Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quảng Ninh: Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá đặc sắc

Những khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không chỉ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc, mà còn tạo ra động lực thu hút khách du lịch, đặc biệt là dòng khách trải nghiệm văn hoá, du lịch tâm linh. Tích cực bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, Quảng Ninh đã có Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thế giới, cùng các khu di tích Yên Tử, Bạch Đằng, di tích nhà Trần tại Đông Triều là những hợp phần quan trọng của bộ hồ sơ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang tiếp tục đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu cao quý này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch04/07/2025

8 Di tích quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh không chỉ là những danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, di chỉ khảo cổ, hay địa điểm lưu niệm danh nhân, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá độc đáo của địa phương, đặc biệt là văn hoá biển đảo và văn hoá thời đại Lý - Trần.

Quảng Ninh: Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá đặc sắc - Ảnh 1.

Hoạt động buôn bán tại thương cảng cổ Vân Đồn. Ảnh: Tư liệu

 Vùng văn hoá biển đảo đặc sắc

Theo thống kê của Sở VHTTDL, trên địa bàn tỉnh hiện có 636 di tích/cụm di tích, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh, 471 di tích kiểm kê, phân loại, chưa xếp hạng. Trong số 8 Di tích quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh, có 4 di tích liên quan đến vùng biển đảo là Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, Thương cảng Vân Đồn và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Trà Cổ.

Văn hoá biển nổi bật nhất và vẫn có sức sống mãnh liệt là văn hoá Hạ Long. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Vịnh Hạ Long là nơi chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của người Việt cổ từ văn hoá Soi Nhụ đến văn hoá Cái Bèo, sau là văn hoá Hạ Long. Đặc biệt, văn hoá Hạ Long là nguồn lực văn hoá lớn kết tụ tạo thành bản sắc văn hoá Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, không gian sáng tạo văn hóa Hạ Long gắn bó chặt chẽ với Bái Tử Long, được kiến dựng ở vùng cảnh quan kỳ vĩ tầm cỡ thế giới, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng văn minh sinh thái biển Việt Nam.

Xa hơn nữa là Thương cảng Vân Đồn và đình Trà Cổ. Vân Đồn là thương cảng biển sầm uất nhất Việt Nam suốt từ khi thành lập (năm 1149) tới cuối thế kỷ XVII. Dấu tích Thương cảng Vân Đồn thể hiện tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ. Thương cảng Vân Đồn là nơi hội tụ không gian văn hóa, kể câu chuyện con đường thương mại trên biển. Đình Trà Cổ xây dựng từ thế kỷ XV, gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Đình Trà Cổ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1974 và sau đó được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2023.

Nằm ở vùng biển đảo ngoài khơi, di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, gồm: Tượng đài, khuôn viên, bia, đền thờ, nhà trưng bày, lưu niệm, ruộng khoai và cánh đồng muối. Di tích là nơi để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thể hiện lòng thành kính với Bác Hồ kính yêu; đồng thời, khẳng định là “cột mốc chủ quyền” của Việt Nam trên vùng biển đảo, là di sản quốc gia quý báu cần được bảo tồn, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa gắn với việc giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc.

Quảng Ninh: Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá đặc sắc - Ảnh 2.

Khu vực Động Thiên Cung, Hang Đầu Gỗ trên Vịnh Hạ Long

Một vùng văn hoá nhà Trần

4 Di tích quốc gia đặc biệt còn lại đều liên quan đến nhà Trần trong lịch sử, gồm: Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng 1288, Khu di tích - danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần, Khu di tích đền Cửa Ông - đền Cặp Tiên. Nhìn rộng ra, cả Yên Tử, Bạch Đằng và khu di tích nhà Trần đều là những hợp phần trong bộ hồ sơ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có hơn 70 điểm di tích với 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Quảng Ninh có sự kết tụ giá trị biển đảo, với sông núi cùng di sản văn hoá. Nếu khu vực Vịnh Hạ Long là trung tâm của không gian văn hoá thứ nhất, thì không gian sáng tạo văn hóa thứ hai ở vùng núi cao Yên Tử. Phật giáo Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, với Phật hoàng Trần Nhân Tông là đỉnh cao của giá trị văn hoá thời Trần, là linh hồn cốt lõi của văn hoá dân tộc.

Quảng Ninh: Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá đặc sắc - Ảnh 3.

Di tích Bạch Đằng được đặt trong sợi dây liên kết với các di tích liên quan đến nhà Trần tại Quảng Ninh

Theo GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực, mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử. Riêng ở Quảng Ninh, liên quan đến Yên Tử và văn hoá nhà Trần có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội đền Cặp Tiên... Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh các di tích khu vực này để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn. 

Quảng Ninh: Nơi lưu giữ những giá trị văn hoá đặc sắc - Ảnh 4.

Khu vực chùa Đồng nhìn từ trên cao

Sự hoà quyện giữa văn hoá biển và văn hoá lục địa tạo ra kết tinh sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. Ví như Khu di tích lịch sử Bạch Đằng vừa thể hiện chiến công của nhà Trần năm 1288, vừa thể hiện nghệ thuật chiến tranh trên sông, trên biển. Sau này, đến các giai đoạn tiếp theo, vùng cửa sông, cửa biển này luôn hội tụ sức mạnh cả dân tộc. Nếu Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới thì Quảng Ninh sẽ có 2 không gian sáng tạo văn hóa, một ở núi cao và một ở biển cả. 2 di sản đó sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế khu vực, quốc tế của tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/quang-ninh-noi-luu-giu-nhung-gia-tri-van-hoa-dac-sac-2025070414194263.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm