Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tội phạm dùng công nghệ AI, DeepFake buôn bán hàng giả: Nguy hại khó lường

DNVN - Tại hội nghị tổ chức ngày 7/7 ở Đà Nẵng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã nhận diện về hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại trong tình hình mới.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp07/07/2025

Đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ cao

Văn phòng 389 quốc gia cho biết, dự kiến trong thời gian tới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như các gian lận thương mại khác sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thậm chí có thể gia tăng về số lượng, quy mô và tinh vi hơn.

Trưng bày đối sánh hàng thật và hàng giả các thương hiệu nổi tiếng bên lề hội nghị.

Trưng bày đối sánh hàng thật và hàng giả các thương hiệu nổi tiếng bên lề hội nghị.

Các phương thức thủ đoạn thường thấy trong thời gian qua là lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thông quan hàng hoá, chính sách kho ngoại quan, hệ thống thông quan tự động tại cửa khẩu. Chia nhỏ, phân tán ngay từ khi qua cửa khẩu về các điểm tập kết theo đơn hàng, nhóm hàng, lưu chứa nhiều nơi, không kéo dài thời gian, lựa chọn địa điểm thưa dân cư, nguỵ trang kín đáo… nhằm che mắt cơ quan chức năng để thực hiện sản xuất và buôn bán hàng hoá vi phạm.

“Đặc biệt, cơ quan chức năng nhận diện và xác định trong tình hình mới, phương thức thủ đoạn của các đối tượng sẽ tinh vi, bài bản hơn do xã hội có nhiều tiến bộ về thương mại điện tử (TMĐT), thương mại công nghệ số cũng như các chính sách của nhà nước tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tư nhân”, ông Trần Đức Đông – Phó Chánh Văn phòng 389 quốc gia cho biết.

Theo đó, đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ cao hơn, thậm chí có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực, mặt hàng vi phạm, có sự am hiểu và tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật nhằm lách luật để trốn tránh hoặc thực hiện không đúng nhằm phục vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm.

Các đường dây buôn bán hàng giả hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, núp bóng doanh nghiệp hợp pháp, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ số cho việc vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm trục lợi bất chính.

Sử dụng công nghệ số cho buôn bán hàng giả

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, xu hướng công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giúp ích và chi phối nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số bị ứng dụng cho hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT và gian lận thương mại thì hậu quả sẽ rất lớn và rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong tình hình mới, các đối tượng sử dụng máy móc hiện đại công nghệ cao, công nghệ in 3D, AI và deepfake để tạo ra sản phẩm giả khó phân biệt bằng mắt thường đối với bao bì, nhãn hiệu, tem chống giả.

Các phần mềm công nghệ sẽ tạo hình ảnh, video giả để quảng cáo hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT như thật. Sử dụng công nghệ để DeepFake người nổi tiếng nhằm quảng bá cho sản phẩm giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, dùng chatbot hoặc AI viết review giả, giả mạo thương hiệu chính hãng trả lời khách hàng.

Trong hoạt động TMĐT, các đối tượng ứng dụng công nghệ số để phân tích thị trường, phát hiện lỗ hổng chính sách hoặc thuật toán của các sàn TMĐT nhằm trưng bày hàng giả mà không bị phát hiện. Giả mạo website bán hàng giống hệt trang web chính hãng, điều hướng người tiêu dùng mua phải hàng giả và dùng AI để vượt qua hệ thống phát hiện gian lận trong giao dịch.

Đồng thời sử dụng các phần mềm công nghệ lập hoá đơn, chứng thư, chứng nhận, kiểm định giả để tạo niềm tin cho người dùng và qua mắt lực lượng chức năng. Ứng dụng các phần mềm công nghệ thiết lập hệ thống lưu trữ quản lý bán hàng 2 lớp để gian lận thương mại về doanh thu, sản lượng, số lượng hàng hoá.

Công nghệ số cũng sẽ được ứng dụng cho gian lận trong chuỗi cung ứng và logistics như thay đổi dữ liệu GPS, cảm biến hàng hóa để hợp thức hóa hành vi, chuyển hướng, tráo hàng, làm giả giấy tờ vận chuyển điện tử, nhất là hàng hoá được mua bán xuyên biên giới mà chỉ thông qua khâu vận chuyển.

Khuyến cáo mối nguy từ ứng dụng công nghệ Metaverse

Theo Văn phòng 389 quốc gia, trong khi chưa giải quyết xong bài toán định danh xác thực số điện thoại thì việc ứng dụng phần mềm số điện thoại ảo đã xuất hiện dịch vụ VoIP (giao thức thoại qua Internet), cho phép người dùng thực hiện và nhận cuộc gọi bằng số điện thoại không được liên kết với thẻ SIM vật lý. Việc sử dụng ứng dụng này sẽ giúp cho các gian thương che giấu hoạt động và xoá dấu vết nhanh chóng.

Đặc biệt, trong một diễn biến xa hơn, các đối tượng này sẽ ứng dụng công nghệ Metaverse. Đây là một không gian ảo 3D liên tục, được xem là một phiên bản nâng cấp của internet, giúp người dùng có thể tham gia vào các hoạt động khác nhau như làm việc, giải trí, mua sắm, giao tiếp.

Công nghệ này cho phép người dùng có thể tạo tài khoản ảo, sử dụng danh tính giả để giao tiếp, giao dịch. Do vậy, các gian thương sử dụng Metaverse làm công cụ buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT như xây dựng cửa hàng trong Metaverse như một thương hiệu uy tín, sử dụng logo, giao diện, hình ảnh quảng cáo tương tự bản chính.

“Metaverse cho phép các đối tượng tạo NFT giả, vì vậy với công nghệ này người tiêu dùng không thể phân định được hàng hoá thật giả, cũng như không thể xác định được những xâm phạm hiện hữu về SHTT”, ông Đỗ Hồng Trung – Phó Chánh Văn phòng 389 quốc gia khuyến cáo.


Hải Châu

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/toi-pham-dung-cong-nghe-ai-deepfake-buon-ban-hang-gia-nguy-hai-kho-luong/20250707032508394


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm