Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Vỡ mộng" môn lựa chọn từ lớp 10: Lời cảnh tỉnh cho phụ huynh và học sinh

(Dân trí) - Học sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 bắt đầu chọn môn lựa chọn ở bậc THPT. Lời khuyên về chọn môn lựa chọn, tổ hợp xét tuyển đại học giúp phụ huynh, học sinh tránh “vỡ mộng".

Báo Dân tríBáo Dân trí10/07/2025

Sai lầm khi chỉ chú trọng điểm chuẩn vào lớp 10

Nhà báo Đỗ Thị Yến Hoa, người có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với giáo dục phổ thông và từng tham gia ban tư vấn tuyển sinh lớp 10 tại nhiều trường học ở TPHCM, đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động: "Nhiều phụ huynh, học sinh khi đăng ký thi lớp 10 chỉ quan tâm tới điểm chuẩn và khả năng trúng tuyển, mà bỏ qua việc tìm hiểu tổ chức môn lựa chọn trong nhà trường".

Bà Hoa nhấn mạnh đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, mỗi nhà trường có cách thức tổ chức môn học lựa chọn khác nhau, không còn khuôn mẫu chung như chương trình cũ. Việc bỏ qua bước tìm hiểu này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Kể lại câu chuyện thực tế, bà nói về trường hợp học sinh T.A. từng đỗ vào một trường THPT ở quận Gò Vấp (cũ). Tuy nhiên, khi đăng ký môn học lựa chọn lớp 10, nam sinh cảm thấy "choáng váng", bởi trong các nhóm môn học được trường thiết kế không có môn mỹ thuật – một môn học cốt lõi cho định hướng nghề nghiệp thiết kế của em.

Bà kể lại rằng, nam sinh tâm sự dù đã được các thầy cô ở trường THCS tư vấn rất kỹ nhưng bản thân đã quá chủ quan khi đặt nguyện vọng lớp 10 lại không tìm hiểu về trường và những thay đổi trong cách tổ chức môn học lựa chọn trong chương trình mới. Đến khi trúng tuyển rồi, mới thấy môn học mình mong muốn không có… Lúc này, đã muộn.

Vỡ mộng môn lựa chọn từ lớp 10: Lời cảnh tỉnh cho phụ huynh và học sinh - 1

Theo ghi nhận, nhiều học sinh có tư tưởng chọn môn lựa chọn vì dễ học, theo bạn bè… thay vì thực sự yêu thích và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Mối liên hệ "sống còn" giữa môn lựa chọn lớp 10 và xét tuyển đại học

Thực tế, không ít phụ huynh, học sinh trải qua mùa tuyển sinh đại học đầu tiên theo chương trình GDPT 2018 mới thực sự thấm thía điều quan trọng trong chọn môn học ngay tại lớp 10.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025, thay vì thi 6 môn như trước, số lượng môn thi giảm còn 4, trong đó, bắt buộc có toán và ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn 2 môn trong số 9 môn đã học ở trường (hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ và ngoại ngữ).

Điểm mấu chốt là thí sinh chỉ được đăng ký dự thi 2 môn thi đã học ở bậc THPT. Bốn môn thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo ra các tổ hợp xét tuyển vào đại học.

Vỡ mộng môn lựa chọn từ lớp 10: Lời cảnh tỉnh cho phụ huynh và học sinh - 2

Trường học tổ chức tư vấn chọn nguyện vọng lớp 10 cho phụ huynh học sinh (Ảnh: Huyên Nguyễn).

PGS.TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Nha Trang, nhấn mạnh việc chọn môn học, đặc biệt là các môn lựa chọn ở bậc THPT theo chương trình GDPT 2018, có vai trò xuyên suốt và mang tính chiến lược trong việc định hướng nghề nghiệp, đăng ký xét tuyển đại học sau này.

Ông cũng chỉ ra thực trạng trong những năm trước, nhiều phụ huynh và học sinh còn chưa hình dung rõ mối liên hệ này. Dẫn đến tình trạng, việc chọn môn học còn theo thói quen như: khối tự nhiên, xã hội, theo bạn bè hoặc vì nghĩ môn đó dễ học, dễ đạt điểm cao… mà không cân nhắc xem môn đó có nằm trong tổ hợp xét tuyển của ngành nghề mình muốn học đại học hay không.

Hậu quả là đến khi lớp 12, học sinh mới vội vàng điều chỉnh nguyện vọng hoặc bị giới hạn trong lựa chọn ngành nghề, thậm chí phải học lại hoặc bỏ lỡ cơ hội xét tuyển.

Từ đó, PGS Phương khuyên rằng, ngay từ lớp 10, phụ huynh hãy đồng hành, hỗ trợ định hướng song không áp đặt, mà lắng nghe nguyện vọng, tìm hiểu thế mạnh của con, từ đó cùng thảo luận và quyết định lựa chọn môn học, ngành, trường phù hợp.

