với sự phát triển chung, bền vững của đất nước ta. Quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần được tiến hành thận trọng, khoa học, đúng quy trình và minh bạch. Tôi mong các ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia, trí thức... sẽ được lắng nghe, chắt lọc để đưa vào sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp, góp phần tạo nên bước đột phá, hiện thực hóa khát vọng phát triển, đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập và vươn mình mạnh mẽ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình Đinh Thị Phương Liên:
Mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững

dinh-thi-phuong-lien.jpg

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhìn chung, các ý kiến của cán bộ, hội viên phụ nữ đều khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp 2013 là một yêu cầu khách quan và cần thiết trước chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Các ý kiến đều thống nhất cho rằng đây là một vấn đề hệ trọng, có tác động sâu sắc đến hệ thống chính trị - xã hội, một cuộc cách mạng để đưa đất nước ta đủ tâm thế bước vào kỷ nguyên mới. Việc sửa đổi Hiến pháp không chỉ “mở đường” cho quá trình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính hợp lý, mà còn phản ánh xu thế hội nhập mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến sửa đổi 8 điều gồm: Điều 9, 10 (Chương 1 về Chế độ chính trị), điều 84 (Chương 5 về Quốc hội); các điều 110, 111, 112, 114, 115 (Chương 9 về Chính quyền địa phương).

Đa phần các ý kiến đều cho rằng việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp đã thể hiện đầy đủ vị trí và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thể hiện rõ nhiệm vụ hiệp thương với các tổ chức thành viên và Mặt trận Tổ quốc chủ trì các hoạt động của tổ chức thành viên.

Việc quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Hiến pháp để phát huy dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã cụ thể hơn, chi tiết hơn và nhấn mạnh vai trò của Nhân dân và trong đó có bổ sung các chức năng, nhiệm vụ của mặt trận (giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến của nhân dân...) là tích cực, nhưng cũng cần có quy định cụ thể hơn về cơ chế thực hiện để đảm bảo các chức năng này được thực hiện hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến:
Mong muốn phát huy được vai trò của từng đối tượng trong tình hình mới

le-thi-tuyen.jpg

Qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tôi nhận thấy việc thực hiện chủ trương của Đảng về nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị, xã hội quần chúng, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đồng thời để đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay, là điều cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh việc giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, giảm sự chồng chéo nhiệm vụ, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tôi thấy việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị, xã hội quần chúng, Hội quần chúng về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ làm giảm tính đặc thù và chuyên môn sâu của từng tổ chức. Sau khi tinh gọn, một số tổ chức mất đi tính độc lập về chuyên môn, đặc biệt là các chương trình dành riêng cho từng đối tượng như phụ nữ, nông dân, thanh niên... Các chương trình dài hạn, chuyên biệt cũng khó duy trì do thiếu nhân lực và cơ chế riêng biệt. Do vậy, tôi cũng mong muốn, Hiến pháp sẽ bổ sung cụ thể vị trí, trách nhiệm của từng tổ chức để phát huy được vai trò của từng đối tượng trong tình hình mới.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh, hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Hội tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của đại diện các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các luật sư, chuyên gia pháp lý, chuyên gia giới và cán bộ Hội các cấp.

kim-anh.jpg
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh. Ảnh: Bảo Lâm

Qua đó. huy động trí tuệ tập thể góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng và thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân; tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong xã hội đối với những nội dung sửa đổi Hiến pháp.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đề nghị các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các nội dung dự thảo, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, hội viên và nhân dân, góp phần đưa Hiến pháp ngày càng đi vào cuộc sống. Các ý kiến đóng góp sẽ được Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Trung ương Hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các cơ quan liên quan.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/phu-nu-thu-do-tam-huyet-trach-nhiem-gop-y-sua-doi-bo-sung-hien-phap-2013-702578.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm