Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao người bị suy thận ngày càng trẻ hóa?

Suy thận thường diễn tiến âm thầm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng biến chứng thành suy thận giai đoạn cuối.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai27/07/2025

suy-than-1-6537.jpg
TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.

Chẩn đoán ở… giai đoạn muộn

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) cho biết đã ghép thận thành công cho một bệnh nhân T.T.N.T. (27 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối do thói quen sinh hoạt xấu suốt nhiều năm.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân T. cho biết thường xuyên thức đêm ngủ ngày, nhiều hôm thâu đêm suốt sáng để học bài. Bên cạnh đó, bệnh nhân hay uống nước ngọt thay nước lọc, ăn đêm thường xuyên.

Năm 2024, T. bắt đầu cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như mất ngủ về đêm, mỗi đêm chỉ ngủ được tầm 2 tiếng, hay đau nhức xương tay chân, khó thở, phù chân và thường xuyên ho có đờm. Song, nghĩ những triệu chứng đó có thể tự hết nên bệnh nhân không đi khám.

Đến tháng 6/2024, đang trong lúc làm việc thì T. ngất xỉu và được bạn bè chở vào cấp cứu tại một bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ thông báo bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Từ đó, trung bình 3 lần mỗi tuần, bệnh nhân T. được gia đình chở đi chạy thận, nhưng bệnh tình vẫn không cải thiện.

Trải qua nhiều cuộc hội chẩn, phối hợp cùng các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, tháng 5 năm nay, ca phẫu thuật ghép thận của người mẹ tặng cho con đã được thực hiện thành công tại bệnh viện. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cả người cho và người nhận đều ổn định. T. hồi phục sức khỏe đến 90%, chức năng thận trở về mức bình thường. Bệnh nhân không còn đau nhức tay chân, đặc biệt là đã lấy lại giấc ngủ ngon và ngủ sâu.

Bác sĩ Dương Minh Tuấn - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng chia sẻ về trường hợp suy thận của bệnh nhân M.

(21 tuổi) - sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội. Trong nhiều năm, để đối phó với áp lực học hành và thi cử, nam sinh này thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau kết hợp nước tăng lực để thức khuya ôn bài. Thói quen tưởng như vô hại đã khiến thận của M. âm thầm tổn thương nghiêm trọng.

Đến khi có triệu chứng rõ ràng như nôn ói, phù chân và kiệt sức sau kỳ thi, bệnh đã ở giai đoạn nặng. Tại thời điểm nhập viện, chức năng thận của M. giảm còn dưới 20%, rơi vào suy thận mạn.

Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ bị suy thận. Bệnh nhân M. (30 tuổi) cho biết, 5 năm trước, khi đang đi làm, bỗng có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Khám tại bệnh viện huyện, M. được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối.

“Khi nhận chẩn đoán, tôi rất bất ngờ vì trước đó không có biểu hiện gì, vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Giờ cuộc sống đảo lộn, muốn làm nhưng sức khỏe không cho phép, thậm chí sinh hoạt bình thường thôi cũng không được…”, người bệnh chia sẻ.

Theo ThS.BS Phạm Tiến Dũng - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, trung tâm thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp như bệnh nhân trên. Thậm chí, có bệnh nhân chỉ mới 15 -16 tuổi, nhưng khi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn thì đã ở giai đoạn cuối.

BS Dũng cho biết, đa số bệnh nhân đến trong hoàn cảnh quá muộn, mọi thứ gần như khó có thể đảo ngược. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, thì có thể làm chậm tiến triển của bệnh thận.

Các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) từng tiếp nhận một bệnh nhân phải cấp cứu lúc nửa đêm từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh. Cụ thể, bệnh nhân nữ N.V.H., 18 tuổi, nhập viện do đau dữ dội vùng thắt lưng, tiểu buốt và nôn mửa. H. bị cơn đau quặn thận do sỏi niệu quản 4mm gây tắc nghẽn, dẫn đến viêm thận. Hình ảnh phim chụp CT cho thấy hiện tượng “thận viêm hóa đá”.

Theo chia sẻ, H. có nhiều thói quen xấu điển hình như nghiện trà sữa, mì tôm và lười uống nước. Một ngày, cô có thể uống 2 cốc trà sữa nhưng chưa được nửa lít nước lọc. Ngoài ra, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh này bận học, ôn thi nên thức khuya. Khi đói, cô chọn mì tôm là “món tủ”.

suy-than-2-9164.jpg
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) ghép thận cho bệnh nhân T.T.N.T. bị suy thận giai đoạn cuối.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh

TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết: “Nếu không phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì chi phí điều trị vừa tốn kém hơn mà thời gian điều trị bảo tồn cũng không được lâu.

Nhiều bệnh nhân đến ở giai đoạn phải lọc máu cấp cứu, lúc đó thận suy rất nặng kèm theo nhiều biến chứng ở các cơ quan như: Tim mạch, hô hấp… Điều đó sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người bệnh trong phương pháp điều trị thay thế thận suy”.

Cũng theo TS.BS Nghiêm Trung Dũng, bệnh thận thường diễn biến rất âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Vậy nên, nhiều người bệnh, gia đình có điều kiện, bố mẹ hoàn toàn có thể cho thận, nhưng tình trạng suy tim đã quá nặng, bệnh nhân không thể tiến hành ghép thận. Lúc đó buộc phải chấp nhận phương án tối ưu nhất là lọc màng bụng hoặc thận nhân tạo.

Tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, nhiều người chỉ phát hiện bệnh sau khi khám sức khỏe tại cơ quan hoặc làm hồ sơ đi du học. TS.BS Nghiêm Trung Dũng thông tin, xu hướng trẻ hóa người bị suy thận liên quan đến nhiều vấn đề. Trong đó, ngoài nguyên nhân do viêm cầu thận thì thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ của người trẻ cũng là yếu tố nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý chuyển hóa sớm. Từ đó, gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh thận mạn.

“Người trẻ bây giờ sử dụng quá nhiều đồ uống không rõ nguồn gốc, ăn nhiều đồ tiện lợi như mì gói với hàm lượng muối cao, cộng thêm thói quen sinh hoạt không điều độ, không đúng theo nhịp sinh học. Ngủ quá muộn, lười vận động dẫn đến béo phì. Đây là những yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh thận”, TS.BS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ bệnh thận mà nhiều bệnh khác, cách duy nhất để phát hiện sớm là khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa có thói quen này, thậm chí lười và ngại đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe. Theo chuyên gia, với bệnh thận mạn, khi phát hiện giai đoạn sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Trong trường hợp phát hiện bệnh thận ở giai đoạn cuối, có 3 lựa chọn, đó là: Chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu màng bụng và ghép thận. Dù là lựa chọn nào thì gánh nặng của bệnh tật cũng sẽ theo người bệnh và gia đình suốt cuộc đời còn lại.

suy-than-3-8544.jpg
Nhiều bệnh nhân suy thận cấp phải lọc máu để duy trì sự sống.

Thức đêm - “Thủ phạm” nguy hiểm

Theo BSCKII Hồ Tấn Thông - Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 (TPHCM), thức khuya sẽ phá vỡ chu kỳ giấc ngủ và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận. Người có thói quen thức khuya có khả năng bị suy thận cao.

Thận hoạt động dựa trên chu kỳ giấc ngủ để điều chỉnh khối lượng công việc như lọc chất thải và độc tố từ máu. Mặc dù luôn thức khuya không phải là nguyên nhân trực tiếp và ngay lập tức dẫn đến suy thận cấp tính (chấn thương thận cấp - AKI), nhưng nó có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối theo thời gian.

Nếu đang có bệnh thận mạn tính giai đoạn đầu, thức khuya có thể làm xấu đi tình trạng hiện tại và tăng tốc tiến triển đến các giai đoạn muộn hơn. Bệnh thận giai đoạn cuối là giai đoạn cuối cùng của bệnh thận mạn tính. Khi đó, thận mất gần như tất cả khả năng hoạt động, để duy trì sự sống người bệnh buộc phải điều trị lọc máu.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, rối loạn giấc ngủ lâu dài, bao gồm thời gian ngủ ngắn và chất lượng giấc ngủ kém, có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính và có thể tăng tốc độ suy giảm chức năng thận. Cụ thể, thiếu ngủ có thể góp phần vào các rối loạn trao đổi chất như béo phì và huyết áp cao, là yếu tố nguy cơ được biết đến đối với bệnh thận mạn tính.

Thận chịu trách nhiệm điều chỉnh các chức năng cơ thể khác nhau trong suốt cả ngày lẫn đêm, bao gồm lọc chất thải, cân bằng chất lỏng và sản xuất hormone. Các quy trình này được phối hợp theo chu kỳ thức giấc ngủ.

Thức khuya làm gián đoạn quy trình tự nhiên này, khiến thận phải làm việc chăm chỉ hơn vào những lúc chúng nên nghỉ ngơi. Phải “tăng ca” trong thời gian dài khiến thận mệt mỏi và có thể suy giảm chức năng.

Theo chuyên gia, trước đây, mắc phải suy thận thường do nhiễm khuẩn như viêm thận do liên cầu. Hiện nay, với sự phát triển của kháng sinh, nguyên nhân suy thận do viêm đã giảm đi. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cực kỳ nguy hiểm gây suy thận hiện nay đó là thực phẩm. Hiện, nhiều thực phẩm sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại để bảo quản. Về nguyên lý, các chất khi đưa vào cơ thể đều được chuyển hóa, đào thải qua gan và thận. Chính vì vậy, những thực phẩm này gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận đầu tiên.

giaoducthoidai.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/vi-sao-nguoi-bi-suy-than-ngay-cang-tre-hoa-post649840.html


Chủ đề: giới trẻ

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm