Tại sao thiết giáp Nga không thể tiến dù địa hình Ukraine bằng phẳng?
Lãnh thổ Ukraine phần lớn là những đồng bằng và bình nguyên bằng phẳng, vậy tại sao lực lượng thiết giáp của Nga lại không thể tiến lên?
Báo Khoa học và Đời sống•22/05/2025
Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra cách đây 3 năm, nhiều nhà phân tích đều cho rằng, địa hình Ukraine ở miền Đông và miền Trung Ukraine, đều là đồng bằng và những bình nguyên trải dài vô tận. Địa hình như vậy có phải rất thuận lợi cho lực lượng bộ binh cơ giới và thiết giáp Nga, có thể tiến công theo kiểu thọc sâu và chiến đấu trong hành tiến theo đội hình lớn.
Nhưng sau 3 năm chiến tranh, thực tế chứng minh là quân đội Nga (RFAF) không thể tiến nhanh, và những “dòng lũ thép” như phương Tây lo sợ, đã bị thất bại. Vậy lý do nào mà khiến RFAF lại gặp khó khăn khi chiến đấu đến vậy?
Việc vẫn nhấn mạnh vào địa hình thuận lợi, mà không nhìn thấy sức mạnh của quân đội Ukraine (AFU), cũng như sự viện trợ vũ khí, thông tin tình báo của Mỹ và phương Tây cho Ukraine, cho thấy sự thiếu hiểu biết sâu sắc về cuộc chiến kéo dài ba năm này; giống như người chỉ nhìn thây cây, mà không nhìn thấy khu rừng.
Kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường Nga-Ukraine đã chứng minh rằng, trên đồng bằng rộng lớn, bộ binh thông thường có thể khiến xe tăng khó cơ động nhanh; thậm chí càng tiến lên, càng thiệt hại nhiều.
Chỉ cần bên phòng thủ có thể xây dựng những trận địa phòng ngự kiên cố, liên hoàn, bố trí nhiều hàng rào thép gai và răng rồng; đào chiến hào sâu, rải mìn dày đặc và triển khai số lượng lớn UAV FPV… là có hệ thống phòng thủ tổng thể.
Đặc biệt là khống chế được không quân chiến thuật của đối phương, chi viện chiến đấu trực tiếp cho lực lượng chiến đấu mặt đất (nhất là trực thăng vũ trang, UAV vũ trang và máy bay chiến đấu cường kích), thì bộ binh vẫn có thể chống chịu được các cuộc tấn công cơ giới bọc thép quy mô lớn. Địa hình của khu vực miền Đông và miền Trung Ukraine bằng phẳng, nhưng như vậy không có nghĩa là họ không thể tự bảo vệ và đối phương có thể tự do tiến lên.
Khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra lần đầu, một số người cho rằng miền Đông và miền Trung Ukraine là một đồng bằng vô tận, hoàn toàn không thích hợp cho chiến đấu bộ binh truyền thống và chiến tranh du kích. “Cơn lũ thép” của RFAF, sẽ phá vỡ mọi tuyến phòng thủ của AFU.
Trên thực tế, Ukraine có đồng bằng, nhưng cũng có những khu rừng rậm và nhiều sông ngòi. Đặc biệt miền Đông Ukraine có mạng lưới sông ngòi dày đặc và rừng rậm, với nhiều vùng đất ngập nước và đầm lầy rộng lớn.
Do địa hình bằng phẳng, nên nước sông liên tục rửa trôi và xói mòn bờ sông, khiến các khúc sông ngày càng cong hơn. Các con sông ở vùng Donbass và Kharkov tạo thành hình dạng quanh co đặc biệt, đó là địa hình của các hồ móng ngựa. Về mặt quân sự, địa hình của những con sông và hồ móng ngựa này, không thuận lợi cho việc cơ động và chiến đấu của lực lượng cơ giới.
Đồng bằng Ukraine có rất nhiều chướng ngại vật, có thể gây cản trở lực lượng cơ giới tiến lên và rất lầy lội trong nhiều tháng mỗi năm. Ngoài thực tế là có tương đối ít núi, địa hình của Ukraine không hề đơn giản chút nào. Khẳng định rằng Ukraine là một quốc gia bằng phẳng và không thể bảo vệ được, đó là đánh giá quá chủ quan.
