Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sẵn sàng ứng phó với cháy rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa có kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025. Đây là sự chủ động của ngành Lâm nghiệp Phú Yên trong việc ứng phó với sự biến đổi của thời tiết, nâng cao nhận thức người dân, nhằm hạn chế sự thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Báo Phú YênBáo Phú Yên24/04/2025

Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh liên quan đến kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025.

 

Ông Nguyễn Văn Toàn

* Thực trạng rừng tự nhiên và rừng trồng trên toàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?

- Theo kết quả diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng năm 2024, toàn tỉnh có 260.898,18ha rừng (gồm: diện tích rừng tự nhiên 126.959,84ha, diện tích rừng trồng 113.318,16ha, diện tích đã trồng cây rừng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 20.620,18ha). Trong đó, diện tích rừng do các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các tổ chức trồng rừng kinh tế quản lý là 124.898,07ha; hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư quản lý 52.777,18ha; còn lại UBND xã quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê 83.222,93ha. Diện tích rừng tính tỉ lệ che phủ rừng 240.278ha, tương ứng 47,8%.

Để đạt được những con số nói trên, trong những năm qua, ngành Lâm nghiệp đã có những nỗ lực trong việc quản lý và bảo vệ rừng, trong đó không thể không nhắc đến việc phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô. Hiện nay, Phú Yên đang bước vào những ngày nắng nóng, tiềm ẩn rủi ro có thể gây ra tình trạng cháy rừng. Với trách nhiệm được giao, chúng tôi đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR năm 2025. Đây là cơ sở để ngành Lâm nghiệp chủ động ứng phó với những tình huống cháy rừng trong thời gian tới.

* Công tác PCCCR trong những năm qua như thế nào, đâu là thuận lợi và khó khăn, thưa ông?

- Trong những năm qua, hoạt động bảo vệ rừng, PCCCR được sự quan tâm, lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả từ trung ương đến các địa phương.

Hằng năm, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ rừng và PCCCR; xây dựng hoặc rà soát phương án PCCCR. Đồng thời ban hành các chỉ thị, công điện và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương vào thời kỳ cao điểm của mùa khô, để tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR.

Trong tháng 4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND chủ động triển khai công tác PCCCR. Trên cơ sở đó, ngành Lâm nghiệp triển khai nhiều văn bản thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ rừng và PCCCR đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các tổ chức trồng rừng kinh tế.

Về công tác phối hợp, chúng tôi chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng, cùng các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền, từng bước cải thiện nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR.

Trong những năm qua, ngành Lâm nghiệp luôn có kế hoạch chủ động phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: NGÔ NHẬT

Về thuận lợi, ngành Lâm nghiệp có sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương thường xuyên, nên có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý huy động nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp. Chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã đi vào cuộc sống.

Trong thời gian qua, vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng của các ngành và chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội ngày càng được làm rõ và nâng cao; nhận thức, trách nhiệm của các địa phương và người dân về tầm quan trọng của rừng được nâng lên rõ rệt.

Hiện tại, chúng tôi có nhiều giải pháp về nâng cao năng lực trong công tác PCCCR. Khả năng dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng của lực lượng kiểm lâm được cải thiện, nâng cao, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra.

Sự phối hợp liên ngành, nhất là huy động các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn tham gia các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác PCCCR ngày càng hiệu quả.

Về khó khăn, Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030 được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí đầu tư để tổ chức thực hiện theo đề án này chưa được trung ương bố trí kịp thời.

Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng và các giải pháp PCCCR còn hạn chế. Cùng với đó, việc tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư và công nghệ áp dụng; công tác đào tạo, huấn luyện chưa tương xứng với nhiệm vụ.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Ảnh: NGÔ NHẬT

* Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa có kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2025. So với mọi năm có sự khác biệt nào không; lực lượng chức năng có sự chủ động, xây dựng kế hoạch, giải pháp nào?

- Theo kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2025, chúng tôi dự kiến kiểm tra đối với 3 chủ rừng là tổ chức và 9 UBND cấp xã, thời gian từ ngày 7-14/5.

So với mọi năm, trong năm 2025, ngoài Kế hoạch 06/KH-CCKL ngày 21/4/2025 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ, trong đó có lồng ghép kiểm tra PCCCR.

Hiện nay, hầu hết UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ban hành kế hoạch triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trong năm 2025. Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tổ chức rà soát, bổ sung vùng nguy cơ cháy rừng vào bản đồ hiện trạng rừng năm 2024 để thông tin đến chủ rừng và UBND cấp xã nhằm tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về PCCCR trong năm 2025.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/san-sang-ung-pho-voi-chay-rung-2426340/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm