Phần mộ gió của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc cũ - Ảnh: N.M
Niềm khắc khoải khôn nguôi
Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Bắc Gianh, nơi thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Hội (SN 1949) sinh ra, lớn lên và sống những ngày tháng êm đềm cùng gia đình, những kỷ niệm xưa lại ùa về. Dù đã bước sang tuổi 92, sức khỏe suy giảm và trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng ký ức về người em trai yêu quý vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông Nguyễn Tiến Minh. Ông vẫn nhớ như in buổi chiều tiễn em lên đường ra trận...
“Em tôi nhập ngũ vào tháng 1/1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt. Sau 3 năm làm thầy giáo, em tình nguyện lên đường ra trận. Hoàn thành khóa huấn luyện tại Hà Tĩnh, trước ngày vào Nam, em tranh thủ về quê thăm và từ biệt gia đình. Tôi là anh cả trong nhà, hôm tiễn em lên đường, chính tôi đưa em đến đơn vị. Hai anh em trò chuyện rất nhiều, tôi luôn động viên em giữ gìn sức khỏe, vững vàng chiến đấu...”.
Trong đội hình Cục Hậu cần Miền B2, làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho bộ đội chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ và nước bạn Campuchia, thầy giáo trẻ trong vai trò người lính không quản ngại gian khổ, hi sinh, dâng hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Mùa hè năm 1972, anh ngã xuống tại chiến trường miền Nam, khi vừa tròn 23 tuổi. “Gia đình nhận được giấy báo tử ghi ngày hi sinh là 25/5/1972, kèm theo một chiếc ba lô với vài vật dụng cá nhân. Chiếc bi đông của em, đến giờ nhà tôi vẫn giữ mãi”, ông Minh nghẹn ngào, không kìm được dòng nước mắt.
Đau đáu nhớ thương người đã khuất, suốt nửa thế kỷ qua, gia đình đã lặn lội tìm mộ chí của anh ở khắp các nghĩa trang. Khi cha mẹ lần lượt qua đời, những người anh em và các cháu lại tiếp nối hành trình tìm kiếm không mỏi mệt, với khát vọng lớn nhất là được một lần thắp nén hương lên phần mộ mang tên anh. Họ đã đặt chân đến nhiều vùng đất, từ Nha Trang, Gia Lai đến Củ Chi, Quảng Trị... Mỗi nơi đến là một niềm hy vọng được nhen lên rồi lại vụt tắt. Nhưng chưa bao giờ họ nguôi tìm kiếm.
Hành trình trở về của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội muộn hơn nửa thế kỷ, nhưng đó là hành trình được tiếp nối bởi tình thân, ký ức và khát vọng không nguôi của gia đình; bởi sự tận tụy, trách nhiệm của các lực lượng chức năng. Nhờ thành tựu khoa học và chủ trương nhân văn của Bộ Công an, anh đã được tìm thấy và chuẩn bị trở về đất mẹ, trong vòng tay những người thân yêu, như một lời tri ân giữa tháng 7 thiêng liêng. Sự trở về ấy không chỉ khép lại niềm mong mỏi của một gia đình, mà còn mở ra niềm hi vọng cho hàng nghìn thân nhân liệt sĩ đang khắc khoải tìm kiếm, đợi chờ. |
Hội ngộ sau nửa thế kỷ
Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh, tháng 6/2025, thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội được Công an tỉnh Quảng Bình (cũ) phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Công ty CP GeneStory thu nhận mẫu ADN, làm cơ sở xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Và thật may mắn, liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội là trường hợp đầu tiên được xác định danh tính thành công nhờ công nghệ giám định ADN. Vậy là khát vọng đoàn tụ thiêng liêng suốt nửa thế kỷ của gia đình nay đã trở thành hiện thực. Trước đó, phần mộ của anh nằm tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai cũ), trong số hơn 1.400 ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên.
Ngay sau khi nhận được thông tin, gia đình đã có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ. Tại nơi anh yên nghỉ suốt hơn nửa thế kỷ, họ nghẹn ngào ghi tên anh lên tấm bia mộ vô danh và thì thầm lời hẹn đón anh trở về quê hương, lời hẹn muộn màng nhưng thiêng liêng giữa niềm hy vọng chưa bao giờ tắt.
Ông Nguyễn Tiến Minh và các con bên kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội - Ảnh: N.M
Lời tri ân tháng 7
Trên hành trình tìm kiếm không mỏi mệt và cái kết có hậu ấy, gia đình liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể và cá nhân. Đặc biệt, vai trò của Bộ Công an có ý nghĩa then chốt, khi triển khai chương trình thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, mở ra cơ hội xác định danh tính cho hàng nghìn phần mộ chưa biết tên, trong đó, liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội là trường hợp đầu tiên của tỉnh Quảng Trị mới được xác nhận.
Thiếu tá Võ Thanh Tuệ, Công an phường Bắc Gianh, chia sẻ: Thấu hiểu nỗi khát khao và mong mỏi của gia đình, xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Công an địa phương đã phối hợp chặt chẽ với thân nhân liệt sĩ và các cơ quan, đơn vị để rà soát, thu nhận mẫu ADN. Niềm hạnh phúc của gia đình cũng là động lực để lực lượng công an tiếp tục đồng hành trong hành trình tri ân và đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với quê hương, với người thân.
Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp triển khai chương trình giám định ADN trên toàn quốc, bước đầu xác định được danh tính cho nhiều liệt sĩ, góp phần hàn gắn ký ức chiến tranh và thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Còn ông Nguyễn Tiến Minh xúc động: Vậy là sau hơn 50 năm mỏi mòn tìm kiếm, cuối cùng em tôi cũng đã có tên trên bia mộ. Gia đình tôi biết ơn vô cùng trước sự giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Công an đã kiên trì đồng hành, thu nhận mẫu ADN, kết nối thông tin để chúng tôi có được ngày hôm nay”.
Ông Minh cũng cho biết, người thân của gia đình, trong đó có em gái ông là bà Nguyễn Thị Lan (SN 1960), người đã được lấy mẫu ADN và cho kết quả trùng khớp, giúp xác định hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội, hiện đang có mặt tại Thủ đô Hà Nội để tham dự buổi gặp mặt do Bộ Công an tổ chức với sự tham gia của thân nhân các liệt sĩ được xác định danh tính nhờ giám định ADN.
Ngọc Mai
Nguồn: https://baoquangtri.vn/adn-va-hanh-trinh-ve-dat-me-196235.htm
Bình luận (0)