Với các vị trí phòng thủ như thế này ở vùng đồng bằng, AFU thường đào những đường hào dã chiến, chạy men theo các con đường và những vạt rừng trồng để chắn gió; giúp kết nối giữa các điểm hỏa lực vững chắc, các đài quan sát và hầm chiến đấu... Mặc dù không có bãi mìn, răng rồng và hào chống tăng, thì những trận địa như vậy, vẫn có thể gây khó khăn cho bên tấn công.
Thực tế chiến đấu trên chiến trường Ukraine, đã chứng minh rằng bộ binh hạng nhẹ cũng có thể chống trả hiệu quả các cuộc tấn công dữ dội của lực lượng thiết giáp hạng nặng. Với sự hỗ trợ của UAV, hỏa lực pháo binh và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), chiến hào một lần nữa trở thành biện pháp phòng thủ hiệu quả, chống lại các cuộc tấn công cơ giới quy mô lớn.
Ngay cả khi đào hào chiến đấu đơn giản (có độ sâu chưa đến 2 mét), kết nối với các ụ súng, lô cốt; đan xen là bố trí các hầm ẩn nấp (có thể chịu được mảnh văng của đạn pháo). Trong những trận địa này bố trí đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc (vô tuyến, hữu tuyến, mạng Internet Starlink) và rải mìn dày đặc ở phía trước, thì vẫn có thể chống lại hiệu quả cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng cơ giới hạng nặng.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh cơ giới và những ngày đầu của kỷ nguyên chiến tranh thông tin, tức là thời kỳ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và Chiến tranh Iraq năm 2003, quân đội của các nước hùng mạnh hiếm khi đào chiến hào.
Trước đây, chiến tranh chiến hào được coi là chiến thuật lạc hậu. Quân đội của các nước lớn rất coi trọng các cuộc tấn công tốc độ cao và các hoạt động tấn công cơ động. Điều này không chỉ đúng với quân đội Mỹ, mà còn đúng với quân đội Liên Xô, Trung Quốc. Quân đội Nga vẫn kế thừa những chiến thuật của làn sóng tấn công cơ giới mà quân đội Liên Xô phát triển.
Chiến tranh Nga-Ukraine là cuộc chiến có số lượng xe tăng và xe bọc thép bị thiệt hại cao nhất kể từ Thế chiến II, với tổng cộng bốn đến năm nghìn xe tăng bị Nga và Ukraine phá hủy. Nơi đây đã trở thành nơi đáng buồn cho xe tăng chiến đấu chủ lực; thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng, ngày tàn của xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng (MBT) đã điểm.
Bởi vì chiến trường tràn ngập tên lửa chống tăng hiệu suất cao, pháo tầm xa có độ chính xác cao, bom thông minh với thiết bị dẫn đường đầu cuối, bãi mìn dày đặc và số lượng lớn UAV FPV, xe tăng trên mặt đất giống như những con thỏ trong cuộc đi săn. Bất kỳ xe tăng chiến đấu chủ lực nào từng được ca ngợi là cực kỳ mạnh mẽ, dù là của Nga hay phương Tây, cuối cùng đều bị đánh tan thành từng mảnh, không có ngoại lệ.
Trước chiến tranh Nga-Ukraine, nhiều người coi thường sức mạnh của những vũ khí “nhỏ nhưng có võ” như tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), tên lửa phòng không vác vai (MANPAD); đặc biệt là UAV loại nhỏ mang vũ khí sử dụng một lần (UAV FPV). Nhưng chính các loại vũ khí này, đã viết lại nguyên tắc chiến thuật của tất cả các bên, cả lực lượng tham chiến và không tham chiến.
Trước xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cộng đồng quân sự nói chung không bao giờ tin rằng, UAV bốn cánh quạt nhỏ, ATGM hay MANPAD có thể giành được lợi thế trước những lực lượng cơ giới mạnh, hay hỏa lực đổ bộ đường không; họ cũng không tin rằng bộ binh hạng nhẹ, có thể đối đầu với lực lượng thiết giáp hạng nặng. Nhưng ba năm sau cuộc chiến Nga-Ukraine, mọi người đều tin vào điều đó. (nguồn ảnh TASS, Sputnik, Kyiv Post, Ukrinform).
Bình luận (0)