Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thế trận lòng dân nơi phên dậu Tổ quốc

Trên dải đất biên cương phía tây tỉnh Quảng Ngãi, nơi hai xã Ia Tơi và Ia Đal giáp ranh với nước bạn Campuchia, công tác dân vận được triển khai sâu rộng, trở thành điểm...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng10/07/2025

Trên dải đất biên cương phía tây tỉnh Quảng Ngãi, nơi hai xã Ia Tơi và Ia Đal giáp ranh với nước bạn Campuchia, công tác dân vận được triển khai sâu rộng, trở thành điểm tựa vững chắc trong xây dựng thế trận lòng dân, giữ vững biên cương Tổ quốc.

Từ những mái nhà nghĩa tình, những con đường bê-tông hóa đến các mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững… tất cả đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất này.

Sự đổi thay rõ nét nhất có thể cảm nhận từ chính những việc làm cụ thể: Cán bộ xuống từng thôn, từng hộ dân, giúp người dân sửa nhà, làm đường, hướng dẫn sản xuất, chăm sóc sức khỏe, đến tổ chức các lớp học tình thương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Những hoạt động ấy không chỉ đơn thuần là hỗ trợ mà chính là những nhịp cầu kết nối tình cảm, trách nhiệm giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trao nhà, trao niềm tin nơi vùng biên

Giữa cái nắng oi ả mùa hạ, thôn nhỏ ở xã Ia Tơi bỗng nhộn nhịp khác thường. Tiếng cười nói, tiếng trẻ em ríu rít giữa bản làng, những khuôn mặt tươi vui, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc khi năm căn nhà đại đoàn kết khang trang được trao tận tay cho các hộ nghèo. Đây là những ngôi nhà được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam thông qua Báo Nhân Dân, kết hợp với phần đối ứng từ người dân và chính quyền địa phương.

Ông Lục Văn Công, người dân tộc Tày, xúc động chia sẻ: “Trước đây nhà tôi cũ kỹ, dột nát, mưa gió là lo lắng không yên. Được hỗ trợ 50 triệu đồng, tôi vay thêm 70 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thiện. Giờ có nhà mới rồi, tôi yên tâm làm ăn, cho con cái học hành tử tế để thoát nghèo”.

Cũng như ông Công, chị Y Ngách, dân tộc Gia Rai, nghẹn ngào khi kể về căn nhà mới của mình: “Cứ mùa mưa đến là cả nhà không ngủ được vì sợ sập. Giờ có nhà kiên cố, vững chãi, tôi sẽ chăm chỉ làm rẫy, cạo mủ cao-su, trồng rau để có thu nhập ổn định nuôi con”. Những mái nhà ấy đã trở thành biểu tượng của nghĩa tình, lòng tin và sự gắn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đó là nền tảng để người dân yên tâm bám đất, bám làng, cùng nhau giữ gìn biên cương. Những ngôi nhà đại đoàn kết là minh chứng cho sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và tinh thần tự lực vươn lên của người dân vùng biên. Nơi đó, từng mái nhà được xây lên không chỉ là nơi trú ngụ an toàn, mà còn là niềm tin, là điểm tựa để bà con an cư, lập nghiệp, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ đầu năm 2025 đến nay, hai xã Ia Đal và Ia Tơi đã tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương hỗ trợ xây dựng nhiều căn nhà cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được ưu tiên hỗ trợ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương một cách rõ rệt. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của hai xã giảm từ 40% năm 2020 xuống còn 7,93% vào năm 2024, một con số đầy ý nghĩa trong bối cảnh vùng biên còn nhiều khó khăn.

Giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhà ở, công tác dân vận tại các xã vùng biên như Ia Tơi, Ia Đal được triển khai đồng bộ, sâu sát, gắn kết giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể. Phương châm “gần dân, sát dân, hiểu dân, vì dân” được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, tạo sự đồng thuận và khơi dậy sức dân trong phát triển kinh tế-xã hội. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng vai trò nòng cốt trong việc bám dân, giúp dân phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai và giữ gìn an ninh trật tự.

Tại Đồn Biên phòng Sa Thầy, các cán bộ, chiến sĩ đã trở thành người thân của đồng bào vùng biên. Đại úy Lê Văn Sắc, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sa Thầy chia sẻ: “Giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim. Ở đâu dân cần, chúng tôi có mặt. Có những hôm mưa lũ đổ về, anh em chia nhau bám bản, dựng lại nhà cho dân sau bão, lo từng bữa cơm, từng viên thuốc cho người dân”.

Các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… tích cực tham gia công tác dân vận. Từ việc tổ chức các lớp dạy nghề, mở lớp học tình thương, đến phát động phong trào làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Những mô hình như “Gia đình hạnh phúc”, “Sạch từ ngõ, đẹp từ nhà”, “Nhà văn hóa xanh” đang được nhân rộng.

Đây đã trở thành nét văn hóa mới trong đời sống cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó, phong trào “Dân vận khéo” hiện diện trong các hoạt động an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Các công trình hạ tầng như đường bê-tông nông thôn, điểm trường, nhà văn hóa, trạm y tế… được đầu tư đồng bộ. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, kết nối vùng sâu, vùng xa với vùng trung tâm.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ, thân thiện với môi trường đang được triển khai, điển hình như mô hình nuôi hươu sao, heo sọc dưa, trồng cau, cải tạo vườn tạp… giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập ổn định. Theo đồng chí A Khiên, Bí thư Đảng ủy xã Ia Đal: “Công tác dân vận không thể bằng lời nói suông. Phải hành động, phải mang lại kết quả.

Mỗi căn nhà trao đi là một mái ấm dựng lên cho tương lai, là lời hứa của Đảng với nhân dân vùng biên. Chúng tôi xác định rõ, người dân là chủ thể, là trung tâm trong mọi chương trình phát triển”. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được đẩy mạnh. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng, từ đó tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn dân.

Hành trình dựng xây vùng biên tại hai xã Ia Tơi, Ia Đal cho thấy, từ những hành động thiết thực, kiên trì, công tác dân vận đã trở thành sợi dây kết nối bền chặt giữa ý Đảng và lòng dân, là nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc từ cơ sở.

Với phương châm “Dân là gốc”, công tác dân vận tại vùng biên tỉnh Quảng Ngãi đang thể hiện rõ vai trò tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Những mô hình hiệu quả tại đây cần được nhân rộng, nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, bảo vệ biên cương và xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguồn: https://baolamdong.vn/the-tran-long-dan-noi-phen-dau-to-quoc-381866.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm