Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Với vai trò nòng cốt, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số trong phụ nữ. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân nữ năng động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên27/05/2025

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ).
Quầy hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ).

Ngay từ giai đoạn đầu triển khai Đề án 939, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch cụ thể, đặc biệt là Kế hoạch số 89/KH-UBND, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương. Qua đó giúp hình thành một hệ thống chính sách đồng bộ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, không chỉ giúp phụ nữ dễ dàng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, mà còn tạo tiền đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Thái Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Giai đoạn 2017-2025, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt 57 nhiệm vụ KH&CN do phụ nữ làm chủ nhiệm, với tổng kinh phí trên 109 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách KH&CN tỉnh là trên 63 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp và tổ chức tham gia. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công vào thực tiễn sản xuất, hình thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nữ.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp thông minh, chuyển đổi số…, nhằm tạo không gian sáng tạo, hỗ trợ nhiều ý tưởng tiềm năng do phụ nữ làm chủ được phát triển. Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức số và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên phụ nữ. Phụ nữ được trang bị kiến thức sử dụng các nền tảng số như C-Thái Nguyên, hệ thống thủ tục hành chính điện tử, thanh toán không tiền mặt, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, marketing online...

Đặc biệt, ngày 11/4/2025, lớp tập huấn giảng viên nòng cốt chương trình “Bình dân học AI” đã được tổ chức nhằm trang bị kiến thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo (AI) cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp. Với mục tiêu xây dựng cộng đồng 400.000 người dân Thái Nguyên tiếp cận AI trong tháng 4/2025, chương trình kỳ vọng sẽ giúp phụ nữ không chỉ tiếp cận mà còn làm chủ công nghệ trong công việc và đời sống.

Thu hái chè trên vùng nguyên liệu của Hợp tác xã chè Tuấn Nhung (Phú Lương).
Thu hái chè trên vùng nguyên liệu của Hợp tác xã chè Tuấn Nhung (Phú Lương).

Bên cạnh đó, Sở KH&CN luôn chú trọng đến công tác hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm do phụ nữ làm chủ. Nhiều thương hiệu địa phương như "Trà Hảo Đạt", "Trà Tuấn Nhung", "Trà Sơn Dung", “Miến dong Việt Cường”, “Tương nếp Úc Kỳ”... đã được bảo hộ thành công dưới các hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Hơn 20 hợp tác xã do phụ nữ quản lý cũng đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên”. Ngoài ra, Sở còn tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện tuyên truyền nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế...

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, Sở KH&CN Thái Nguyên sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2026–2030. Mục tiêu đề án là hỗ trợ toàn diện, tập trung vào tăng cường hỗ trợ tín dụng ưu đãi và thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nữ; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số, thương mại điện tử, quản trị doanh nghiệp cho phụ nữ; ưu tiên triển khai các đề tài KH&CN do nữ làm chủ, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, sản phẩm OCOP; thành lập không gian làm việc chung (co-working space) tại trường đại học, khu công nghiệp; tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt chú trọng vùng khó khăn, miền núi và dân tộc thiểu số thông qua đào tạo nghề, phát triển mô hình khởi nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ....

Thành công trong việc triển khai Đề án 939 tại Thái Nguyên là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền, ngành KH&CN và tổ chức hội viên phụ nữ trong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Những kết quả đạt được không chỉ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế mà còn là động lực mạnh mẽ để hướng đến một cộng đồng nữ khởi nghiệp hiện đại hơn, sáng tạo hơn, tự tin hơn và hội nhập sâu rộng hơn trong thời kỳ chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/nghi-quyet-57/202505/thuc-day-phu-nu-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-6870c05/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm