Bằng cách tạo ra giá trị kinh tế cho việc giảm phát thải khí nhà kính, thị trường tín chỉ carbon có thể giúp Việt Nam hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo từ MSCI - công ty tài chính của Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho các nhà đầu tư toàn cầu, giá trị thị trường tín chỉ carbon tự nguyện trên toàn thế giới đã đạt mốc 1,4 tỷ USD với hơn 6.200 dự án carbon được đăng ký thông qua 12 cơ quan đăng ký tín chỉ lớn nhất thế giới vào cuối năm 2024. Cùng với xu hướng phát triển bền vững ngày càng trở nên phổ biến, con số trên được dự báo sẽ dao động từ 7 - 35 tỷ USD vào năm 2030, thể hiện rõ tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của thị trường này.
Qua các thống kê nêu trên, có thể thấy rõ sự quan tâm sâu sắc của các quốc gia cũng như các doanh nghiệp về các yếu tố phát triển bền vững trên toàn thế giới. Mô hình này hứa hẹn sẽ còn gia tăng mạnh mẽ khi thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp tạo ra giá trị dài hạn mà còn giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và bất ổn xã hội.
Khu vực rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk. Ảnh: Vạn Tiếp |
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển bền vững toàn cầu khi việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 300 chương trình và dự án được đưa vào cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Đáng chú ý, khoảng một nửa trong số đó đã được cấp tới 40,2 triệu tín chỉ và đang giao dịch trên thị trường carbon quốc tế. Nhờ vậy, Việt Nam vươn lên thành một trong 4 quốc gia dẫn đầu về số lượng dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), chỉ sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ; đồng thời xếp thứ 9 trên tổng số 80 nước có dự án CDM được cấp tín chỉ.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý và đặc thù ngành nông nghiệp phong phú, Việt Nam được đánh giá có khả năng cung cấp số lượng lớn tín chỉ carbon trong bối cảnh toàn cầu đang tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải. Ước tính, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam có thể đóng góp khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương với khả năng hấp thụ 57 triệu tấn CO2. Thông qua thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế, Việt Nam có tiềm năng thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm từ việc bán tín chỉ carbon, mở ra hướng đi khả thi cho một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Có thể thấy tính bền vững đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, khi mọi mục tiêu kinh doanh đều song hành cùng chiến lược phát triển bền vững. Vì vậy, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả hoạt động mà còn tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư và mở rộng thị trường.
Mặc dù tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam là vô cùng lớn, song bên cạnh đó cũng tồn tại không ít thách thức và khó khăn. Vì vậy, để tận dụng tối đa lợi thế này, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần khắc phục triệt để những rào cản hạn chế sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Một trong những rào cản lớn nhất trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam là hạn chế về vốn và kết cấu hạ tầng. Theo đó, để quá trình xác minh và giao dịch tín chỉ đạt được hiệu suất cao, việc xây dựng một hạ tầng dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch là vô cùng cần thiết. Không những thế, thông tin về các dự án tín chỉ carbon phải có tính nhất quán, đồng bộ giữa cơ quan đăng ký và dự án thực tế. Để đáp ứng những yêu cầu khắt khe như trên thì nguồn vốn cần chuẩn bị là vô cùng lớn, bởi việc đầu tư không chỉ dừng lại ở cải tiến công nghệ mà còn bao gồm cả chi phí đào tạo nhân công vận hành hệ thống dữ liệu.
Thị trường tín chỉ carbon có thể giúp Việt Nam hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Ảnh: Vạn Tiếp |
Sự thiếu hụt các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ đối với thị trường tín chỉ carbon cũng là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp chọn cách tiếp cận thận trọng hoặc trì hoãn trong việc tham gia thị trường. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực ban hành các văn bản hướng dẫn song việc cập nhật và áp dụng chúng trên thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính sự chưa phổ biến, thiếu cụ thể và mơ hồ trong quy định thực thi khiến nhiều doanh nghiệp vẫn cảm thấy bối rối, không đủ tự tin để đầu tư lâu dài.
Ngoài ra, việc quản lý và vận hành thị trường tín chỉ carbon còn đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có đủ lực lượng có khả năng vận hành hệ thống theo chuẩn quốc tế, từ khâu thu thập dữ liệu đến quản lý giao dịch và theo dõi các dự án; năng lực đào tạo chuyên môn cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ phát triển mà còn ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của thị trường tín chỉ carbon đã và đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển bền vững cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế xanh thế giới thì sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực cho chuyển đổi xanh của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan là vô cùng cần thiết.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202505/thi-truong-tin-chi-carbon-viet-nam-can-go-rao-can-de-khai-thac-hieu-qua-tiem-nang-58b1825/
Bình luận (0)