Tòa soạn là "trái tim" quyết định chất lượng và uy tín của tờ báo
Với hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Báo Người Lao Động không chỉ phản ánh chân thực về đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn góp phần tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Ưu và khuyết, hay và dở
Trước năm 2015 (chính xác là tháng 8-2011), Báo Người Lao Động bắt đầu vận hành mô hình báo chí hiện đại - tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chủ yếu lấy báo in làm trung tâm, trong đó mọi hoạt động tổ chức sản xuất nội dung - kể cả các cuộc họp tác chiến mỗi sáng, chiều đều xoay quanh báo in.
MC số do Báo Người Lao Động tạo ra.Ảnh: VƯƠNG FƯƠNG ANH
Mỗi phóng viên được giao phụ trách một lĩnh vực hoặc địa bàn cụ thể, làm nhiệm vụ thu thập thông tin, điều tra, phỏng vấn, viết bài và gửi về tòa soạn thông qua hệ thống nội bộ hoặc email. Bài viết sau đó được chuyển cho biên tập viên phụ trách hoặc trưởng/phó đơn vị để xử lý, chỉnh sửa về nội dung, ngôn ngữ, tính pháp lý và chính trị. Kế tiếp, bài viết được tòa soạn xét duyệt, chọn lựa, sắp xếp vào các vị trí trên trang theo kế hoạch có sẵn; và chỉ được đăng lại trên báo điện tử mà không có nhiều điều chỉnh hoặc làm mới nội dung.
Nói cách khác, trong giai đoạn này, tổ chức tòa soạn vẫn còn đậm nét truyền thống, món nào ngon đều dành cho báo in, sau đó mới đến báo điện tử.
Đến đầu năm 2019, Báo Người Lao Động có sự định hướng lại khá cơ bản về nội dung, theo phương châm mới: Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn. Toàn bộ quy trình vận hành tòa soạn tuân thủ một trình tự khép kín: phân công đề tài → viết bài → biên tập → dàn trang → xuất bản. Báo in và báo điện tử đã được xem là "sản phẩm chính", ngang nhau, mang tính quyết định về hình ảnh, thương hiệu và độ tin cậy của tờ báo.
Ưu điểm của mô hình "Tòa soạn hội tụ đa phương tiện" này là tính bài bản, chắc chắn và chuyên nghiệp. Mỗi khâu trong dây chuyền sản xuất nội dung đều được kiểm soát kỹ lưỡng, đặc biệt là với các tuyến bài lớn như điều tra, phóng sự, loạt bài phản biện - vốn đòi hỏi sự đầu tư công phu cả về thời gian lẫn chất lượng thông tin. Đây chính là nền tảng tạo dựng uy tín và bản sắc cho Báo Người Lao Động trong nhiều năm.
Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ không ít hạn chế trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh. Tốc độ xử lý thông tin chậm, quy trình sản xuất nội dung thiếu linh hoạt khiến báo điện tử không bắt kịp nhịp chuyển động nhanh của thời sự. Báo điện tử chưa được đầu tư đúng mức về nội dung riêng biệt, chưa phát triển mạnh các hình thức đa phương tiện như video, ảnh đồ họa, livestream, podcast... Đồng thời, việc tổ chức bộ máy tòa soạn theo lối cũ - phân chia theo chuyên môn và địa lý một cách cứng nhắc - dẫn đến tình trạng thiếu kết nối, thiếu sự phối hợp linh hoạt giữa các bộ phận, chưa hình thành được một quy trình sản xuất nội dung tích hợp đa nền tảng, đa kênh.
Hiện đại, linh hoạt, tích hợp
Bước sang giai đoạn phát triển mới kể từ sau năm 2020, Báo Người Lao Động đã có bước chuyển mình quyết liệt từ mô hình "Tòa soạn hội tụ đa phương tiện" sang mô hình "Tòa soạn hội tụ toàn diện" và hiện nay là mô hình "Tòa soạn số", vận hành theo hướng tích hợp, linh hoạt và đa nền tảng. Với tinh thần quyết tâm cao, liên tục sáng tạo trong điều kiện tài chính hạn hẹp, Báo Người Lao Động đã triển khai quá trình chuyển đổi số một cách bài bản, phù hợp với xu thế báo chí hiện đại - lấy bạn đọc làm trung tâm và nội dung làm giá trị cốt lõi.
Một trong những bước đi táo bạo và hiệu quả là việc áp dụng triệt để mô hình "Tòa soạn không giấy" trong toàn bộ quy trình sản xuất báo in. Thay vì in bản giấy để duyệt từng bài, từng trang như trước đây, toàn bộ thao tác - từ đề xuất đề tài, viết bài, biên tập, trình duyệt, dàn trang đến xuất bản - đều được thực hiện trên hệ thống phần mềm và ứng dụng. Quy trình làm báo giấy được số hóa hoàn toàn, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu suất xử lý thông tin.
Khác với mô hình phân chia cứng nhắc theo chuyên môn - địa bàn trước năm 2020, "Tòa soạn hội tụ toàn diện" được tổ chức theo hướng nhóm nội dung liên kết chặt chẽ và vận hành linh hoạt theo sự kiện, theo dòng thời sự. Các nhóm phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên được kết nối qua hệ thống điều phối chung, sẵn sàng phối hợp sản xuất nội dung ở nhiều định dạng (text, ảnh, video, infographic, podcast…) tùy theo đặc điểm kênh phát hành.
Tòa soạn cũng từng bước xây dựng các nhóm chuyên trách nội dung cho sản phẩm số, mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok và Facebook, không chỉ để chia sẻ lại nội dung báo mà còn sáng tạo nội dung gốc phù hợp với từng nền tảng. Tinh thần "mỗi phóng viên là một nhà sản xuất nội dung đa phương tiện" dần được hình thành, giúp nâng cao năng lực cá nhân và tính cạnh tranh của sản phẩm báo chí.
Báo Người Lao Động là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ sản xuất và phân phối nội dung. AI được sử dụng trong nhiều khâu như cá nhân hóa người dùng, gợi ý tiêu đề, trích xuất nội dung nổi bật, tối ưu hóa SEO, đề xuất đề tài dựa trên xu hướng tìm kiếm, sản xuất video/clip cho hơn 20 kênh mạng xã hội… Ngoài ra, AI còn được sử dụng là MC chính cho chuyên mục, sản phẩm số như podcast, AI 365, Audio AI… trên báo điện tử.
Trong giai đoạn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn định hình lại cách thức làm báo. Việc Báo Người Lao Động liên tục đào tạo kỹ năng ứng dụng AI cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên… không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là biểu hiện của tư duy làm báo hiện đại - lấy người đọc làm trung tâm, lấy công nghệ làm đòn bẩy. Đây là nền tảng để báo không chỉ "chuyển đổi số" mà còn "phát triển bền vững".
"Không ngại thay đổi - dám thử, dám chuyển đổi từ tổ chức đến cá nhân, khi đó mới có được đội ngũ tòa soạn đa năng - hội tụ - nhạy bén.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn chuyển đổi số, tổ chức vận hành tòa soạn, Báo Người Lao Động đã rút ra nhiều bài học giá trị. Trước hết, đổi mới tư duy làm báo là yếu tố then chốt. Thay đổi đầu tiên phải là đổi mới tư duy trong đội ngũ lãnh đạo tòa soạn, lãnh đạo các phòng/ban và phóng viên. Mọi nội dung đều phải trả lời câu hỏi: độc giả cần gì, họ muốn xem ở đâu, bằng hình thức nào… để từ đó định hình cho mô hình tổ chức tòa soạn. Công tác tổ chức tòa soạn phải linh hoạt, theo hướng đa năng - đa nhiệm - tinh gọn - hiệu quả - số hóa. Không thể tồn tại một phóng viên chỉ biết viết mà không biết hình, không biết clip; không thể có một biên tập viên chỉ biết sửa câu, sửa chữ mà không biết tư duy đề tài, tổ chức đề tài; không thể có một thư ký tòa soạn chỉ biết lên trang, bấm nút xuất bản mà không biết sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để hiểu độc giả...
Bên cạnh đó, kinh nghiệm truyền thống vẫn giữ vai trò nền tảng, nhưng cách thể hiện cần hiện đại hơn. Một phóng sự dài có thể chia thành nhiều clip ngắn, một loạt bài điều tra có thể làm thành e-magazine sinh động - đó là những kỹ năng tối thiểu của một tòa soạn số. Dữ liệu và công nghệ là nền tảng để phát triển lâu dài. Tòa soạn phải có chiến lược dữ liệu: lưu trữ, phân loại, tái sử dụng và phân tích; phải đầu tư các công cụ công nghệ (CMS, AI, tối ưu SEO…) để phục vụ quá trình sản xuất nội dung.
Quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa mô hình tòa soạn của Báo Người Lao Động là một dòng chảy xuyên suốt, liên tục từ kinh nghiệm làm báo truyền thống đến sự đổi mới toàn diện trong kỷ nguyên số. Từ việc vận hành theo quy trình khép kín, tuyến tính và tập trung vào báo in, tòa soạn đã chuyển sang mô hình hội tụ, số hóa, đa nền tảng với sự phối hợp linh hoạt giữa các bộ phận và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới. Sự thay đổi này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng tốc độ phản ứng với thời sự mà còn tạo ra sản phẩm báo chí đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của bạn đọc hiện đại.
Nguồn: https://nld.com.vn/tu-truyen-thong-den-hien-dai-196250724203523575.htm
Bình luận (0)