80% nhà đầu tư chưa sử dụng dịch vụ quản lý tài sản số
Sáng ngày 8/7 tại TPHCM, Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (Mã chứng khoán: TVS) tổ chức hội nghị nhà đầu tư năm 2025.
Tại sự kiện, ông Bùi Thành Trung - Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) - chia sẻ kết quả từ báo cáo khảo sát năm 2025 do Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt thực hiện với 579 nhà đầu tư tham gia tại 5 thành phố lớn tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy bức tranh rõ nét về hành vi và xu hướng quản lý tài sản cá nhân của người Việt.

Ông Bùi Thành Trung (Ảnh: BTC).
Theo ông Trung, tỷ lệ phân bổ tài sản vào cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam còn khá thấp so với nhiều thị trường phát triển. Cụ thể, tỷ lệ này tại Mỹ và Singapore thường vượt 30%, tại Trung Quốc là khoảng 25%, trong khi ở Việt Nam và Thái Lan chỉ quanh mức 17%.
Người Việt vẫn ưu tiên các kênh truyền thống, nổi bật là bất động sản, chiếm 31% danh mục tài sản và vàng khoảng 14%. Điều này phản ánh tâm lý ưa chuộng tài sản hữu hình, những thứ “có thể nhìn và cầm nắm được” như nhà đất, vàng, đồng hồ, tranh, rượu vang hay đồ cổ.
Tuy nhiên, ông Trung nhận định khi thu nhập của người dân tăng lên, xu hướng đầu tư cũng sẽ dịch chuyển theo hướng hiện đại hơn, đặc biệt là tăng tỷ trọng đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ - tương tự xu hướng tại các nước phát triển.
Trong 5 năm gần đây, 3 kênh đầu tư chính vẫn là bất động sản, vàng và cổ phiếu. Một số nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm đến tài sản thay thế như sưu tầm, nhưng tỷ trọng còn nhỏ. Xu hướng đó được kỳ vọng sẽ tăng nhanh nhờ cải thiện về thu nhập và nhận thức tài chính.
Về kỳ vọng lợi nhuận, hơn 80% nhà đầu tư tham gia khảo sát mong muốn đạt mức sinh lời từ 7% trở lên mỗi năm. Trong đó, 41% kỳ vọng lợi nhuận từ 7 đến 15%, còn 42% đặt mục tiêu từ 15 đến 30%.
Dù kỳ vọng cao, nhưng 77% người tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc xác định kênh đầu tư phù hợp cũng như lập kế hoạch tài chính dài hạn. Từ đó, ông Trung xác định 2 nhu cầu nổi bật của nhà đầu tư hiện nay. Một là được tư vấn tài chính bài bản, hai là được tiếp cận các kênh đầu tư mới ngoài những lựa chọn truyền thống.
Tuy vậy, việc tiếp cận các kênh đầu tư mới còn gặp nhiều rào cản. Không ít nhà đầu tư thiếu thông tin, lo ngại về rủi ro pháp lý, chưa tin tưởng vào hiệu quả thực tế hoặc không rõ thủ tục đầu tư.
Chỉ khoảng 16% nhà đầu tư biết đến quản lý tài sản cá nhân đã từng hoặc đang sử dụng các nền tảng đầu tư số. Phần lớn trở ngại của các nhà đầu tư đến từ nhiều lý do như muốn tự đầu tư, lo sợ rò rỉ thông tin cá nhân, chưa thấy sự minh bạch về chi phí hoặc cảm thấy các sản phẩm số chưa thực sự phù hợp với nhu cầu.
Đặc biệt, nhiều người vẫn muốn có sự đồng hành của chuyên gia tư vấn thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng công nghệ hay trí tuệ nhân tạo trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Anh Viễn Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Ưu tiên, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - nhận định danh mục đầu tư của nhà đầu tư Việt vẫn còn tập trung vào các kênh truyền thống, ít đa dạng hơn so với các nước phát triển.
Tại Việt Nam, vàng chiếm 15-20% danh mục đầu tư, chủ yếu là vàng vật chất. Trong khi đó, tại Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc), tỷ lệ này gần như bằng 0 và nếu có thì là vàng “trên giấy”.
Kênh đầu tư bất động sản cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 50%, trong khi tại các thị trường phát triển như Singapore, Hong Kong chỉ dao động 20-30%. Ngược lại, tỷ trọng đầu tư chứng khoán tại Việt Nam còn dưới 15%, trong khi tại các thị trường mở như Singapore, Hong Kong đạt 30-60%.
Theo bà Phương, nguyên nhân một phần là kiến thức tài chính của người Việt còn khiêm tốn - chỉ khoảng dưới 25% dân số có hiểu biết tài chính cơ bản, so với 60-70% ở các nước phát triển. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng kinh tế hiện tại, bà Phương tin rằng Việt Nam sẽ dần thu hẹp khoảng cách này.
Gen X và gen Z quản lý tài chính khác nhau ra sao?
Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB - cho rằng, trong thế giới phẳng ngày nay, sự khác biệt tài chính giữa các thế hệ đang thu hẹp dần. Gen X (sinh từ 1965–1980) và gen Z (1997–2012) không hoàn toàn đối lập về hành vi tài chính như nhiều người nghĩ.
Ông Phát nhận thấy cả hai thế hệ có điểm chung, song vẫn tồn tại khác biệt rõ rệt. Gen X thường chọn đầu tư an toàn như bất động sản, cổ phiếu dài hạn và có xu hướng vay vốn phục vụ mục tiêu lớn. Ngược lại, gen Z linh hoạt hơn, ưa trải nghiệm các công cụ tài chính mới và thường hành động nhanh khi có cơ hội đầu tư.
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Quang Thuận - Phó tổng giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ Tài chính MoMo - cho biết, gen Z có cách tiếp cận tài chính hoàn toàn mới. Họ sẵn sàng gửi tiết kiệm online chỉ với 1 triệu đồng, điều mà thế hệ trước ít làm.
Với gen Z, việc quản lý tài chính không chỉ vì hiệu quả mà còn mang yếu tố trải nghiệm, giống như “chơi mà học”. Những hành vi như theo dõi chi tiêu hằng ngày, tối ưu dòng tiền, hay tự động trích tiền vào ví tiết kiệm online đang ngày càng phổ biến.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/77-nha-dau-tu-gap-kho-khan-khi-tu-quan-danh-muc-tai-san-20250708162035003.htm
Bình luận (0)