
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, gửi đến đại biểu Quốc hội thông tin liên quan đến hoạt động chất vấn, gồm: (1) Thống kê việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (2) Tập hợp nội dung các nhóm vấn đề đã chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (3) Báo cáo tổng hợp thông tin phục vụ hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 9.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, phiên chất vấn được tổ chức trong thời gian 1,5 ngày (dự kiến từ ngày 19/6 đến hết buổi sáng ngày 20/6/2025) và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ chất vấn các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 02 Bộ trưởng, Trưởng ngành, vì vậy trong Phiếu xin ý kiến, các đại biểu được đề nghị lựa chọn 2/3 nhóm vấn đề chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội trên cơ sở tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn. Cụ thể:
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các nội dung về: Thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Việc thực hiện quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm; công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, gồm: Giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, làm mới động lực tăng trưởng cũ, xác lập, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, gồm: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số; việc hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nâng cao kỹ năng số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản lý nhà nước.
Theo Nội quy Kỳ họp Quốc hội, trong phiên chất vấn, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 05 phút để phát biểu về vấn đề chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi trong thời gian không quá 01 phút; người trả lời chất vấn trả lời trong thời gian không quá 03 phút đối với mỗi câu hỏi. Đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người trả lời chất vấn với thời gian mỗi lần tranh luận không quá 02 phút.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Theo kết quả phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chất vấn, làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện.
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là điểm nhấn tại các kỳ họp của Quốc hội, vì thông qua chất vấn, cử tri thấy được trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng như của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đối với những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
Bên cạnh đó, thông qua chất vấn, giúp người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan thấy được những mặt còn hạn chế, tìm ra nguyên nhân, giải pháp, lộ trình giải quyết những tồn tại, vướng mắc thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình./.
Nguồn: https://baobackan.vn/quoc-hoi-se-lua-chon-chat-van-2-nhom-van-de-tai-ky-hop-thu-9-post70886.html
Bình luận (0)