Các nhà kinh tế học vừa đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về việc các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và bão có thể kéo giảm 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) vào năm 2030.
Cảnh báo được công bố trên blog của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tiềm tàng mà là "mối nguy hiểm sắp xảy ra."
Theo kịch bản nghiêm trọng, 20 quốc gia thành viên Eurozone sẽ chịu thiệt hại kinh tế đáng kể, không chỉ do các hiểm họa thiên nhiên trong nước mà còn từ những thảm họa ở bên ngoài, yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của khu vực.

Bài đăng trên blog của ECB nhận định cú sốc này có thể gây ra một "cuộc suy thoái có quy mô tương tự như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu."
Việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể đẩy lạm phát lên cao và kìm hãm tăng trưởng, trong khi nắng nóng cực đoan và các thảm họa trực tiếp tác động đến người lao động, tài sản và cơ sở hạ tầng.
Con số cảnh báo trên được tính toán dựa trên mô hình của Mạng lưới Xanh hóa Hệ thống Tài chính (NFGS), một liên minh toàn cầu gồm hơn 140 ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính.
Đáng chú ý, kịch bản này không phải là dự báo, mà là một cảnh báo hợp lý về những gì có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới, bao gồm cả những hình thái thời tiết chỉ xảy ra 50 năm một lần.
Theo kịch bản nghiêm trọng nhất có tên "Thảm họa và đình trệ chính sách," châu Âu sẽ đối mặt với liên tiếp các đợt nắng nóng cực đoan, hạn hán và cháy rừng bắt đầu từ năm 2026, cùng với lũ lụt và bão gây thiệt hại nặng nề.
Ngược lại, một lộ trình lạc quan hơn mang tên "Con đường tới Paris," ám chỉ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho thấy châu Âu có thể hấp thụ chi phí chuyển đổi và duy trì tăng trưởng mà không bị ảnh hưởng.
Thực tế cũng đã chứng minh mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi Tây Âu đã trải qua tháng 6 nóng thứ 3 trong 3 năm gần đây./.
Nguồn: https://baolaocai.vn/bien-doi-khi-hau-de-doa-cat-giam-5-gdp-cua-eurozone-post648348.html
Bình luận (0)