Tại cuộc họp đầu tiên với 168 xã phường, đặc khu sau sáp nhập hồi đầu tháng 7, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, nhanh chóng chuẩn bị công tác quy hoạch TP.HCM mới.
Chủ tịch TP.HCM yêu cầu không lo ngại vấn đề chi phí, phải chọn đơn vị tư vấn xứng tầm, thực hiện việc quy hoạch TP.HCM mới thể hiện được tầm nhìn mới - tầm nhìn đến 2030, TP.HCM phải có tên trong Top 100 thành phố đáng sống nhất thế giới.
Quy hoạch lại TP.HCM theo tư duy là đô thị biển
TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM hiện nay đã trở thành một đô thị biển thực sự, không thể tiếp tục quy hoạch theo hướng "hướng ra biển" như trước. Bên cạnh các lợi thế cảng biển công nghiệp lớn, cần phát triển chuỗi đô thị du lịch sinh thái ven biển từ Cần Giờ - Vũng Tàu - Hồ Tràm kéo dài đến Phan Thiết (Lâm Đồng) tương tự như các mô hình phát triển ở Dubai.
Ngoài ra, không gian rộng lớn với loạt lợi thế hạ tầng là cơ hội vàng cho thành phố mới phát triển.
Ông Sơn cho rằng, lâu nay tứ giác TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là vùng tiềm năng nhất không chỉ của khu vực Đông Nam Bộ mà của cả nước, là các tỉnh thành có đóng góp ngân sách cao nhất; vùng kinh tế có hạ tầng tốt và cả 4 tỉnh thành đều có thu nhập lớn nhất.

Quy hoạch lại TP.HCM để xứng tầm của 3 trụ cột kinh tế lớn, đặc biệt nhất khu vực với GDP chiếm gần 1/4 cả nước. (Ảnh minh họa: Lương Ý)
Bình Dương có ga xe lửa lớn nhất nước là ga Sóng Thần. Đồng Nai có sân bay Long Thành lớn nhất nước và Bà Rịa - Vũng Tàu có cụm cảng Thị Vải - Cái Mép hiện đại nhất. Còn TP.HCM là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất vùng.
Với tiềm lực kinh tế này, việc TP.HCM hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ sở hữu những cái nhất mà trước giờ chưa có được. Sau sáp nhập, vùng tứ giác này, dù không còn là tứ giác như trước, nhưng sẽ bước lên tầm cao mới. Và TP.HCM mới sẽ tính bài toán kinh tế, bài toán đô thị hoàn toàn khác.
"Trước đây, TP.HCM nghĩ tới quy hoạch, phát triển đô thị đa trung tâm, nhưng lại lệ thuộc ý chí vẫn muốn các vùng thuộc TP liên kết với nhau. Trong khi hạn chế là phần kết nối với Cần Giờ khá yếu, bởi Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển phải giữ gìn. Làm cảng quốc tế Cần Giờ, TP phải làm cảng trung chuyển, không nhiều liên kết với sản xuất, dịch vụ địa phương. Nhưng với TP.HCM mới, có Bà Rịa – Vũng Tàu thì liên kết đô thị cảng biển hoàn toàn khác", ông Sơn nói.
Chuyên gia này phân tích, cảng Cần Giờ sẽ nằm trong cụm Thị Vải - Cái Mép và kết nối với nhau có thể bằng một cây cầu ngắn nối giữa Vũng Tàu sang Cần Giờ.
Ở phía Bình Dương sẽ kết nối tại ga Sóng Thần xuống Thị Vải - Cái Mép, thành cụm liên kết từ Sóng Thần - Thị Vải - Cái Mép - Cần Giờ. Kết nối này thực sự đánh thức tiềm năng rừng vàng biển bạc của Cần Giờ.
Kết nối đô thị của TP.HCM cũng hoàn toàn khác khi không còn phụ thuộc vào tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, mà tuyến kết nối từ nội thành TP.HCM hiện hữu lên TP mới Bình Dương và ngược xuống Vũng Tàu sẽ là tuyến đường xương sống rất quan trọng.
Trong khi đó, Bình Dương là vùng đất rất cao, khi trở thành một phần của TP.HCM thì chỉ cần khơi thông hạ tầng kết nối, việc phát triển đô thị hướng này là rất bền vững. Bình Dương ngoài lợi thế công nghiệp thì đây là cơ hội để phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà giá rẻ và phát triển đô thị an toàn trước biến đổi khí hậu.

TP.HCM đang có số bến cảng chiếm gần 1/3 cả nước, trong đó cụm cảng Thị Vải - Cái Mép thuộc nhóm 19 cảng nước sâu trên thế giới có thể đón các tàu siêu trường siêu trọng. (Ảnh: Lương Ý)
Tuy nhiên, quy hoạch mới cần một tư duy liên kết vùng chứ không phải cục bộ. Ví dụ, thành phố hiện có hai tỉnh giáp ranh là Tây Ninh và Đồng Nai không có biển, nhưng có cửa khẩu quốc tế, là mắt xích quan trọng kết nối hành lang kinh tế ASEAN. Nên việc phát triển không thể tách rời hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa các tỉnh.
"TP.HCM có các trục xương sống quan trọng, đặc biệt kết nối với Đồng Nai, khi đó liên kết vùng sẽ mạnh hơn rất nhiều. Liên kết này sẽ tạo sự vượt trội về kinh tế xã hội cho khu vực Đông Nam Bộ. Tôi mong muốn quy hoạch TP.HCM sớm có sự điều chỉnh, đánh giá lại và khai thác những yếu tố mới, để tận dụng cơ hội.
TP.HCM đừng ngại lùi lại thời gian để điều chỉnh quy hoạch mới cho một TP rộng lớn sau sáp nhập. Bởi điều chỉnh sẽ nâng tầm hiệu quả của việc quy hoạch, trong bối cảnh chúng ta phát triển kinh tế với mức tăng trưởng 2 con số một cách bền vững. Tôi mong muốn mai này cụm cảng Thị Vải - Cái Mép sẽ có đường xe lửa để sản xuất xong sẽ bốc hàng lên xe lửa kéo ra tàu biển, đó mới là mô hình TP.HCM hướng đến", ông Sơn nói thêm.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng TP.HCM phải quy hoạch lại đúng vị thế mới.
"Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây, bây giờ là TP.HCM, đang có cảng Cái Mép là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, đó là tài sản lớn cho hôm nay và mai sau. Trong quy hoạch mới cần tập trung nguồn lực cho Cái Mép. Vì cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tốc sắp khai thác, sân bay Long Thành cũng sắp hoàn thành, một loạt các tuyến đường vành đai nữa, khi đó cảng Cái Mép rất lợi thế.
Ngoài ra, khi Cái Mép Hạ thành khu thương mại tự do thì bản thân cảng nước sâu Cái Mép hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với Singapore, trở thành điểm trung chuyển chính, tàu hàng không cần qua Singapore nữa", ông Kỳ tính.
Ông cũng hiến kế cần sự kết nối giữa Cần Giờ và Vũng Tàu cũ, bằng đầu tư cây cầu nối từ Cần Giờ qua Vũng Tàu.
Điều chỉnh quy hoạch là yêu cầu cấp thiết
Theo kiến trúc sư Phạm Trần Hải - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trọng yếu sau khi TP sáp nhập địa giới hành chính. Viện đã chủ động tham mưu cho UBND TP.HCM công tác này, nhằm bảo đảm quá trình tích hợp không tạo ra khoảng trống pháp lý và giữ vững định hướng phát triển bền vững.

Cần Giờ khi kết nối với với Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được đánh thức lợi thế rừng vàng biển bạc. (Ảnh: M. Quỳnh)
Ngày 27/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng quy hoạch tỉnh hiện hữu cho đến khi quy hoạch mới được điều chỉnh. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và hạ tầng cần được xử lý sớm để tránh ngưng trệ đầu tư.
Ông Hải nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch TP.HCM mới cần dựa trên 3 trụ cột chiến lược, đó là tái cấu trúc không gian phát triển; kết nối hạ tầng giao thông liên vùng; đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng và phân bổ đầu tư.
Việc tái cấu trúc không gian phát triển cần lưu ý gom các “mảnh đất” quy hoạch rời rạc trước đây lại, để xây dựng các khu vực phát triển thống nhất, tránh cạnh tranh lẫn nhau - như giữa các cảng biển hoặc các khu công nghiệp. Ví dụ Bình Chánh có thể giảm phát triển công nghiệp, chuyển về khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có dư địa lớn hơn.
Trong yếu tố kết nối hạ tầng giao thông liên vùng, chuyên gia đến tư Viện Nghiên cứu Phát triển lưu ý việc kết nối hệ thống đường sắt đô thị giữa TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tránh rời rạc như quy hoạch cũ, và điều chỉnh - bổ sung các tuyến kết nối từ Vũng Tàu - Cần Giờ - trung tâm TP.HCM - Đồng Nai.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch phải chú ý rà soát lại toàn bộ danh mục dự án ưu tiên đầu tư của 3 địa phương trước đây, và chia thành hai nhóm: nhóm dự án cần nâng cấp độ ưu tiên như đường vành đai, tuyến kết nối liên tỉnh; các dự án cần xem xét lại mức độ cấp thiết như trung tâm hành chính, nhà ga, khu công nghiệp.
Hiện TP.HCM đang có 3 lớp quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh (cấp thành phố), quy hoạch chung (dành riêng cho đô thị đặc biệt), và quy hoạch đô thị cấp huyện/xã (như TP.Thủ Đức). Các quy hoạch này phải được rà soát, tích hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn.
Quy hoạch mới sẽ xóa cục bộ địa phương
Cũng theo ông Phạm Trần Hải, quy hoạch TP.HCM mới cần thực hiện trong thời gian ngắn, do đó phải đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68 về phát huy vai trò của kinh tế tư nhân. Đây mới là động lực quan trọng nhất để phát triển.

Bình Dương không chỉ có lợi thế về công nghiệp, logistic mà còn là khu vực thuận lợi phát triển nhà ở, đặc biệt là phát triển đô thị an toàn trước biến đổi khí hậu. (Ảnh: Lương Ý)
Việc điều chỉnh quy hoạch sau sáp nhập nên theo nguyên tắc địa phương tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm. Nếu Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật Quy hoạch vào tháng 10 tới, TP.HCM và các tỉnh có thể thuận lợi hơn trong xử lý các vướng mắc về pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Các chuyên gia kỳ vọng tư duy quy hoạch mới sẽ không còn cục bộ địa phương mà kết nối để phát triển. TS Ngô Viết Nam Sơn lấy ví dụ trước đây, việc phát triển dự án thường mang tư duy “giữ phần lợi về mình”, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các địa phương. Chẳng hạn như đường kết nối từ Bà Rịa - Vũng Tàu sang Cần Giờ từng bị “gác lại” vì cạnh tranh.
Giờ đây, khi đã là một thể thống nhất, sẽ chuyển đổi tư duy quy hoạch không gian phát triển liên thông, cùng chia sẻ lợi ích, cùng phát triển.
Đặc biệt, TP.HCM luôn phải phát huy được vai trò “đầu tàu kéo cả đoàn tàu đi”, chứ không thể chỉ lo cho riêng mình. Muốn vậy, TP càng phải sớm điều chỉnh quy hoạch và hướng quy hoạch vùng tích hợp - tích hợp cả về giao thông, đô thị, kinh tế, tài nguyên, môi trường.
Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng một siêu đô thị mới đã hình thành. 3 địa phương hợp nhất với nhau không chỉ tạo ra một siêu đô thị mới 14 triệu dân, mà đã tạo ra 3 trụ cột hiếm có tại khu vực Đông Nam Á. Trụ cột thứ nhất là tại trung tâm TP.HCM với lợi thế trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại phát triển mạnh mẽ.

TP.HCM sẽ là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045. (Ảnh: Lương Ý)
Trụ cột thứ 2 là thế mạnh công nghiệp, logistic ở Bình Dương và trụ cột Bà Rịa - Vũng Tàu với các lợi thế về công nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái, logistic, cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam và khu vực.
Trước đây vẫn là tiềm năng, lợi thế đó nhưng rào cản về thủ tục hành chính, về địa giới, tập quán, kể cả tính cục bộ địa phương đã ngăn cản sự phát triển của 3 đô thị. Nay về một nhà, doanh nghiệp mong những rào cản cũ sẽ xóa bỏ, những ưu thế sẽ được tiếp nối.
"Đầu tư vào TP.HCM trước đây, phải công bằng mà nói là doanh nghiệp gặp rất nhiều rào cản, từ thủ tục hành chính nhiêu khê, giá đất cao, thời gian xin phép kéo dài, nên doanh nghiệp dời sang các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Hiện nay với TP.HCM mới, doanh nghiệp chúng tôi lo: Liệu khi hợp nhất thì các rào cản trước đây của TP.HCM có tạo ra rào cản tiếp theo cho Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không, khi đây là những điểm sáng về đầu tư và cải cách hành chính. Nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ lại về Long An (Tây Ninh) và Đồng Nai", ông Kỳ thẳng thắn.
Doanh nhân này cho rằng TP.HCM mới cần cơ chế thông thoáng, cải cách hành chính mạnh mẽ, và bộ máy hành chính của 3 địa phương sau sáp nhập bổ trợ nhau, tạo ra sức mạnh của sự hợp nhất, để thúc đẩy sự đổi mới, phát triển mới cho TP.HCM mới.
Nguồn: https://vtcnews.vn/quy-hoach-lai-tp-hcm-xung-tam-cua-3-tru-cot-kinh-te-lon-nhat-ar952734.html
Bình luận (0)