"Nhà" của trâu, bò
Với đặc thù nhiều địa bàn dân cư vùng sâu, xa, bà con đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều, thói quen canh tác sản xuất bao đời là chăn thả các loại gia súc, gia cầm gần nơi ăn ở sinh hoạt của gia đình.... Điều này khiến các xã, thôn mất mỹ quan, môi trường sống bị ô nhiễm, phát sinh những côn trùng gây hại và mầm bệnh, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Những hình ảnh từng một thời không xa lạ ở các thôn, bản vùng sâu, xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiều chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm ngay sát nơi ở, sát nơi nấu ăn; bãi chăn thả gia súc, gia cầm nằm giữa thôn; dọc các tuyến đường thôn, xóm đều là chất thải của vật nuôi; cả thôn xóm đều có mùi xú uế, có rất nhiều ruồi muỗi… Quá trình xây dựng NTM gắn với các tiêu chí cải thiện môi trường, nhiều chương trình hành động về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, về xoá tập tục lạc hậu, nâng cao nhận thức của người dân được các cấp chính quyền, các đoàn thể và chính người dân vào cuộc, đã góp phần giải quyết điểm nghẽn nói trên trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để đến hôm nay, những nơi được gọi là “điểm nóng” về môi trường trong hoạt động chăn nuôi đã đổi thay, không chỉ ra khỏi danh sách “điểm nóng” mà còn thay vào đó là hình ảnh những vùng quê sạch đẹp, đường rộng, hoa, cây cảnh khoe sắc màu.
Khu vực chuồng trại gia súc tập trung của thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng. Ảnh Thanh Hoa
Thôn Khe O chỉ có khoảng 60 nóc nhà, thế nhưng nhà nào cũng nuôi trâu, bò, lợn, gà sát nhà, là thôn chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhất xã Lục Hồn, ví thế Khe O đã từng là điểm nóng về môi trường, nhưng giờ đây đã khác.
Với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền và đoàn thể địa phương, người dân thôn Khe O đã dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường, trong đó việc xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung, xa không gian sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi ngày càng đi vào ý thức và nếp sống. Hiện nay khu chuồng trại tập trung chăn nuôi trâu, bò của Khe O hiện nay đảm bảo tiêu chí môi trường, với thiết kế 2 dãy ô chuồng riêng biệt, sức chứa dành cho khoảng 100 con trâu bò, có mái che, thoáng khí, liên thông với nơi chứa, ủ phân thải… Vị trí của khu này nằm ở phía sau của quả đồi, cách xa khu dân cư tập trung nên Khe O đã không bị ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi như trước đây nữa.
Thôn Nà Cà của xã Tiên Yên với lợi thế về những quả đồi thấp cách xa khu dân cư, người dân đã tận dụng lợi thế này để xây dựng các trang trại chăn nuôi gà với quy mô lớn theo hình thức nuôi thả trên đồi rừng. Hiện toàn thôn Nà Cà gần như hộ nào cũng chăn nuôi gà, trong đó có 37 hộ dân chăn nuôi gà Tiên Yên với số lượng trên 5.000 con/hộ/năm. 6 tháng đầu năm 2025, tổng đàn gà của thôn là 70 vạn con.
Trong một không gian rộng lớn, gian tách biệt, xa dân cư, đàn gà ở Nà Cà có thể tự do chạy nhảy, kiếm thức ăn tự nhiên khiến đàn gà khoẻ mạnh, tỷ lệ sống rất cao, đồng thời chất lượng gà ngon, khác biệt, được đánh giá cao so với nhiều loại gà trên thị trường. Theo tính toán của các chủ hộ nuôi gà ở Nà Cà, tỷ lệ lợi nhuận đạt trung bình 50 triệu đồng/1.000 con, càng nuôi với số lượng lớn, tỷ lệ lợi nhuận càng cao, do tiết kiệm được chi phí chuồng trại và công lao động, chăm sóc.
Người dân thôn Nà Cà, xã Tiên Yên chăn nuôi gà tập trung.
Từ điển hình Khe O, Nà Cà, loạt các xã, thôn vùng sâu, xa khu vực miền Đông của tỉnh đều triển khai xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, các mô hình chuồng trại chăn nuôi với thiết kế phù hợp, đảm bảo sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm cũng như thuận lợi xử lý nguồn thải, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Điển hình như thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ xây dựng chuồng trại gia súc tập trung cho trên 120 con trâu sinh sống. Các thôn Đồi Chè, Thanh Hải và Hà Dong Bắc của xã Hải Lạng, thôn Tiền Hải của xã Điền Xá… đều có địa điểm xây dựng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu dân cư, khu vực chăn thả gần đồng ruộng. Riêng khu chăn nuôi của xã Điền Xá còn được lắp hệ thống đèn chiếu sáng, tới đây sẽ lắp đặt camera…
Tiếp tục những giải pháp căn cơ để phát triển đàn gia súc gia cầm
Những khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, những chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh ngoài giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, còn bảo vệ an toàn và thúc đẩy sự phát triển cho đàn gia súc, gia cầm, tránh được những nguy cơ gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc phát triển chậm do bị ảnh hưởng bởi sự tác động của dịch bệnh, môi trường, thời tiết, nhất là trong mùa cao điểm nắng gắt và mùa đông lạnh giá ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của Quảng Ninh.
Theo thống kê của tỉnh, đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh những năm qua ổn định ở mức trên 60.000 con trâu, hơn 300.000 con lợn, hơn 4 triệu con gia cầm. Chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi số gia súc, gia cầm này ước tính 650 tấn/ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu gia súc. Qua khảo sát cho thấy tỷ lệ chất thải gia súc gia cầm được thu gom, xử lý ngày càng được cải thiện, đến thời điểm hiện nay chiếm khoảng gần 80%, trong đó chất thải xử lý bằng sử dụng công trình khí sinh học (biogas) với trên 9.000 hầm.
Tuy nhiên vẫn ghi nhận tình trạng một số hộ cơ sở chăn nuôi tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh mà thải trực tiếp ra môi trường, hoặc là có sử dụng hệ thống xử lý chất thải nhưng lại vượt quá quy mô công suất, gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, không khí và sức khỏe đối với người dân xung quanh. Điều này cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng chuồng trại hợp chuẩn, chuyển đổi mô hình và phương thức trong chăn nuôi.
Thực tế, kể từ đầu năm đến nay, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp dân bàn về công tác bảo vệ môi trường; cử cán bộ đến từng hộ, từng người dân để trao đổi, giải thích cho người dân hiểu về chăn nuôi an toàn; triển khai những mô hình về thu gom chất thải, rác thải để hoai ủ tạo mùn chăm sóc cây trồng… đặc biệt tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ kinh phí cho người dân di chuyển, xây dựng chuồng trại ra xa công trình nhà ở, xây dựng khu chuồng trại tập trung dành cho đàn gia súc lớn…
Từ những giải pháp tổng lực này đã góp phần chuyển đổi tư duy, nhận thức của người dân trong định hướng chăn nuôi tập trung, hiện đại, công nghệ cao.
Đoàn công tác Bộ NN&MT kiểm tra hoạt động chăn nuôi tại trang trại gà Tân An, phường Hà An tháng 5/2025.
Cùng với những hành lang pháp lý rõ ràng, công tác chăn nuôi hợp vệ sinh, trong đó có việc xây dựng chuồng trại cho đàn gia súc, gia cầm đã trở thành quy phạm pháp luật. Cụ thể tháng 9/2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030; tháng 3/2023 UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 572/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU...
Theo đó, tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các ngành, đoàn thể thường xuyên vận động, hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nhà chứa ủ phân gia súc, gia cầm hợp vệ sinh. Điều này đã tạo chuyển biến đột phá về nhận thức, nếp sống hợp vệ sinh trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã có kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế chăn nuôi trang trại thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ; rà soát khu vực thuộc diện không được phép chăn nuôi; đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Riêng về xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, một trong những tiêu chí căn bản nhất là xây dựng chuồng trại cho gia súc, gia cầm hợp chuẩn. Trong đó mục tiêu của tỉnh hết năm 2025 có ít nhất 5 vùng cấp xã được công nhận an toàn về các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, Newcastle và 5 vùng được công nhận an toàn về bệnh dại. Giai đoạn 2026-2030 toàn tỉnh phấn đấu xây dựng và được công nhận 10 vùng chăn nuôi an toàn về dịch bệnh...
Từ thực tiễn cho thấy, cùng với các biện pháp trên, về lâu về dài, việc hạn chế chăn nuôi nông hộ là cần thiết và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hóa, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý thải chăn nuôi, qua đó bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi…
Việt Hoa
Nguồn: https://baoquangninh.vn/xay-dung-chuong-trai-hop-ve-sinh-tai-cac-dia-ban-vung-sau-vung-xa-3365596.html
Bình luận (0)