Làng Nhân Cao, còn gọi là làng Ngói, nằm trầm mặc bên dòng sông Mã hiền hòa, là nơi khởi sinh của nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo: múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ.
Nghệ thuật này không chỉ là điểm nhấn văn hóa của địa phương mà còn là sợi dây kết nối tâm linh, tín ngưỡng với cộng đồng cư dân nông nghiệp ven sông suốt hàng thế kỷ.
Hồn vía lễ hội Ngư Võng Phường và ánh sáng từ chiếc đèn đội đầu
Hằng năm, từ mùng 8 đến 12 tháng Giêng, lễ hội Ngư Võng Phường được người dân làng Nhân Cao tổ chức linh đình với các hoạt động tế lễ, rước thuyền, đánh cờ người, múa lân... Nhưng điểm nhấn linh hồn của lễ hội chính là màn trình diễn nghệ thuật múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ.
Không ai còn nhớ rõ nghệ thuật này bắt đầu từ bao giờ. Chỉ biết rằng, qua bao thế hệ, từ những người mẹ, người bà, người chị, ngọn đèn tinh thần ấy vẫn được truyền tay nhau giữ gìn.
Bà Nguyễn Thị Thủy, thành viên đội múa đèn chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã bị mê hoặc bởi ánh sáng từ chiếc đĩa đèn đội đầu và những bước chân nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng đàn trong hội làng.
Sau này, tôi được mẹ chồng, bà Nguyễn Thị Chua, đội trưởng đội múa, truyền dạy từng điệu múa. Bà từng giành Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc khu vực III năm 1979 do Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức”.
Nét độc đáo của nghệ thuật múa đèn chạy chữ nằm ở sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hát chèo chải và các động tác múa, hình thành nên một tổ khúc hoàn chỉnh.
Bốn bài hát trong chèo chải gồm: Hát giáo chải, Hát múa quạt, Hát chèo thuyền và Hát giáo chân sào. Nội dung chủ yếu ca ngợi công đức của Đức Thánh Cả và các bậc Thành hoàng làng, thể hiện khát vọng của người dân về cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.
Mỗi đội múa đèn có 12 cô gái, đồng phục áo cánh trắng, váy đen dài, bên hông thắt khăn hồng, đầu vấn tóc tròn và chít khăn đỏ. Khi tiếng nhạc ngân lên:
Kính trình làng nước / Lẳng lặng mà nghe / Chúng tôi giáo đèn...
...các cô gái sẽ đội đĩa đèn lên đầu, bước đi nhịp nhàng theo nhạc, sắp xếp chữ cái thành các hình chữ “nhất, nhị, tam, tứ, ngũ”.
Đặc biệt, màn trình diễn kết thúc bằng hình ảnh các cô lăn mình trên sân khấu tạo thành một bông hoa năm cánh, biểu tượng của lòng thành kính với tổ tiên.
Sau đó, cả đội hướng về ban thờ, cúi lạy tạ rồi rời sân khấu trong sự xúc động của người xem.
Những "nghệ sĩ không chuyên" giữ lửa đam mê và lan tỏa tinh hoa
“Đèn không được tắt, bước không được sai, hình không được lệch. Nhớ vị trí, nhớ nhạc, nhớ múa, một người làm sai là cả đội hỏng,” bà Thủy nói về áp lực khi biểu diễn múa đèn chạy chữ.
Bởi vậy, mỗi buổi tập, mỗi lần tổng duyệt không chỉ là luyện rèn mà còn là hành trình gìn giữ ký ức làng quê.
Không chỉ trong lễ hội làng, đội múa đèn Nhân Cao còn nhiều lần đại diện cho huyện, tỉnh tham gia các liên hoan văn hóa và đạt thành tích cao.
Tiêu biểu có thể kể đến: Giải Nhì tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc Thanh Hóa lần thứ XIV năm 2012; Giải A tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII;...
Tháng 3.2023, niềm tự hào của làng Ngói thêm một lần được nhân lên khi Bộ VHTTDL công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn chạy chữ, hát chèo chải cổ” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đó không chỉ là sự ghi nhận về giá trị nghệ thuật mà còn là cam kết bảo tồn đối với một phần hồn cốt văn hóa xứ Thanh.
Sự độc đáo của nghệ thuật múa đèn nằm ở chính bản thân những người biểu diễn, những nông dân, người lao động chân chất nhưng vẫn không ngừng luyện tập và truyền dạy nghệ thuật cho thế hệ sau.
Dù cuộc sống hiện đại đang dần làm phai mờ nhiều giá trị truyền thống, nhưng những người dân Thiệu Quang vẫn giữ vững niềm tin: chỉ cần còn người yêu, múa đèn sẽ không bao giờ tắt.
Múa đèn chạy chữ là sự kết tinh giữa tâm linh, tín ngưỡng và nghệ thuật trình diễn dân gian, một minh chứng sống động cho bản sắc văn hóa Việt Nam trường tồn.
Đó là ánh đèn không bao giờ lụi tàn trên sân đình, là lời hát không bao giờ phai nhòa trong tâm hồn những người con làng Ngói, là cội nguồn sức mạnh văn hóa hun đúc cho bao thế hệ người Việt Nam hướng về cội nguồn và khát vọng sống tốt đẹp, hòa hợp cùng thiên nhiên và cộng đồng.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/thanh-am-co-truyen-giua-long-song-ma-148004.html
Bình luận (0)