Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng hiệu lực quản lý tài nguyên khoáng sản

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 193/2025/NĐ-CP ngày 2-7-2025 không chỉ nhằm cụ thể hóa Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tháo gỡ những vướng mắc trong cấp phép, đấu giá, kiểm soát sản lượng và bảo vệ môi trường.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai21/07/2025

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, hướng tới khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên quốc gia.

Minh bạch hóa quy trình cấp phép và đấu giá

Nghị định số 193/2025/NĐ-CP gồm 11 chương, 155 điều, nhằm cụ thể hóa Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2024. Đây là văn bản pháp quy có ý nghĩa chiến lược, được xây dựng công phu trên tinh thần cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và ứng dụng công nghệ số trong quản lý tài nguyên.

Theo đồng chí Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, một trong những điểm nhấn nổi bật của nghị định là giải quyết căn bản những ách tắc lâu nay trong công tác cấp phép và đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thay vì tập trung quyền lực tại cấp Trung ương, nghị định phân cấp mạnh cho địa phương, trao quyền chủ động cấp phép khai thác hầu hết các loại khoáng sản, ngoại trừ khoáng sản nhóm I quy mô lớn. Cấp bộ, ngành Trung ương chỉ còn đảm nhiệm vai trò định hướng, quy hoạch và cấp phép ở cấp độ chiến lược.

Bãi tập kết cát sỏi sau khai thác của Công ty Cổ phần Thượng Long tại phường Vân Phú, tỉnh Phú Thọ.

Bãi tập kết cát sỏi sau khai thác của Công ty Cổ phần Thượng Long tại phường Vân Phú, tỉnh Phú Thọ.

Việc này vừa giảm tải khối lượng công việc cho bộ, ngành, vừa tạo điều kiện để chính quyền địa phương chủ động trong quy hoạch, thu hút đầu tư, khai thác và giám sát tài nguyên theo đặc thù từng vùng, địa phương. Tinh thần “chính quyền phục vụ” được thể hiện rõ, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống nhanh chóng, linh hoạt hơn.

Song song với đó, quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thiết kế lại theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, chống thất thoát nguồn lực quốc gia. Tất cả hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu vực đấu giá, năng lực nhà đầu tư, kết quả trúng thầu... đều được đưa vào hệ thống dữ liệu địa chất, công khai trên cổng thông tin quốc gia. Hình thức nộp hồ sơ đa dạng, bao gồm cả bản giấy, đường bưu điện và bản điện tử qua dịch vụ công trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời giảm cơ hội phát sinh tiêu cực trong quá trình thẩm định, cấp phép.

Kiểm soát sản lượng và bảo vệ môi trường

Một lĩnh vực từng gây nhiều vướng mắc trong hoạt động khoáng sản, cơ chế tài chính và kiểm soát sản lượng cũng được Nghị định số 193/2025/NĐ-CP tháo gỡ rõ ràng, thực chất. Theo đó, nghị định quy định cụ thể mức thu tiền cấp quyền khai thác, phí sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, chế tài thu hồi nếu khai thác không đúng sản lượng cam kết... Đồng thời, cho phép nâng công suất khai thác (không tăng trữ lượng) đối với khoáng sản nhóm IV nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến quan trọng, giải quyết được mâu thuẫn giữa tiến độ triển khai các dự án lớn với sự hạn chế từ khung cấp phép cứng nhắc trước đây. Qua đó, vừa bảo đảm tiến độ các công trình thiết yếu, vừa vẫn giữ nguyên nguyên tắc quản lý chặt chẽ về trữ lượng tài nguyên. Đặc biệt, lần đầu tiên, nghị định yêu cầu toàn bộ thiết bị, phương tiện phục vụ khai thác khoáng sản phải được kiểm tra an toàn, phù hợp điều kiện địa chất trước khi vận hành, đặc biệt trong khai thác hầm lò. Quy định này giúp giảm rủi ro tai nạn lao động, nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong toàn ngành.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghị định có nhiều điều khoản tiên phong tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn: Yêu cầu hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản sau khi khai thác; quy định rõ trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của doanh nghiệp; khuyến khích tái sử dụng, tái chế chất thải trong quá trình chế biến khoáng sản.

Đồng bộ chính sách, thúc đẩy khai thác bền vững

Không chỉ là văn bản thi hành luật, Nghị định số 193/2025/NĐ-CP còn là công cụ thể chế hóa hàng loạt nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15-1-2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Điểm nhất quán xuyên suốt của nghị định là khẳng định tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Vì vậy, các quy định đều hướng đến mục tiêu quản lý minh bạch, công bằng, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Đồng chí Mai Thế Toản, Phó cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, Nghị định số 193/2025/NĐ-CP là kết quả của quá trình tham vấn nhiều cấp, nhiều ngành, có sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia quốc tế. Nhờ đó, nội dung nghị định vừa bảo đảm phù hợp pháp luật, vừa thiết thực, khả thi với tình hình thực tế của ngành địa chất, khoáng sản hiện nay.

Thực tế cho thấy, một văn bản pháp quy hiệu quả không chỉ thể hiện ở độ đầy đủ về kỹ thuật lập pháp mà còn ở năng lực xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Ở Nghị định số 193/2025/NĐ-CP, điều này được thể hiện rõ: Từ việc rút ngắn thời gian cấp phép, thúc đẩy đấu giá công khai, kiểm soát sản lượng minh bạch đến tạo hành lang pháp lý cho các dự án khai thác sạch, đổi mới công nghệ và thân thiện với môi trường.

Có thể khẳng định, với hành lang pháp lý mới này, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khai thác, chế biến khoáng sản; đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển bền vững, hiện đại, hiệu quả hơn cho ngành địa chất và khoáng sản nước ta.

Báo Quân đội nhân dân

Nguồn: https://baolaocai.vn/tang-hieu-luc-quan-ly-tai-nguyen-khoang-san-post649318.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm