Các thông tin về thay đổi địa giới hành chính sẽ được cập nhập trên căn cước điện tử (ứng dụng VneID)

Có địa chỉ thường trú trên CCCD tại phường Phước Vĩnh (quận Thuận Hóa), nhưng kể từ ngày 1/7, sau khi việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của TP. Huế năm 2025 có hiệu lực, anh Nguyễn Thái Hoàng sẽ có địa chỉ mới tại phường Thuận Hóa.

“Điều tôi băn khoăn nhất là việc người dân có buộc phải làm thủ tục xin cấp đổi CCCD mới để khớp với địa giới hành chính mới hay không. Việc mọi người đổ xô đi làm CCCD ngay sau ngày 1/7 có thể khiến cơ quan chức năng gặp phải tình trạng quá tải, người dân cũng phải xếp hàng chờ đợi lâu hơn”, anh Hoàng chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo, địa chỉ thường trú của anh Thái Minh Trí sẽ chuyển từ phường Hương Long (quận Phú Xuân) sang phường Kim Long.

“Việc sắp xếp các ĐVHC sẽ khiến nhiều thông tin trên CCCD không còn đúng với hiện tại. Liệu người dân đến làm thủ tục hành chính, dịch vụ công hay các giao dịch khác có gặp khó khăn gì không?”, anh Trí bày tỏ...

Công an TP. Huế thông tin: Trên cơ sở Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2025 và căn cứ Công văn số 1555/BCA-C06 ngày 22/4/2025 của Bộ Công an về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến sắp xếp ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thẻ CCCD đã được cấp trước khi thực hiện sắp xếp ĐVHC nếu chưa hết thời hạn được in trên thẻ vẫn được tiếp tục sử dụng mà không cần phải cấp đổi theo quy định. Công dân không cần thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin về cư trú khi có sự điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính.

Việc này để tránh trường hợp đồng loạt, quá tải và lãng phí nguồn lực khi công dân đề nghị cấp đổi các loại giấy tờ tùy thân, đặc biệt là các trường hợp cấp đổi CCCD khi thông tin trên thẻ căn cước có thay đổi do sắp xếp ĐVHC, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm tiếp dân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan quản lý cư trú (Công an cấp xã) có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú khi nghị quyết, quyết định của cấp có thẩm quyền được ban hành có hiệu lực thi hành theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 26 Luật Cư trú năm 2020 và khoản 1 Điều 10 Luật Căn cước năm 2023.

Bên cạnh đó, tiện ích và giá trị sử dụng của căn cước điện tử cũng được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử được quy định tại Điều 33 Luật Căn cước năm 2023.

UBND TP. Huế cũng vừa ban hành Công văn số 7713/UBND-TĐKT ngày 17/6/2025 về việc tuyên truyền về giá trị sử dụng của thẻ CCCD/căn cước được cấp trước khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, khi phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Đặc biệt, với thông tin nơi cư trú của công dân sau khi điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính thì không được yêu cầu người dân thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước.

Trên địa bàn thành phố hiện đã thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD/căn cước cho 1.159.722 trường hợp; cấp tài khoản định danh điện tử cho 1.013.317 trường hợp (đạt tỷ lệ: 92,65% nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trên địa bàn). Qua đó, đã phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.


Bài, ảnh: Giang Minh

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/sap-nhap-dia-gioi-hanh-chinh-nguoi-dan-khong-phai-cap-doi-can-cuoc-cong-dan-155277.html