>>> Bài 1: “Mở lối” cho người khuyết tật
Muôn vàn rào cản
Ngồi dựa lưng bên hiên nhà, chị Võ Thị Lệ Hằng (SN 1987), ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) buồn bã thở dài. Đã hai tuần nay, chị ngồi không ở nhà, không thể ra chợ bán hàng ngày vì địa điểm chị ngồi bán hàng chủ nhà đang sửa chữa. Bị khuyết tật hệ vận động, trước đây, chị Hằng kiếm thêm thu nhập từ công việc làm tranh đính đá, nhưng lượng khách hàng ngày càng thưa dần rồi vắng bóng. Không bỏ cuộc, chị nhập một số mặt hàng, như: Kẹp tóc, khẩu trang, vòng đeo tay… về bán. Dù chỉ kiếm vài chục nghìn đồng đủ chi tiêu những khoản lặt vặt nhưng công việc ấy giúp chị cảm thấy mình có ích. Và giờ, khi không thể đến chợ bán hàng, chị thấy trống trải, khó chịu...
|
Dù khó khăn, chị vẫn luôn ước mong được học một nghề nào đó để có việc làm ổn định, tự nuôi thân, bớt gánh nặng cho gia đình nhưng cơ hội dường như chưa “gõ cửa”. Suốt bao năm, chị chưa có cơ hội bước chân vào lớp học nghề nào, không phải vì không muốn mà bởi, chị không được kết nối, thiếu thông tin và do không có mô hình đào tạo nghề nào dành cho NKT nặng như chị. “Tôi chỉ mong có một lớp học nghề gần nhà, có ai đó giúp đỡ khi cần. Nhưng sức khỏe yếu, lại không đi lại được nên cũng không mơ ước nhiều”, giọng chị chậm rãi, ánh mắt pha chút lặng buồn.
Câu chuyện của chị Hằng không phải là cá biệt. Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều NKT rơi vào tình cảnh tương tự: Muốn học nghề nhưng không đủ điều kiện tối thiểu để tiếp cận. Phần lớn họ là NKT nặng, không có người thân chăm sóc thường xuyên, sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc không tham gia các tổ chức hội, đoàn thể để được kết nối thông tin.
Mỗi NKT đều có ước mơ được sống một cuộc đời có ích. Thế nhưng, hành trình từ ước mơ đến những lớp học nghề, những công việc phù hợp… vẫn còn nhiều khoảng trống chưa thể lấp đầy. Trở ngại đầu tiên chính là sức khỏe và khả năng di chuyển. Không có phương tiện chuyên dụng, không có người đồng hành thường xuyên, nhiều NKT đành chọn ở lại sau cánh cổng nhà, dù trong lòng vẫn đầy khao khát được học nghề và làm việc.
Phần lớn các mô hình đào tạo nghề hiện nay vẫn theo lối tiếp cận “đại trà”, ít tính đến đặc thù của từng nhóm đối tượng, thiếu kết nối đầu ra hoặc không kèm theo vốn hỗ trợ, thiếu các hình thức đào tạo linh hoạt, như: Dạy nghề tại nhà, dạy từ xa, học qua video hoặc giáo viên lưu động… Thêm vào đó, việc thiếu thông tin, kết nối cũng là một rào cản lớn. Không phải NKT nào cũng biết đến các chương trình dạy nghề miễn phí; trong khi các tổ chức đoàn thể ở cơ sở lại chưa làm tròn vai trò trung gian kết nối; chưa có cơ chế khảo sát, lập danh sách chi tiết NKT theo nhu cầu và khả năng học nghề.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hảo, Quản lý chương trình (AEPD Quảng Bình), một rào cản khác chính là điều kiện kinh tế-xã hội và hạ tầng cơ sở tại các địa phương. Ở vùng nông thôn, miền núi, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển NKT gần như không có. Trong khi đa phần các lớp học nghề đều tổ chức tại địa bàn trung tâm, khiến việc tham gia đối với NKT càng thêm xa vời. Cùng đó, tâm lý e dè, mặc cảm của NKT và định kiến của xã hội, xem NKT là “đối tượng cần giúp đỡ” hơn là “người lao động cần tạo cơ hội” khiến không ít NKT bị gạt ra khỏi thị trường lao động và không được đánh giá dựa trên năng lực thật sự.
Không để người khuyết tật bị bỏ lại phía sau
Việc làm không chỉ mang ý nghĩa thu nhập, mà còn là “chìa khóa” giúp NKT khẳng định giá trị bản thân và hòa nhập xã hội. Mở rộng “cánh cửa việc làm” cho họ là trách nhiệm không của riêng ai, là việc cần thiết của một xã hội văn minh, công bằng và nhân ái.
|
Chị Võ Thị Lệ Hằng mong mỏi có một lớp học nghề gần nhà, một lời giới thiệu từ chính quyền địa phương, một bàn tay đưa chị đến với cộng đồng lao động nhỏ bé nhưng đầy hy vọng. Với chị và với hàng trăm NKT khác, việc được học nghề, được làm việc không chỉ là chuyện mưu sinh. Đó là cách họ khẳng định mình vẫn hữu ích và có thể góp sức cho gia đình, xã hội, theo cách riêng. Sẽ đến một ngày, góc nhỏ ở chợ được sửa xong, chị Hằng lại có chỗ ngồi bán hàng, kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng hơn thế, điều cần hướng đến là chị có thêm một cơ hội khác: Được học nghề, được làm việc tại nhà và sống trọn vẹn với ước mơ nhỏ bé của mình.
Tính đến 1/4/2025, toàn tỉnh có 27.026 NKT được chi trả trợ cấp thường xuyên; trong đó, 5.345 NKT đặc biệt nặng và 21.681 NKT nặng, hàng trăm NKT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Để ước mơ của chị Hằng cũng như bao NKT khác được hiện thực hóa, cần xác định rõ, đào tạo nghề cho NKT không thể chạy theo chỉ tiêu cứng nhắc hay triển khai hình thức. “Điều cần thiết là thiết kế những mô hình “vừa vặn” với khả năng, sức khỏe, hoàn cảnh sống của từng người; xây dựng mạng lưới kết nối từ chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đến doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Mỗi địa phương cần chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lập danh sách cụ thể NKT có nhu cầu học nghề và khả năng tiếp cận, từ đó có kế hoạch đào tạo thực chất và chính sách đi kèm, như: Hỗ trợ sinh hoạt khi học nghề, cấp vốn sau học, hướng dẫn đầu ra sản phẩm… Quan trọng hơn là cần thay đổi nhận thức không chỉ của xã hội, mà cả trong từng NKT, rằng người yếu thế vẫn có thể góp phần làm nên giá trị nếu được tạo điều kiện đúng lúc, đúng cách”, bà Nguyễn Thị Phương Hảo nhấn mạnh.
Với NKT, được sống có ích không phải là đặc ân mà là quyền chính đáng. Và trách nhiệm của cộng đồng là tìm cách đến gần hơn với những người yếu thế, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành, nhẹ nhàng như cách họ đang cố gắng từng ngày để không trở thành gánh nặng cho ai.
Tâm An
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202505/uoc-mong-nghe-nghiep-cua-nguoi-khuyet-tat-bai-2-canh-cua-van-chua-rong-mo-2226314/
Bình luận (0)