Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sầu riêng Đắk Lắk: “Chạy nước rút” để vượt rào cản của thị trường nhập khẩu

Đối mặt với quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe, đặc biệt là từ thị trường tỷ dân – Trung Quốc, ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk đang bước vào một cuộc “chạy nước rút” để sản xuất ra những trái sầu riêng sạch, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu trong niên vụ 2025.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk16/05/2025

Năm 2024, sản lượng sầu riêng cả nước đạt trên 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm trên 90% sản lượng - một con số cho thấy tầm vóc của ngành hàng và sự phụ thuộc vào thị trường này.

Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc vườn cây.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vốn là "miếng bánh" lớn với sức tiêu thụ khổng lồ nay lại trở thành "bài kiểm tra" khó nhằn nhất cho sầu riêng Việt Nam khi những tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 35.000 tấn, kim ngạch đạt khoảng 120 - 130 triệu USD, chỉ bằng 20% kế hoạch đề ra. Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thị trường nhập khẩu Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm. Các quy định mới về kiểm tra dư lượng cadimi và chất vàng O trong sầu riêng nhập khẩu được ban hành ngay sau khi phát hiện các chất này ở một số lô hàng (đầu tiên là sầu riêng Thái Lan) đã tạo ra rào cản lớn, khiến mặt hàng sầu riêng Việt Nam gặp khó khăn khi thông quan. Trong khi đó, công tác quản lý trong nước còn hạn chế do thiếu căn cứ pháp lý, quy trình, thủ tục và biện pháp quản lý, xử lý vi phạm về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… phục vụ quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Theo ông Vũ Quang Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Bảo Tín (tỉnh Lâm Đồng), việc phía Trung Quốc áp dụng kiểm soát nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả các lô hàng phải có kết quả kiểm định những chỉ tiêu này tại các phòng thí nghiệm được công nhận khiến hoạt động xuất khẩu trở nên phức tạp, tốn kém và tiềm ẩn rủi ro cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải thận trọng hơn rất nhiều trong khâu thu mua, bảo quản, chỉ dám chọn những lô hàng có nguồn gốc rõ ràng và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn cao…

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn Đắk Lắk mong muốn có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trong việc phân tích dư lượng chất cadimi và vàng O trên trái sầu riêng.

Đối với Đắk Lắk, tỉnh có diện tích và sản lượng sầu riêng lớn nhất cả nước, áp lực này càng rõ rệt khi chỉ còn khoảng hai tháng nữa là bước vào vụ thu hoạch. Vụ mùa sắp tới, bài toán đặt ra không chỉ là năng suất hay giá cả, mà còn là làm thế nào để mỗi trái sầu riêng khi rời vườn thực sự an toàn, không chứa các chất độc hại vượt ngưỡng cho phép nhằm thông quan một cách thuận lợi. Áp lực từ thị trường buộc cả chuỗi ngành hàng phải chuyển mình mạnh mẽ và hành động kịp thời trước vụ thu hoạch cận kề.

Đắk Lắk hiện có gần 37.400 ha sầu riêng, sản lượng dự kiến năm 2025 khoảng trên 387.000 tấn. Tuy nhiên, mã vùng và mã cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu còn rất thấp, với 68 mã vùng trồng, diện tích hơn 2.521 ha và 23 cơ sở đóng gói. Vùng sản xuất sầu riêng của Đắk Lắk hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trong khi việc liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác chưa chặt chẽ, bền vững. Một số hộ dân tại vùng trồng chưa tuân thủ các quy trình như: quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát sinh vật gây hại và kỹ thuật thu hoạch sầu riêng; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… dẫn đến trong thời gian qua, một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã có cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đặc biệt là cảnh báo về cadimi.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra các giải pháp cấp bách để giải quyết các vấn đề “nóng” trong xuất khẩu sầu riêng hiện nay. Cụ thể: Bộ sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để đề xuất GACC sớm có kế hoạch kiểm tra, phê duyệt các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các phòng kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng mà phía Việt Nam đã trình hồ sơ và đã đề xuất; xem xét cấp phép lại cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói có vi phạm nhưng đã khắc phục và đủ điều kiện. Bên cạnh đó, rà soát, chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật từ khâu canh tác, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói, xuất khẩu…; hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng; khẩn trương xây dựng và ban hành thông tư quy định về quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng.

Từ thực tế sản xuất và trước những yêu cầu khắt khe từ thị trường, đòi hỏi ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk phải cấp bách đưa ra giải pháp trước khi bước vào vụ thu hoạch, tránh tình trạng ùn ứ sản phẩm như các tỉnh miền Tây và miền Đông hiện nay.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, Hiệp hội đã "bắt tay" với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để xây dựng một chương trình hợp tác lâu dài.

Trước mắt sẽ tổ chức lấy mẫu nhằm đánh giá tình hình nhiễm cadimi và chất vàng O trên phạm vi toàn tỉnh, cũng như tìm ra được nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến việc tồn dư các chất cấm trên sản phẩm ra sao để có giải pháp phù hợp.

Về lâu dài, sẽ xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở của Đắk Lắk để kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng một cách chủ động. Song song với đó là tổ chức kiểm soát và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện những công việc cụ thể...

Theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sầu riêng là một trong những cây trồng đang phát triển rất mạnh ở Đắk Lắk và mang lại giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, vấn đề về kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng thì chúng ta vẫn chưa thực sự làm chủ và còn rất nhiều việc phải làm, nhất là giải quyết những vấn đề “nóng” hiện nay về chất cadimi và vàng O. Việc sản xuất ra trái sầu riêng "sạch" đòi hỏi một quy trình đồng bộ, dựa trên nền tảng kiến thức khoa học và được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại.

Xuất khẩu sầu riêng múi cấp đông là một trong những giải pháp về lâu dài của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xuất phát từ thực tiễn trên, WASI sẽ phối hợp với Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk để có biện pháp khắc phục những vấn đề đang tồn tại “nóng” trong ngành sầu riêng. Và với tầm nhìn dài hạn hơn, WASI mong muốn xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật từ trồng trọt cho đến xuất khẩu theo nhiều vùng sinh thái khác nhau để hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững và có những sản phẩm đồng đều về chất lượng, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của nhà nhập khẩu. WASI cũng sẽ chuyển giao những kỹ thuật sản xuất sầu riêng bền vững đến bà con nông dân, đóng góp cho việc phát triển sầu riêng bền vững ở Tây Nguyên.

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202505/sau-rieng-dak-lak-chay-nuoc-rut-de-vuot-rao-can-cua-thi-truong-nhap-khau-6b91c99/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm