Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thiếu cát xây dựng: Doanh nghiệp kêu cứu

(QNO) - Nguồn cung vật liệu như đất, đá, nhất là cát hiện đang rất khan hiếm. Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang kêu cứu mong cấp thẩm quyền vào cuộc giải quyết.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam17/05/2025

2(2).jpg
Một bến chứa cát xây dựng tại xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) đã ngừng hoạt động. Ảnh: CÔNG TÚ

Cố cầm cự

Đóng tại cụm công nghiệp Quế Cường (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn), Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang chuyên sản xuất bê tông tươi. DN là đối tác của nhiều nhà thầu đang đảm nhận các công trình xây dựng trọng điểm ở Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày Sơn Sáu Sang chỉ hoạt động 10 xe vận chuyển bê tông tươi, 4 xe chở cát và đá. “Chúng tôi cố gắng duy trì để trả lương và bảo hiểm cho anh em công nhân mà thôi” - ông Cao Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Sơn Sáu Sang nói.

Theo ông Cao Trường Sơn, DN có quan hệ tốt với một số bến bãi chứa cát nên mới có để mua về nhưng khối lượng “nhỏ giọt”. Lý do là giấy phép của các mỏ cát đã hết hạn, hoặc sắp ngưng hoạt động. Bình thường, công ty mua vào 250 nghìn đồng/m3 cát; nhưng nay đã tăng 650 nghìn đồng/m3. Giá tăng phi mã như vậy mà không có cát để mua. Thực trạng trên khiến không chỉ phần lớn các DN cùng ngành nghề khốn đốn, mà nhà thầu xây dựng cũng lao đao theo.

Địa bàn huyện Đại Lộc thường được ví như “thủ phủ” của các mỏ cát, bến bãi chứa cát. Tuy nhiên, bây giờ chỉ còn mỏ Pha Lê với trữ lượng khai thác 23.000m3/năm, song đã tạm ngừng hoạt động. Một vài bến bãi chứa cát đang “vắt” những mét khối cát cuối cùng giao cho đối tác truyền thống.

1(2).jpg
Một bến bãi chứa cát nằm ở thượng lưu cầu Giao Thủy (huyện Đại Lộc) sắp ngưng hoạt động. Ảnh: CÔNG TÚ

Bình thường, Công ty TNHH MTV Bê tông Hiệp Hưng (cụm công nghiệp Đại An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) cho hoạt động hết công suất của 12 xe bồn chứa bê tông tươi, 3 xe tải ben để cung cấp thi công các công trình xây dựng dân dụng, cầu đường. Vậy nhưng, những ngày này phương tiện ra vào nhà máy sản xuất thưa vắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bê tông Hiệp Hưng cho biết, sở dĩ DN duy trì sản xuất hạn chế là do trong bãi chứa còn lại ít cát dự trữ, vài ngày nữa thôi, vật liệu này sẽ cạn kiệt. “Chúng tôi sẽ có thông báo đến khách hàng xin dừng cung cấp bê tông. Đây là sự cố ngoài ý muốn vì nguồn cung bị đứt gãy” - ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ.

Nhiều hệ lụy

Theo các nhà thầu xây dựng, địa bàn Quảng Nam có trữ lượng cát rất lớn, hàng chục mỏ nằm trong quy hoạch. Song trên thực tế thì DN không có cát sản xuất để cung ứng, nhà thầu không có cát xây dựng công trình. Một nghịch lý nữa, thời tiết đang mùa nắng mà nhà thầu phải thi công cầm chừng… do thiếu cát. Vậy làm sao có thể thúc đẩy khối lượng như cam kết, làm sao có khối lượng giá trị xây dựng mà giải ngân vốn đầu tư công?

Thêm nghịch lý nữa, cộng đồng DN lĩnh vực xây dựng đang giải quyết rất nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp không nhỏ vào ngân sách và tăng trưởng của nền kinh tế, ổn định dân sinh. Nếu bây giờ cát bị đứt gãy nguồn cung, DN tạm dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, an sinh của người lao động, đến tăng trưởng kinh tế chung.

[VIDEO] - Cảnh đìu hiu tại một bến bãi chứa cát tại Điện Bàn:

Một vấn đề đáng lo khác, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bước vào chặng nước rút. Địa phương có thể tận dụng cát ven suối để xây móng, đúc trụ nhà. Tuy nhiên, cát xây, cát tô tường không thể tận dụng được mà bắt buộc phải đạt chuẩn, muốn vậy phải mua nhưng mua ở đâu?

Chủ tịch Hội DN thị xã Điện Bàn - ông Lê Tự Tâm cho hay, gần đây nguồn cung vật liệu xây dựng vô cùng khan hiếm, dẫn đến giá cả một số loại vật liệu tăng cao đột biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, thi công và hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, giá cát tăng đến 660.000 - 700.000 nghìn đồng/m3; giá đất đắp nền đường K98, K95 và san nền lên đến 300.000 đồng/m3. DN dù phải mua với giá cao ngất ngưỡng nhưng không có để mua.

Ngày 16/5 vừa qua, Hội DN thị xã Điện Bàn đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh Quảng Nam. Hội kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục. Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng như địa phương khác đã làm (như TP.Đà Nẵng).

Hội DN thị xã Điện Bàn cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án đầu tư công xem xét, có điều chỉnh nội dung các “hợp đồng trọn gói” đã ký kết thành “hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” để hỗ trợ các DN xây dựng. Thúc đẩy cấp phép khai thác vật liệu hợp pháp, mở rộng nguồn cung từ các mỏ đủ điều kiện và giảm thủ tục hành chính trong khai thác.

Xem xét cấp phép cho các mỏ đất, đá, cát tại 3 khu vực phía Bắc, phía Nam và trung tâm Thăng Bình - Quế Sơn, không qua đấu thầu mà chỉ cho nộp thuế tài nguyên. Giao cho các ban quản lý dự án xác định từng gói thầu để phân chia vật liệu thi công công trình (như đường cao tốc ở các tỉnh phía Nam đã thực hiện). Có như vậy mới ổn định thị trường, tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ, DN dành 500 - 700 triệu đồng/tháng để trả lương cho người lao động. Nay nếu tạm ngưng hoạt động, thu nhập và đời sống gia đình 50 cán bộ, công nhân của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng. Còn ông Cao Trường Sơn tâm sự, mỗi ngày 1 tài xế lái xe chở bê tông 1 chuyến sẽ được trả 100 nghìn đồng, chở 4 chuyến là 400 nghìn đồng/ngày. Nhưng bây giờ, họ chỉ vận hành 1 chuyến/ngày.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/thieu-cat-xay-dung-doanh-nghiep-keu-cuu-3154992.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm