Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang quyết liệt làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, động lực liên quan kinh tế tư nhân.
Trong các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng đầu tư có vai trò rất quan trọng, gồm đầu tư công, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân... Đầu tư công được xác định là dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển.
Trước kết quả đầu tư công những tháng đầu năm với 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, Thủ tướng đề nghị phải làm rõ vấn đề này, tìm ra nguyên nhân, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, trách nhiệm của các bộ, ngành.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thống kê những bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm để đánh giá lại cán bộ; những bộ, ngành nào làm tốt thì khen thưởng, bộ, ngành nào làm không tốt thì phải xử lý. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu, để có giải pháp phù hợp; đồng thời phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; các bộ ngành, cơ quan Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chủ động trong thúc đẩy đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2025, tổng số vốn được Quốc hội giao là 829.365,421 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-4, các bộ, cơ quan Trung uơng và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 817.968,261 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-4 là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...
Trong 4 tháng năm 2025, có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20%.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một số tồn tại, khó khăn vướng mắc và các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); thiếu nguyên vật liệu (đất đắp nền, cát, đá...); vướng mắc về đơn giá, định mức; vướng mắc về quy hoạch;…
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, về công tác chỉ đạo, lãnh đạo cần quán triệt phương châm 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" dự án; tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách; các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án giao thông trọng điểm; các bộ, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn và tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, GPMB;…
Phương Lê
Nguồn: https://baobinhduong.vn/quyet-tam-hoan-thanh-100-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2025-a347315.html
Bình luận (0)