Với đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì, các nghệ nhân người Rơ Măm đã biến những cây lồ ô, cây tre mộc mạc thành những vật dụng quen thuộc trong đời sống như gùi, rổ, rá, nong, nia... Để tạo ra một sản phẩm bền đẹp, họ phải trải qua quá trình chuẩn bị tỉ mỉ. Lựa chọn những cây tre, lồ ô thẳng, lóng dài, khoảng hai năm tuổi để đảm bảo độ dẻo, sau đó chẻ, chuốt thành sợi nan và đan theo hình khối đặc trưng của từng vật dụng. Ngày nay, bà con còn cải tiến nhiều mẫu mã để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Nghệ nhân A Nái, ở xã Mo Rai, tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Đan một là chẻ nha, chẻ phải có động tác nhanh nhẹn, chẻ khéo léo, đan đàng hoàng, nhẹ nhàng, đừng làm vội vàng không được, không thành sản phẩm để mình làm cho, ví dụ làm nhiều đó, mình bán cho người ta, đẹp người ta mới mua được. Nếu mà nứa không đan được vì nhanh gãy, một là lồ ô, hai là giang”.
Làm gốm là một trong những nghề thủ công lâu đời của người Ba Na. Gốm Ba Na mang vẻ đẹp mộc mạc, dễ nhận diện với hình thù đơn giản, ít hoa văn và sắc đen bóng đặc trưng. Nguyên liệu chính là đất sét. Đất phải được sàng lấy bột mịn, sau đó nhào, đập thật dẻo trong máng gỗ. Điều đặc biệt là các nghệ nhân Ba Na không dùng bàn xoay mà sử dụng một đoạn thân gỗ hay chiếc cối giã gạo để úp. Khi đất nặn được đặt cố định trên tấm phên, người thợ dùng tay vừa nặn vừa di chuyển vòng quanh, tạo hình xong sẽ hơ và nung trong đống lửa ngoài trời. Một mẻ gốm đẹp, chất lượng đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân cùng với điều kiện thời tiết và nhiệt độ phù hợp.
Bà Y Khen, ở xã Kon Braih, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Đoạn hơ lửa phải làm cho kỹ, than như thế này, than phải nhiều mới được, lửa nếu sơ sơ thì không chín, khi nào hơ tới đen thì khi đó mới đi nung, đoạn khó nhất là hơ như thế này là khó nhất. Nếu làm không kỹ là nó vỡ luôn, khi bắt đầu lửa lên là nổ luôn, phải hơ thế này thì nung mới yên tâm”.
Nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp thuộc dân tộc Gia Rai vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Dù hiện nay bà con sử dụng sợi chỉ công nghiệp, nhưng vẫn tỉ mỉ lưu giữ những màu sắc, họa tiết hoa văn cổ xưa. Bố cục thường là những nét hình họa cơ bản, gần gũi như đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, hình đa giác, kết hợp hài hòa với các gam màu quen thuộc như cam, đen, đỏ, xanh lá...“Tôi ngày xưa học mẹ, mẹ tập cho cô, lâu lâu là biết tới nay, tới già mình biết, mình giỏi như thế này. Ngày xưa, phụ nữ phải biết dệt như thế, thổ cẩm may đồ mặc, quần áo, đàn bà cũng vậy, đàn ông cũng vậy”, bà Y Dẻo, ở xã Ia Chim, tỉnh Quảng Ngãi, nói.
Đồng bào Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Gié Triêng... ở phía Tây Quảng Ngãi hình thành nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo để phục vụ nhu cầu của cuộc sống, như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ. Ở khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, cộng đồng các dân tộc cũng có một số nghề truyền thống như: gốm, làm muối, dệt thổ cẩm... Bên cạnh nét tương đồng, nghề truyền thống của mỗi dân tộc có nét độc đáo riêng. Theo đó, việc hợp nhất hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi sẽ mở ra cơ hội lớn cho sự giao thoa, phát triển văn hóa.
Ông Phan Đức Luận, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum, nói: “6-7 dân tộc của mình Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, BRâu, Rơ Măm, lại cùng với Quảng Ngãi. Quảng Ngãi ít hơn nhưng mà cũng có nhiều cái đặc điểm. Mỗi một dân tộc như thế bản thân nó chứa đựng một cái văn hóa dân gian riêng của nó. Đó là một cái dịp may mắn để chúng ta có với nhau, tồn tại với nhau, cùng nâng đỡ, chúng ta cùng học tâp, gói lại với nhau để cùng phát triển”.
Nghề thủ công truyền thống không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc anh em, mà còn tạo thêm thu nhập và là những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Với tình yêu nghề của đồng bào các dân tộc và sự quan tâm của tỉnh Quảng Ngãi sẽ mở ra không gian rộng lớn để nghề truyền thống được bảo tồn và ngày càng phát triển.
Nguồn: https://quangngaitv.vn/sac-mau-nghe-truyen-thong-cac-dan-toc-quang-ngai-6504511.html
Bình luận (0)