Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì môi trường không rác thải nhựa: Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Hưởng ứng “Chương trình tháng Bảy không nhựa dùng một lần”, các sở, ban, ngành, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai với nhiều hành động ý nghĩa, thiết thực vì một môi trường không rác thải nhựa, phát triển xanh, bền vững.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa27/07/2025

Tác động xấu đến môi trường 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong đó, 90% xử lý bằng cách chôn, lấp, đốt; chỉ 10% được tái chế. Hiện nay, túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, ống hút, hộp xốp...) rất phổ biến vì rẻ và tiện lợi. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ truyền thống ở khu vực Nha Trang, việc sử dụng túi ni-lông còn nhiều. Trong đó, nhiều mặt hàng được đựng vào túi ni-lông như: Cá, thịt, rau, trái cây, bánh kẹo… Mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi ni-lông; trung bình mỗi ngày, một gia đình dùng khoảng 4 túi ni-lông. Túi ni-lông phải mất 500 - 1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn. Chất thải nhựa khi đốt sẽ tạo ra khí thải độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Cửa hàng CamlamOnline (xã Cam Lâm) hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Cửa hàng CamlamOnline (xã Cam Lâm) hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tại Khánh Hòa, những năm qua, lượng rác thải nhựa dùng một lần ngày càng tăng khiến cho các bãi chôn lấp, xử lý rác có nguy cơ quá tải. Tại khu vực Nha Trang, lượng rác thải thu gom được xử lý bằng công nghệ chôn lấp tại bãi rác Lương Hòa (phường Bắc Nha Trang) có diện tích 12,8ha. Theo ông Trần Văn Hương - Giám đốc Xí Nghiệp Môi trường (Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang), xí nghiệp thu gom rác trên 4 phường ở khu vực Nha Trang, bình quân 550 tấn/ngày, những ngày cao điểm lễ, Tết, hay những đợt mưa bão..., lượng rác tăng lên đến 900 - 1.000 tấn/ngày. Lượng rác thải phần lớn là sản phẩm nhựa dùng một lần gây áp lực lớn cho công nhân thu dọn và nguy cơ quá tải tại bãi rác.

Bảng tuyên truyền không sử dụng nhựa dùng một lần tại Bến tàu du lịch Nha Trang.
Bảng tuyên truyền không sử dụng nhựa dùng một lần tại Bến tàu du lịch Nha Trang.

Tại bãi rác Hòn Ngang (xã Diên Lâm) qua 10 năm hoạt động đến nay đã quá tải; tại các vùng biển ở đảo Trí Nguyên (phường Nha Trang), đảo Bình Ba (xã Nam Cam Ranh)…, hiện nay, rất nhiều rác thải nhựa. Riêng đảo Bình Ba phát sinh trung bình khoảng 4 tấn rác/ngày đêm, trong đó lượng rác thải nhựa chiếm khoảng 20% lượng rác thải sinh hoạt, tương đương khoảng 800kg chất thải nhựa/ngày đêm… Rất nhiều rác thải nhựa nằm ở đáy biển đã tác động đến sự phát triển của hệ sinh thái biển ở Khánh Hòa. Những năm tới, lượng rác thải sẽ tiếp tục tăng cùng với các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là với số lượng du khách đến Khánh Hòa tăng cao khiến cho việc xử lý rác thải càng thêm áp lực.  

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực trạng rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch tại Khánh Hòa không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là thách thức lớn đối với chiến lược phát triển du lịch bền vững. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn đe dọa đến sinh kế của cộng đồng địa phương, những người phụ thuộc vào nguồn lợi từ du lịch và biển. 

Dần thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khách sạn TTC Premium - Michelia (số 4 Pasteur, phường Nha Trang), hiện nay, các sản phẩm nhựa như: Cốc nước, ống hút, túi quà… đã được thay thế bằng các vật dụng bằng giấy. Bà Tôn Nữ Thanh Hoa - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch TTC kiêm Giám đốc Cụm Khánh Hòa chia sẻ, hiện nay, xu hướng du lịch xanh ngày càng được quan tâm. Thực hiện các chủ trương của trung ương và tỉnh Khánh Hòa về du lịch xanh, phát triển bền vững, các chi nhánh, đơn vị trong hệ thống TTC đã và đang dần thay thế toàn bộ sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như: Giấy, tre... “Ngoài ra, khách sạn còn có các bảng tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng về không sử dụng nhựa dùng một lần. Du khách khi sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa đều rất hài lòng và ủng hộ”, bà Hoa chia sẻ. 

Ly, ống hút bằng vật liệu giấy ở khách sạn TTC  Premium - Michelia.
Ly, ống hút bằng vật liệu giấy ở khách sạn TTC  Premium - Michelia.

Theo ghi nhận tại một số chợ ở khu vực Nha Trang như: Phước Hải, Xóm Mới, Phương Sơn…, hiện nay, một số quầy bán rau đã dùng dây buộc bằng lạt chẻ từ tre, dây chuối thay cho các loại dây ni-lông, dây thun. Tại các siêu thị như: Go! Nha Trang, Co.opmart Nha Trang đang sử dụng một số loại túi tự hủy nhằm góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (phường Bắc Nha Trang) cho biết: “Tôi thường chọn mua các loại rau được gói bằng lá tại siêu thị vì sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh và không phải tốn thêm túi ni-lông để đựng”.

Tại Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Trường Đại học Khánh Hòa và nhiều cơ quan, đơn vị…, trong các cuộc họp đều sử dụng bình thủy tinh đựng nước và ly thủy tinh thay cho nước đóng chai sử dụng một lần. Bà Trần Thị Thanh Nga - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Trường Đại học Khánh Hòa) cho biết, 5 năm gần đây, để phục vụ các sự kiện lớn, trường thiết kế và ra mắt những đồ dùng với chất liệu thân thiện môi trường như: Ly giấy, chai thủy tinh đựng nước uống và túi vải không dệt có thể tái sử dụng nhiều lần…

Phụ nữ xã Hòa Trí đi chợ bằng giỏ và tiểu thương gói thực phẩm bằng lá chuối.
Phụ nữ xã Hòa Trí đi chợ bằng giỏ và tiểu thương gói thực phẩm bằng lá chuối.

Bên cạnh đó, hội liên hiệp phụ nữ ở các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Ninh tổ chức chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy phần ăn sáng”; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Trí thực hiện mô hình “Tiểu thương chợ dân sinh nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần” ở thôn Tân Ninh, thực hiện mô hình “Đổi rác thải lấy giỏ xách đi chợ”… 

Cần đồng bộ các giải pháp

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn khuyến khích giảm thiểu rác thải và khai thác tài nguyên thông qua tái chế, tiết giảm và tái sử dụng. Những kế hoạch, chiến dịch tuyên truyền, hành động cụ thể của các cấp, ngành, địa phương đã và đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế nhựa dùng một lần.

Người dân chọn mua các loại rau được gói bằng lá chuối tại siêu thị Go! Nha Trang.
Người dân chọn mua các loại rau được gói bằng lá chuối tại siêu thị Go! Nha Trang.

Ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND phường Nha Trang chia sẻ: “Một số giải pháp để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa như: Tuyên truyền để người dân, tổ chức nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, đem theo túi khi đi mua sắm; sử dụng các sản phẩm dùng nhiều lần, thân thiện với môi trường. Đồng thời, sử dụng tiết kiệm và tái sử dụng hợp lý các sản phẩm làm từ nhựa, phân loại rác thải để có thể tái chế; không tự ý chôn lấp và đốt rác thải, nhất là rác thải nhựa; sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hạn chế phát miễn phí túi ni-lông cho khách hàng; thay thế túi ni-lông bằng các loại túi bằng chất liệu thân thiện với môi trường… Mỗi người hãy thay đổi vì cuộc sống xanh".

Còn ông Hoàng Anh Hào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 362, ngày 12-2-2020 ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu hướng đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển… Để đạt được kết quả đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản, thu hồi các ngư cụ như: Lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển; tái sử dụng, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa trong sản xuất thủy sản; thay thế vật liệu nhựa bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như: thủy tinh, vật liệu làm từ tre, bột gạo… Cùng với đó, áp dụng công nghệ tiên tiến để hạn chế rác thải nhựa; tăng mức thuế đối với các vật liệu như túi ni-lông, bao bì và các sản phẩm nhựa khác; ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu nhựa có thể phân hủy trong nước biển, vật liệu nhựa sinh học…

Sử dụng chai và ly thủy tinh trong các cuộc họp, hội nghị thay cho nước đóng chai sử dụng một lần tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Sử dụng chai và ly thủy tinh trong các cuộc họp, hội nghị thay cho nước đóng chai sử dụng một lần tại Trường Đại học Khánh Hòa.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11891, ngày 22-10-2024 về phát triển du lịch xanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030; Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 -2030, Kế hoạch phát triển du lịch xanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030. Qua đó, đã có các giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa như: Thay thế sản phẩm nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường... Cùng với đó, chính quyền địa phương cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm thay thế này, có chính sách ưu đãi về thuế hoặc vốn vay cho các đơn vị tiên phong. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý như: Đầu tư vào các thiết bị và công nghệ tái chế rác thải nhựa tiên tiến, giúp chuyển hóa rác thải nhựa thành nguyên liệu hoặc sản phẩm hữu ích khác; những ứng dụng thông minh có thể giúp theo dõi lượng rác thải, đưa ra các giải pháp tối ưu hóa việc phân loại và xử lý rác thải ngay tại nguồn.

THÁI THỊNH - CHÂU TƯỜNG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moi-truong-do-thi/202507/vi-moi-truong-khong-rac-thai-nhua-no-luc-giam-thieu-rac-thai-nhua-a0f3eef/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm