Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quán bún bò Huế sửa bảng hiệu, đổi món: Vì sao giò chả bỗng 'biến mất'?

Nhiều quán bún bò Huế che chữ 'giò chả' trên bảng hiệu và chuyển sang bán bún vịt, bún bò để giữ khách giữa lúc thực khách e ngại sử dụng thịt lợn.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên18/07/2025

Những ngày gần đây, sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi và những thông tin về bệnh liên cầu lợn ở TP.Huế khiến nhiều người lo lắng. Không chỉ các tiểu thương bán thịt lợn ở chợ gặp khó khăn, mà các quán bún bò Huế cũng chịu ảnh hưởng.

Bún bò Huế 'thay áo' vì lợn dịch bệnh: 'Phải đổi món, che tên mới có khách' - Ảnh 1.

Một quán bún bò tại TP.Huế che đi chữ "giò chả" trên bảng hiệu, thay vào đó là bún bò và bún vịt để giữ chân khách hàng - ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Bún bò Huế, món ăn trứ danh của đất cố đô, không chỉ được nấu từ thịt bò mà còn đi kèm với giò và chả lợn. Chính vì vậy, các bảng hiệu của những quán bún bò thường đi kèm dòng chữ "bún bò, giò, chả". Tuy nhiên, khi người dân e ngại về thịt lợn đặc biệt là từ lúc TP.Huế ghi nhận những ca mắc liên cầu lợn, nhiều chủ quán tìm cách thích nghi. Họ đổi món, che dòng chữ "thịt lợn" trên bảng hiệu.

Phải thích nghi để giữ chân khách

Bà Phan Thị Lệ, 55 tuổi, chủ một quán bún bò Huế lâu năm tại đường Trường Chinh, P.An Cựu (sáp nhập từ các phường An Cựu, An Đông, An Tây thuộc Q.Thuận Hóa cũ), chia sẻ: "Mấy ngày ni, khách vô quán cứ hỏi han kỹ lắm về nguồn gốc thịt lợn. Nhiều người nghe nói có giò, chả là lắc đầu bỏ đi luôn. Có hôm chỉ bán được vài ba tô bún bò không có giò chả, mà trước đây bán cả trăm tô mỗi ngày. Thấy vậy, tui phải đổi ngay sang bún vịt, bún bò không giò chả. Dù biết là mất đi cái đặc trưng của bún bò Huế truyền thống, nhưng nếu không thay đổi thì lấy chi mà sống?".

Bún bò Huế 'thay áo' vì lợn dịch bệnh: 'Phải đổi món, che tên mới có khách' - Ảnh 2.

Món giò, chả lợn bị "loại" khỏi thực đơn của nhiều quán, thay vào đó món bún chỉ dùng bò và vịt - ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Bún bò Huế 'thay áo' vì lợn dịch bệnh: 'Phải đổi món, che tên mới có khách' - Ảnh 3.

Món bún bò Huế trước diễn biến của bệnh liên cầu lợn - ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Tương tự, tại quán bún bò của bà Bùi Thị Phương (51 tuổi) trên đường Nguyễn Trường Tộ, P.Thuận Hóa (sáp nhập từ các phường Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Trường An thuộc Q.Thuận Hóa cũ), chủ quán dùng băng dính dán che đi chữ "giò, chả". Thay vào đó, bảng hiệu bây giờ là bún vịt, bún bò với dòng chữ: "Chỉ sử dụng thịt bò".

Theo bà Phương, quán không chỉ đơn thuần là thay đổi thực đơn mà còn là để khách hàng yên tâm nhưng vẫn đảm bảo độ ngon và hương vị đặc trưng của bún bò.

Bún bò Huế 'thay áo' vì lợn dịch bệnh: 'Phải đổi món, che tên mới có khách' - Ảnh 4.

Một số hàng quán dùng băng keo để che đi chữ giò, chả, cua (làm từ thịt lợn) trên bảng hiệu - ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

"Ra chợ người ta vẫn bán thịt lợn bình thường, nhà tôi vẫn ăn vì biết lợn có kiểm định, nhưng vì nhiều người lo lắng nên lượng khách đã giảm đáng kể. Người ta e ngại ăn thịt lợn, nhất là mấy món giò chả từ lợn, nên doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Mình phải linh hoạt thôi, chứ cứ giữ nguyên cách cũ thì khó mà trụ nổi. Mấy hôm nay bán bún vịt, bún bò, nước bún ninh từ xương nên vẫn giữ được hương vị ngọt tự nhiên, khách có vẻ đông hơn một chút", bà Phương nói.

Bà Nguyễn Thị Thảo (75 tuổi, trú P.Thuận Hóa), một thực khách thường xuyên chọn bún bò là món ăn sáng, chia sẻ: "Nghe tin dịch tả lợn rồi lại bệnh liên cầu lợn là tôi ngại lắm. Trước đây tuần nào cũng ăn bún bò Huế có giò chả, nhưng giờ thì phải kiêng thôi. Thấy mấy quán đổi sang bán bún vịt tôi cũng mừng".

Bún bò Huế 'thay áo' vì lợn dịch bệnh: 'Phải đổi món, che tên mới có khách' - Ảnh 5.

Sự thay đổi này đã khiến nhiều thực khách an tâm khi lựa chọn bún bò để ăn sáng - ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.Huế, đến ngày 17.7, địa phương này phát hiện 38 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Về việc lợn dịch bệnh, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Huế, khẳng định địa phương đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trên lợn. Mặc dù một số điểm cục bộ xuất hiện dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn châu Phi... nhưng ngành thú y Huế đã kịp phát hiện, tiêu hủy ngay tại chỗ, không để dịch lây lan. Đối với các điểm có người nhiễm liên cầu lợn, ông Đức cho biết lực lượng thú y đã lấy mẫu trên các đàn heo ở gia đình người nhiễm cũng như khu vực xung quanh, kết quả xét nghiệm không ghi nhận heo có bệnh.

Ông Đức cũng cho rằng, người dân hãy an tâm ăn thịt lợn với điều kiện ăn chín uống sôi, lưu ý vệ sinh an toàn dụng cụ chế biến.

Nguồn: https://thanhnien.vn/quan-bun-bo-hue-sua-bang-hieu-doi-mon-vi-sao-gio-cha-bong-bien-mat-185250718094959076.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm