Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xét tuyển ĐH 2025: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành

Nhiều điểm mới về xét tuyển ĐH 2025 như thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành, Bộ GD-ĐT nêu yêu cầu với trường ĐH về xây dựng phương thức và tổ hợp xét tuyển…

Báo Thanh niênBáo Thanh niên20/05/2025

Hôm qua 19.5, Bộ GD-ĐT ban hành Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ 2025 với nhiều điểm mới về kỹ thuật xét tuyển. Đáng chú ý là các quy định về phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.

 - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG ĐẶT RA CÁC YÊU CẦU GÂY PHIỀN HÀ CHO THÍ SINH

Theo Bộ GD-ĐT, trong công tác xét tuyển ĐH 2025, Bộ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo (sau đây gọi chung là các trường ĐH) trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung về: thông tin tuyển sinh, nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh (TS), điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, V-SAT (nếu có), điểm kết quả học tập cấp THPT (đối với các TS đang học lớp 12 năm 2025), các minh chứng về ưu tiên và phần mềm xét…

Bộ GD-ĐT lưu ý, hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển không xét tuyển thay cho các trường ĐH mà chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những TS đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường ĐH khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường ĐH gửi lên hệ thống. Hệ thống không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường ĐH đã xác định.

Các trường ĐH sẽ nhận được đầy đủ thông tin ưu tiên của TS sau khi TS đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Các trường ĐH tổ chức xét tuyển không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho TS trái với quy định của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định về danh sách trúng tuyển. Danh sách TS trúng tuyển chính thức vào trường ĐH là danh sách được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường ĐH (trên cơ sở danh sách TS dự kiến trúng tuyển do trường ĐH tải lên hệ thống) sau khi xử lý nguyện vọng lần cuối cùng vào ngày 20.8. Các trường ĐH tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Các trường ĐH sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp, phương thức, chứng chỉ ngoại ngữ cho một ngành hoặc nhóm ngành để xét tuyển (sau đây gọi chung là ngành) thì phải xác định và công bố công khai quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

TS chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Vì vậy, các trường ĐH có sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp để xét tuyển thì phần mềm phải xét tuyển tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho TS (nếu TS đáp ứng các quy định) theo đúng thông tin tuyển sinh đã công bố.

Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, trường ĐH được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%. Việc quy đổi phải bảo đảm các mức độ năng lực ngoại ngữ khác nhau có mức điểm quy đổi khác nhau.

Xét tuyển ĐH 2025: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành - Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục dự thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025

ảnh: Đào Ngọc Thạch


YÊU CẦU VỀ MÔN CỐT LÕI TRONG TỔ HỢP XÉT TUYỂN

Nội dung mới được bổ sung so với dự thảo hướng dẫn là Bộ GD-ĐT đặt ra yêu cầu đối với các trường ĐH trong việc xây dựng phương thức xét tuyển (tổ hợp, bài thi độc lập). Theo đó, các tổ hợp môn hoặc bài thi đánh giá độc lập dùng để xét tuyển phải được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và đảm bảo lựa chọn được TS có kiến thức nền tảng cùng năng lực cốt lõi phù hợp với chương trình đào tạo, trong đó cần đáp ứng một số yêu cầu.

Cụ thể, trường hợp chương trình đào tạo ĐH, CĐ yêu cầu kiến thức nền tảng ở một môn học nhất định, thì trường ĐH cần phải quy định ngưỡng đầu vào đối với môn học đó để bảo đảm TS đã được học môn học đó ở THPT. Ví dụ, chương trình đào tạo ngành y khoa có yêu cầu kiến thức nền tảng là môn sinh học thì cần quy định điều kiện về điểm môn sinh học ở THPT hoặc thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH phải quy định tỷ lệ điểm tối thiểu của phần nội dung cốt lõi (liên quan đến ngành học) mà TS cần đạt trong tổng điểm bài thi. Ví dụ, khi xét tuyển ngành toán học bằng bài thi đánh giá độc lập, trường ĐH cần quy định rõ tỷ lệ điểm phần toán học trong bài thi.

Bộ GD-ĐT cũng cho phép có trường hợp ngoại lệ, như không bắt áp dụng các yêu cầu trên cho các ngành đào tạo ngôn ngữ mà người học bắt đầu từ trình độ cơ bản (ví dụ học ngôn ngữ Pháp từ đầu). Hoặc các ngành như sư phạm công nghệ hay sư phạm tin học cũng có thể có những điều chỉnh phù hợp.

Mức điểm cộng, điểm ưu tiên

Với điểm thưởng cho TS mà các trường căn cứ vào thành tích trong hồ sơ xét tuyển, Bộ GD-ĐT yêu cầu điểm cộng tối đa 10% theo thang điểm xét và được cộng trước khi cộng điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng).

Các trường phải thực hiện thống nhất, đồng bộ mức điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng) theo đúng quy định tại quy chế tuyển sinh do Bộ GD-ĐT ban hành. Trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30, trường ĐH phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30 theo quy chế tuyển sinh. Trường ĐH quy định các tiêu chí phụ đối với TS có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn điểm tối đa, bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm cộng (nếu có).

Nguồn: https://thanhnien.vn/xet-tuyen-dh-2025-thi-sinh-chi-can-dang-ky-xet-tuyen-theo-nganh-185250519230328955.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm