
Để vinh danh nghệ thuật tạo ra món ăn thơm ngon độc đáo, Bộ VH-TT&DL đã chính thức công nhận “Tri thức dân gian về bún bò Huế” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Món ăn gia truyền
Với mức giá dao động từ khoảng 20 ngàn đến 35 ngàn đồng mỗi tô, bún bò Huế không chỉ để ăn sáng, nó còn được nhiều người dân Huế chọn làm món quà chiều để thưởng thức cách vài tiếng đồng hồ trước giờ cơm tối.
Không cần vòng vèo đi xa, mỗi khi có nhu cầu, thực khách chỉ cần bước ra đầu hẻm đã chạm ngay vài quán bún bò nho nhỏ, giản dị, nấu theo phong cách gia truyền.
Quán bún bò O Cương - chú Điệp (phường Thuận Hóa, thành phố Huế) đến nay ngót nghét 40 năm. Và đã có 3 lớp thế hệ trong gia đình cùng nhau tiếp nối gánh bún của gia đình.
Ông Nguyễn Điệp chia sẻ: “Một tô bún bò Huế muốn chuẩn vị thì nước bún phải trong, ngọt tự nhiên và được phục vụ nóng. Cùng những nguyên liệu chính như xương, chả, thịt,… các phụ liệu như sả, mắm ruốc, tương ớt, chanh cũng đóng vai trò rất quan trọng, tạo nên vị thanh ngọt, đậm đà”.
Đặc biệt, ông Điệp nói thêm, người Huế thường sử dụng loại nồi có phần đáy to và phần miệng nhỏ như những chiếc niêu, được làm bằng nhôm để nấu bún bò. Kiểu nồi dưới rộng trên hẹp này giúp giữ nhiệt tốt, làm cho nước dùng luôn nóng và thơm ngon.
Bún bò Huế không chỉ là một món ăn. Thông qua cách chọn nguyên liệu, dụng cụ và phương thức chế biến, người Huế đã hình thành tri thức dân gian, câu chuyện về lịch sử, văn hóa bản địa xứ cố đô, từ đó trao truyền qua nhiều đời.
Những buổi sớm tinh mơ, trong góc quán quen, ánh mắt người đứng bếp tập trung quan sát cao độ, trên tay cầm chiếc vá, lăm lăm vớt bọt liên tục.
Nhờ sự tỉ mẩn ấy, nồi xương bò dù được ninh nhiều giờ vẫn cho ra một màu nước trong veo. Mùi sả, mắm ruốc đồng thời bốc lên thơm lừng níu chân du khách.
Mọi người lần lượt chọn cho mình tô bún bò Huế với những “topping” yêu thích: miếng thịt ba chỉ kích thước gọn lòng bàn tay; miếng giò heo với lớp da được hầm vừa đủ độ nên vừa giòn vừa béo; những miếng chả đỏ au màu gạch quanh viền phô ra những thớ thịt cua trắng dịu bắt mắt; miếng huyết mềm thơm, núng na núng nính,...
Ăn món di sản
Trước khi được Bộ VH-TT&DL ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tự thân món bún bò Huế đã nức tiếng gần xa.
Cuối năm 2023, cùng với 5 món khác của vùng đất cố đô, bún bò Huế được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tôn vinh và công nhận là món ăn tiêu biểu Việt Nam.
Tháng 5/2025, tạp chí ẩm thực quốc tế Taste Atlas bình chọn bún bò Huế lọt vào danh sách 100 món ăn sáng ngon nhất thế giới.
Bún bò Huế cũng từng được đưa vào thực đơn trong bữa ăn hàng ngày của 35 trường học tại thành phố Saijo, Nhật Bản.
Vào Nam ra Bắc, không thống kê được trên khắp đất nước có bao nhiêu cơ sở bán bún bò Huế. Chính hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn đã tạo nên thương hiệu, khiến nhu cầu ăn uống thường thức trở thành tập tục ẩm thực.
Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Như Huy - chuyên gia ẩm thực trọn đời giữ gìn phong vị Huế chia sẻ: “Kết tinh ẩm thực không tách rời mà gắn với đời sống, liên kết văn hóa, và cả thiết chế giáo dục của cộng đồng. Xét về nền tảng để phát triển ẩm thực, Huế là nơi có điều kiện nổi trội hơn các nơi khác”.
Theo bà, tại Huế đã mở ra một trường nữ sinh đầu tiên trong cả nước vào năm 1917 - Trường nữ trung học Đồng Khánh - và đây cũng là nơi thành lập tổ chức nữ công đầu tiên (tổ chức Nữ Công học hội vào năm 1926 - NV).
“Hai tổ chức này góp phần nâng cao 4 chữ Công - Dung - Ngôn - Hạnh cho người phụ nữ Huế. Từ chữ Công đó đã mang đến cho vùng đất này nhiều món ăn ngon, trong đó có món bún bò Huế” - nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Như Huy chia sẻ.
Việc “Tri thức dân gian về bún bò Huế” trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này có ý nghĩa rất lớn trong định danh, khẳng định thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng mà còn là bước tiến quan trọng, cởi mở trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực thủ công trước làn sóng thương mại hóa đang diễn ra ồ ạt khắp nơi.
Từ việc chỉ được nhìn nhận dưới góc độ bó hẹp như thông qua lễ hội, tập quán, việc vinh danh di sản ẩm thực lần này đã được mở rộng sang hệ tri thức mang tính tổng hợp các nét đẹp văn hóa bản địa.
Vấn đề còn lại là làm sao để một di sản ẩm thực như bún bò Huế tiếp tục lan tỏa, tiếp cận và “sống” mãi trong đời sống hiện đại. Điều này đòi hỏi phải khẳng định lại vai trò của kỹ thuật thủ công trong việc duy trì, linh hoạt thực hành khâu chế biến - để món ăn vừa giữ được tính “bảo thủ” của cái nghìn xưa, vừa giao thoa, tiếp biến hài hòa, tạo nên hương vị không bị mai một mà ngày càng đậm đà về bản sắc và nội chất.
Nguồn: https://baodanang.vn/vinh-danh-bun-bo-hue-3265603.html
Bình luận (0)