Trẻ khám mắt tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Khi trẻ “nghiện” internet
Do công việc kinh doanh bận rộn, gia đình chị L.T.T. ở phường Hạc Thành để con ở nhà một mình chủ động trong việc học. Khi học xong con có thể được xem ipad. Tưởng rằng, đó là cách làm an toàn, giúp con tránh xa bạn xấu mỗi khi bố mẹ vắng nhà. Tuy nhiên, gần đây chị T. nhận ra những thay đổi ở con, từ cô bé vui vẻ, hoạt bát, L. (con gái chị T.) thì nay ít nói chuyện cùng bố mẹ, thường xuyên “nhốt” mình trong phòng riêng. Nhiều lần chị T. chủ động nói chuyện, gần gũi cùng con nhưng L. luôn tránh gặp và thường xuyên cầm điện thoại lướt mạng, nhắn tin. Nghĩ rằng, con vướng vào yêu đương, vợ chồng chị T. quyết định thu điện thoại và bất ngờ khi nhận được phản ứng tiêu cực từ con gái, như: bỏ ăn, ở trong phòng, không nói chuyện cùng bố mẹ...
“Thấy tâm lý con bất ổn nên tôi đưa đi khám và bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tâm lý, có dấu hiệu không kiểm soát được hành vi, nghi ngờ do việc sử dụng thường xuyên thiết bị thông minh trong thời gian dài. Lâu nay, tôi nghĩ con sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học tập, nhưng không biết từ lúc nào con đã bị hấp dẫn bởi công nghệ, mạng xã hội, điều đó đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của con. Hiện, gia đình tôi đang đồng hành cùng con để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị T. chia sẻ.
Câu chuyện của chị L.T.T. không phải là cá biệt, chị N.T.H., ở xã Thiệu Quang cũng đang trong quá trình giúp con cai “nghiện” điện thoại. Con gái chị H. năm nay 3 tuổi, trước đây vì con nhác ăn nên trong mỗi buổi ăn chị đều cho con xem điện thoại. Thậm chí, để con ngồi yên, không nghịch ngợm, chị mở các kênh hoạt hình cho con xem. Tuy nhiên, gần đây chị H. thấy mắt con nháy liên tục, đưa con đi khám thì bác sĩ cho biết con chị bị mắc hội chứng thị giác, rối loạn điều tiết do ảnh hưởng từ việc tiếp xúc liên tục với thiết bị thông minh.
Chị N.T.H., cho biết: “Thời gian đầu, khi chơi hoặc đến bữa ăn, tôi không cho con xem điện thoại, cháu cũng phản ứng dữ dội, như khóc, nằm ăn vạ, không chịu ăn uống..., sau đó tôi đã cương quyết hạn chế cho con xem điện thoại. Thi thoảng tôi dùng ipad như công cụ để hỗ trợ cho con học tiếng Anh và tăng cường khả năng cho con vận động, từ đó tạo môi trường để con vui chơi thoải mái và lành mạnh”.
Những hậu quả khôn lường
Không thể phủ nhận những lợi ích của thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính trong việc hỗ trợ các em học tập, khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều, không có sự định hướng của người thân, trẻ dễ tiếp xúc với thông tin, hình ảnh “bẩn” khiến các em dễ sa vào các tệ nạn xã hội; thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, liên quan đến vấn đề về mắt, mất ngủ, tổn thương hệ xương khớp, béo phì, các vấn đề về da viêm nhiễm, suy giảm hệ miễn dịch...
Chia sẻ về ảnh hưởng của thiết bị thông minh đến mắt của trẻ, BSCKII Hoàng Hoa Quỳnh, Trưởng Khoa mắt, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: “Việc để trẻ sử dụng thiết bị thông minh nhiều giờ liên tục làm mắt trẻ dễ bị cận thị, đặc biệt là ở độ tuổi tiểu học. Trẻ ít chớp mắt khi nhìn màn hình gây khô mắt, mỏi mắt, rối loạn điều tiết và ánh sáng xanh từ màn hình ức chế melatonin khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu, ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ”.
Dưới góc độ về sức khỏe tâm thần, bác sĩ CKI Hoàng Thị Hường, Khoa nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, nhìn nhận: “Nhiều trẻ sử dụng thiết bị thông minh đến mức quên ăn, quên ngủ, giảm nhu cầu ngủ, từ đó dẫn đến căng thẳng thần kinh, cảm giác lo âu và hồi hộp có thể được xem là một dạng bệnh tâm lý. Trẻ có cảm giác lo lắng khi không có điện thoại bên cạnh, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần, lâu dần có thể gây trầm cảm lo âu”.
Bác sĩ Hoàng Thị Hường cũng cho biết thêm, khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho thiết bị thông minh sẽ dễ sống ảo, không thích đi ra ngoài và tiếp xúc với mọi người, vì vậy khiến trẻ khó khăn trong việc hòa nhập xã hội. Việc trẻ sử dụng thiết bị thông minh quá mức cũng khiến cho trẻ mất tập trung, đây là nguyên nhân khiến cho việc học tập bị giảm sút, sao nhãng học hành. Thậm chí, có trẻ còn bắt chước làm theo các hành vi tiêu cực trên mạng, dễ bị rối loạn hành vi như hung hăng, cáu gắt, đập phá, la hét khi không được đáp ứng yêu cầu của mình. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có thể bị kích động hoặc tăng động thái quá, nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra trạng thái loạn thần...
Có thể thấy, việc sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, để giúp trẻ không “dán mắt” vào thiết bị thông minh, phụ huynh cần phải làm gương và trò chuyện cởi mở với con về tác hại của việc lạm dụng thiết bị thông minh; thiết lập giới hạn thời gian sử dụng điện thoại và thực hiện nghiêm khắc các quy tắc đã đề ra và xử phạt nghiêm khắc khi con vi phạm nội quy. Bên cạnh đó, gia đình khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường để con không có nhiều thời gian “rảnh rỗi” nghĩ đến các trò chơi trên mạng, từ đó chăm chỉ học tập và rèn luyện để tăng cường sức khỏe cho trẻ.
Bài và ảnh: Thu Thủy
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tac-dong-cua-thiet-bi-thong-minh-den-suc-khoe-cua-tre-253956.htm
Bình luận (0)