Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ năm 2026: Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động

Mức tăng lương tối thiểu vùng 2026 bình quân là 7,2% (mức Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án, trình Chính phủ thông qua) đang được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thu nhập, giúp người lao động trang trải cuộc sống tốt hơn trước thực tế các chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là chi phí nhà ở, điện, nước, thực phẩm và giáo dục cho con. Tăng lương tối thiểu vùng cũng giúp duy trì động lực làm việc, tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng15/07/2025

Tăng động lực gắn bó cùng doanh nghiệp

Khi thu nhập được cải thiện, người lao động sẽ cảm thấy được đánh giá và ghi nhận xứng đáng hơn cho những đóng góp của mình. Điều này trực tiếp làm tăng động lực làm việc, khuyến khích người lao động nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Họ cũng sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp, giảm tỷ lệ biến động nhân sự.

Tuy nhiên, với thực tế trượt giá và lạm phát, mức tăng 7,2% có thể chưa thực sự giúp người lao động có một tích lũy đáng kể hoặc cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống đối với những gia đình có thu nhập thấp.

Sau khi so sánh các dữ liệu, thông tin về tăng lương tối thiểu vùng những năm qua, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM), chia sẻ, con số trung bình tăng lương tối thiểu vùng hơn 200.000 đồng/năm là còn quá thấp. Theo ông Hồng, cần có một cơ chế tự động tăng lương tối thiểu theo hướng hàng năm tăng cao hơn chỉ số lạm phát một vài phần trăm để vừa bù lạm phát vừa có sự tích lũy cho công nhân thì sẽ phù hợp hơn.

O1d.jpeg
Công nhân Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM) làm việc trong nhà xưởng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Việc tăng lương tối thiểu vùng mang lại lợi ích cho người lao động nhưng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, là một thách thức. Theo một số chủ doanh nghiệp, khi tăng lương tối thiểu vùng thì sẽ đi kèm tăng chi phí lao động. Mức lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tăng chi phí trả lương, bao gồm cả các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí Công đoàn. Điều này sẽ tạo áp lực lên chi phí sản xuất, kinh doanh.

Thách thức này rõ nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; nhất là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng, thị trường thì sẽ chịu áp lực lớn hơn. Riêng các doanh nghiệp lớn thường đã có mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, do đó tác động có thể không quá lớn.

Theo đề xuất, lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1-1-2026

Vùng I: Từ 4,96 tăng lên 5,31 (triệu đồng/tháng)

Vùng II: Từ 4,41 tăng lên 4,73 (triệu đồng/tháng)

Vùng III: Từ 3,86 tăng lên 4,14 (triệu đồng/tháng)

Vùng IV: Từ 3,45 tăng lên 3,7 (triệu đồng/tháng)

Tuy nhiên, với mức tăng bình quân 7,2% đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án để trình đề xuất Chính phủ thông qua, các chuyên gia đánh giá là hài hòa, vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức.

Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 và 4 năm nay (với gần 3.000 người lao động trả lời phiếu tại 10 tỉnh, thành phố), có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải chi tiêu tằn tiện; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng, mức đề xuất lương tối thiểu vùng lần này đã đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của đoàn viên và người lao động cả nước; đồng thời thể hiện tinh thần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.

“Mức lương này cũng sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 2 con số của nền kinh tế Việt Nam”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng thông tin, cử tri, đặc biệt là công nhân tại khu công nghiệp, đang phải đối mặt với sức ép kép là giá điện, giá vàng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm tăng. Theo ông Thái Thu Xương, vẫn còn nhiều người lao động phải sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, chật vật trong chi tiêu cuộc sống. Do đó, ông Thái Thu Xương kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả lạm phát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, khẩn trương xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, thậm chí nên điều chỉnh sớm hơn để phù hợp thực tiễn.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Việt Cường (chuyên gia độc lập thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia) cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là bù đắp được trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu.

O3a.jpg
Công nhân tại TPHCM mua hàng thiết yếu với giá ưu đãi. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động, các chuyên gia đề xuất xem xét giảm hay hoãn một số loại thuế, phí, hoặc điều chỉnh các khoản đóng góp khác để doanh nghiệp có nguồn lực tái đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp không bị đứt gãy dòng tiền do chi phí lương tăng. Đồng thời, Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định về lương tối thiểu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, nêu ý kiến rằng, doanh nghiệp sử dụng lao động phải quyết tâm cao trong việc nâng cao năng lực quản trị, áp dụng khoa học công nghệ với mục tiêu đảm bảo duy trì các chỉ số phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ số lượng việc làm và đặc biệt là giữ chân người lao động có tay nghề trước bối cảnh lương tăng cũng như các chi phí khác đều tăng.

Ông NGUYỄN MẠNH KHƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia:

Mức tăng phù hợp giai đoạn hiện nay

Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 được Hội đồng Tiền lương quốc gia “chốt” trình Chính phủ là tăng bình quân 7,2%, tương ứng mức tăng bình quân 300.000 đồng/tháng so với năm 2025. Đây là mức tăng phù hợp với giai đoạn hiện nay trong giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo.

TS TRẦN QUANG THẮNG, Đại biểu HĐND TPHCM, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM:

Đồng bộ nhiều chính sách

Để việc tăng lương thật sự có ý nghĩa, cần đồng bộ nhiều chính sách như điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, giúp người lao động giữ được phần thu nhập tăng thêm, tránh tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng”. Đồng thời, giảm thuế, phí, tiếp cận vốn, đào tạo nhân lực, gia hạn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này thích ứng với chi phí lao động tăng. Nhà ở công nhân, y tế, giáo dục, bảo hiểm cần được cải thiện để giảm gánh nặng chi tiêu và đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng mức lương tối thiểu, không “lách luật” bằng cách tăng lương danh nghĩa nhưng giảm phụ cấp.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng:

Động lực lớn với người lao động

Tăng lương tối thiểu vùng 7,2% là một bước đi cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội và chia sẻ thành quả tăng trưởng. Đối với người lao động, đây là động lực lớn để họ cống hiến và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với doanh nghiệp, đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại và tối ưu hóa hoạt động, hướng tới một mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững hơn, không chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-72-tu-nam-2026-hai-hoa-loi-ich-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-post803762.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm