Cán bộ xã Lộc An đến thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công cách mạng |
Nằm khuất trong một xóm nhỏ ở thôn An Lại, giữa cái nắng tháng 7, từ ngoài đường, chúng tôi đã nghe tiếng cười nói từ trong nhà ông Phạm Chiếu, là những người đến thăm hỏi gia chủ. Bà Huỳnh Thị Thia, vợ của ông Phạm Chiếu chia sẻ: “Nhờ các cấp, ngành, chính quyền địa phương, gia đình tôi mới có căn nhà vững chãi để che nắng, che mưa, yên tâm tránh bão”.
Ông Chiếu là con của liệt sĩ Phạm Chí. Gia đình ông chỉ có một người con đang học đại học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi ông Chiếu bị liệt cả hai chân, gánh nặng kinh tế đè lên vai vợ. Bà Thia kể: “Khổ thì khổ, nhưng địa phương quan tâm làm chúng tôi ấm lòng. Hễ có nguồn lực nào, chính quyền địa phương đều quan tâm giúp đỡ, ưu tiên cho gia đình tôi. Hiện cũng có mạnh thường quân giúp thêm mỗi tháng 500.000 đồng cho con tôi đi học”.
Trong ký ức của bà Thia, giữa những nỗi lo toan của cuộc sống là sự ấm áp từ tình cảm cộng đồng. Chỉ tay vào tấm bảng treo trên tường, bà xúc động kể về ngôi nhà được xây dựng với sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và tổ chức GCF-UNDP thông qua một dự án hỗ trợ cộng đồng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu. Không chỉ là nguồn hỗ trợ 80 triệu đồng từ Nhà nước, dự án, mà bà con ở địa phương còn góp công, góp của để ngôi nhà hoàn thành trong năm 2024.
Xã Lộc An hiện có 574 người thuộc diện người có công và thân nhân gia đình có công với cách mạng.
Không chỉ thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công theo quy định của Nhà nước, xã Lộc An còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thăm hỏi gia đình chính sách tiêu biểu ở các địa phương; phát động phong trào ủng hộ, đóng góp, xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức các hoạt động dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các đơn vị như với Sở Y tế, Hội Tim mạch TP. Huế tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách.
Đáng chú ý, địa phương còn đẩy mạnh xã hội hóa công tác tri ân. Từ năm 2020 đến nay, hơn 30 ngôi nhà trên địa bàn được hỗ trợ sửa chữa, xây mới, với mức hỗ trợ lên đến 80 triệu đồng/nhà. Nhờ đó, trên địa bàn đã hoàn tất việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, ưu tiên các hộ gia đình có công bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
Ông Trương Công Hiếu (sinh năm 1963) - cựu chiến binh đang sống ở thôn Nam Phổ Hạ chia sẻ: “Trước đây, căn nhà tôi xuống cấp nghiêm trọng, nhờ chính quyền và bà con hỗ trợ nay tôi có được căn nhà khang trang. Địa phương quan tâm nhiều mặt, ngày mưa lũ còn tới hỗ trợ đưa đến nơi an toàn”.
Ông Trương Thanh Tín, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội của xã Lộc An chia sẻ, “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm và cũng là mệnh lệnh từ trái tim. Khó kể hết những việc đã làm, nhưng Lộc An luôn đặc biệt quan tâm người có công, gia đình chính sách, nhất là đời sống của những người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Sự quan tâm từ chia sẻ đồ ăn, thức uống đến những lời hỏi han, động viên có thể mang giá trị không lớn nhưng đều làm ấm lòng những người có công và thân nhân của họ.
Rời Lộc An, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi lời chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Trần Huy Cường: “Lộc An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, và cũng là nơi mà công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện với tất cả sự trân trọng và biết ơn. Chúng tôi - những người kế thừa sẽ tiếp tục sứ mệnh đó bằng cả trái tim mình”.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/viet-tiep-truyen-thong-den-on-dap-nghia-155945.html
Bình luận (0)