Ấn Độ sẵn sàng đối đầu Pakistan trong xung đột trên bộ
Bài viết phân tích khả năng và hậu quả nếu chiến tranh trên bộ giữa Ấn Độ và Pakistan xảy ra, ảnh hưởng đến khu vực.
Báo Khoa học và Đời sống•14/05/2025
Sau vụ khủng bố đẫm máu ở thành phố Pahalgam khiến hơn 20 người thiệt mạng, Ấn Độ lập tức đáp trả bằng các cuộc không kích nhắm vào lãnh thổ Pakistan.
Đáp lại, Islamabad tuyên bố đã bắn rơi 5 tiêm kích và một UAV của Ấn Độ. Dù chưa có xác nhận độc lập, báo cáo cho thấy New Delhi đã mất ít nhất một chiếc Rafale – dòng máy bay chiến đấu chủ lực hiện đại.
Nếu xung đột trên không không mang lại ưu thế cho Ấn Độ, kịch bản chiến tranh trên bộ hoàn toàn có thể xảy ra, bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế từ Mỹ, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Và nếu điều đó xảy ra, xe tăng sẽ đóng vai trò quyết định.
Ít ai biết rằng Ấn Độ sở hữu một trong những lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới, với khoảng 3.700 xe tăng chủ lực. Trong đó có khoảng 125 chiếc Arjun – dòng xe tăng thế hệ 3 do Ấn Độ tự thiết kế với pháo chính 120mm, giáp phản ứng nổ và giáp tổng hợp.
1.200 chiếc T-90S/MS Bhishma – phiên bản nâng cấp từ xe tăng T-90 Nga; 2.400 chiếc T-72 Ajeya – dòng tăng huyền thoại của Liên Xô, được Ấn Độ nâng cấp phù hợp với điều kiện chiến trường Nam Á.
Dù không phải toàn bộ đều hiện đại, nhưng số lượng này đủ để tạo nên ưu thế áp đảo. Giới quan sát cho rằng ngay sau vụ tấn công ở Pahalgam, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã bắt đầu chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị thiết giáp.
Tuy phần lớn dựa trên thiết kế Nga, các xe tăng T-90 và T-72 của Ấn Độ đã được nội địa hóa đáng kể, từ hệ thống điều khiển hỏa lực cho tới giáp bảo vệ. Điều này giúp chúng thích nghi tốt hơn với điều kiện tác chiến ở Kashmir – vùng địa hình hiểm trở và thường xuyên xảy ra đụng độ.
Không dừng lại ở đó, Ấn Độ đang phát triển xe tăng hạng nhẹ Zorawar – loại thiết kế riêng cho các khu vực đồi núi và cao nguyên, như vùng biên giới Trung-Ấn và Kashmir. Dự kiến, Zorawar sẽ được triển khai vào năm 2027.
Chiến trường Ukraine cho thấy dù bị tấn công bởi UAV hay tên lửa chống tăng hiện đại, xe tăng vẫn là xương sống trong các chiến dịch phòng thủ và tấn công. Và nếu chiến tranh bùng nổ giữa Ấn Độ và Pakistan, thì những “quái thú bọc thép” sẽ không đứng ngoài cuộc.
Trong khi Pakistan sở hữu lực lượng thiết giáp nhỏ hơn và phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ nước ngoài, Ấn Độ lại có cả số lượng, công nghệ và năng lực sản xuất trong nước.
Giới chuyên gia nhận định, nếu xung đột chuyển sang mặt đất, lợi thế sẽ nghiêng hẳn về New Delhi. (Nguồn ảnh: Wikipedia, Global Look Press, AKHTER GULFAM)
Bình luận (0)