Vỡ mộng môn lựa chọn từ lớp 10: Lời cảnh tỉnh cho phụ huynh và học sinh - 3

Là một trong những trường đầu tiên công bố phương hướng tuyển sinh sớm cách đây 3 năm, Trưởng phòng Đào tạo đại học Trường Đại học Nha Trang cho rằng đây là điều thiết thực.

“Chúng tôi mong muốn định hướng tốt nhất cho học sinh, từ đó chủ động, có kế hoạch học tập và lựa chọn ngành học phù hợp, tránh bị động “nước đến chân mới nhảy” khi đến giai đoạn xét tuyển đại học”, PGS.TS Tô Văn Phương bày tỏ.

Qua đó, ông Phương cho rằng các trường đại học cũng cần có định hướng rõ ràng về phương hướng, phương thức tuyển sinh có tính ổn định, phù hợp với đặc thù từng ngành và chương trình đào tạo. Đặc biệt, cần công bố các môn học mà học sinh cần thiết phải trang bị/học tập ở cấp THPT để các em chủ động học tập ngay từ đầu.

Định hướng ngành nghề từ sớm – chìa khóa thành công

ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng khẳng định chọn môn học THPT không chỉ để học, mà còn để “mở đường” xét tuyển đại học.

Ông giải thích, hiện nay, các trường đại học vẫn xét tuyển theo tổ hợp 3 môn hoặc nhiều hơn, mà những tổ hợp này chủ yếu dựa trên các môn toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế pháp luật.

“Nếu học sinh không học và không thi một môn nào đó ở THPT, thì hầu như sẽ không thể tham gia xét tuyển theo tổ hợp có môn đó”, ông Trị nói rõ hơn.

Do vậy, ngay từ lớp 10, học sinh cần định hướng sớm ngành nghề dự kiến để chọn tổ hợp phù hợp.

Ông lấy ví dụ, học sinh xác định sau này sẽ theo ngành y cần nhận định đa số xét khối B00 (toán, hoá, sinh) thì trong chương trình học ở bậc THPT ngoài toán là môn bắt buộc, cần học thêm hoá học và sinh học.

Phụ huynh và học sinh nên tra cứu website chính thức của trường đại học, xem ngành đó xét những tổ hợp nào và ghi lại 2–3 tổ hợp phổ biến để định hướng học tập.

Vỡ mộng môn lựa chọn từ lớp 10: Lời cảnh tỉnh cho phụ huynh và học sinh - 4

ThS Trương Quang Trị trong một chuyên đề tư vấn cho học sinh (Ảnh: NVCC).

Ông Trị nhấn mạnh định hướng nghề nghiệp sớm, từ cấp THCS hoặc đầu THPT, đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ, ngay từ những năm đầu trung học, học sinh đã bắt đầu hình thành nhận thức về sở thích, năng lực và có thể khám phá sơ bộ các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Khi được định hướng sớm, học sinh sẽ hiểu rõ hơn yêu cầu của từng ngành nghề, từng khối thi, cũng như tổ hợp môn xét tuyển đại học, từ đó lựa chọn các môn học tự chọn một cách chủ động, đúng đắn và ít bị lúng túng.

Điều này không chỉ giúp các em tập trung học tốt hơn các môn cần thiết, mà còn tránh tình trạng chọn môn “thử đại” rồi sau này lại phải đổi hướng, gây áp lực.

Ngoài ra, định hướng sớm còn giúp phụ huynh và giáo viên đồng hành cùng học sinh trong việc xây dựng kế hoạch học tập dài hạn, lựa chọn các hoạt động trải nghiệm phù hợp để bồi dưỡng kỹ năng và năng lực cần thiết cho ngành nghề mà các em mong muốn theo đuổi.

“Có thể nói, định hướng nghề nghiệp sớm chính là bước chuẩn bị nền tảng, giúp học sinh không chỉ học đúng mà còn thi đúng, xét tuyển đúng và tự tin bước vào con đường sự nghiệp sau này”, ThS Trương Quang Trị chia sẻ.

Cập nhật thường xuyên xu hướng điều chỉnh

Nhắn gửi tới phụ huynh, học sinh, PGS.TS Tô Văn Phương nhấn mạnh việc thường xuyên theo dõi thông tin tuyển sinh, điểm chuẩn, tổ hợp xét tuyển, chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của các trường hằng năm sẽ giúp học sinh nắm bắt xu hướng, điều chỉnh lựa chọn môn học, ngành học và chiến lược ôn tập cho phù hợp.

Đặc biệt trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh của các trường, mỗi năm các trường đại học đều có thể điều chỉnh phương thức tuyển sinh, tăng/giảm chỉ tiêu cho ngành học, nếu học sinh không cập nhật thường xuyên thì sẽ bị động, thậm chí bỏ lỡ cơ hội tốt.

Vì vậy, ngay từ lớp 10, phụ huynh và học sinh nên tạo thói quen theo dõi các kênh chính thống của các trường đại học mà mình quan tâm, cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để có thông tin chính xác và chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn xét tuyển sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/vo-mong-mon-lua-chon-tu-lop-10-loi-canh-tinh-cho-phu-huynh-va-hoc-sinh-20250710073331058.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm