Việc sáp nhập được hoàn thành trước ngày 1-8-2025, nhưng từ những ngày qua đã có nhiều chuyên gia về sân khấu biểu diễn, lãnh đạo nhà hát và đại diện cơ quan quản lý văn hóa lên tiếng về việc này. Những bàn luận chủ yếu gợi mở tương lai có thể tốt hơn của cải lương, tuồng, chèo; những gì cần thực hiện để “chèo vẫn là chèo”, “cải lương vẫn là cải lương”..., giữ được cái riêng nhưng hòa hợp trong một chỉnh thể quản lý, hy vọng vào một sự phát triển đột phá của những bộ môn nghệ thuật truyền thống vốn đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình giải trí mới. Ý kiến nêu những giải pháp cần thiết, ngoài vấn đề quản lý, mong muốn Nhà nước tăng cường đầu tư thì còn có xây dựng đội ngũ diễn viên, đi tìm kịch bản tốt, quảng bá về tinh hoa nghệ thuật truyền thống để giới trẻ hiểu và yêu... Nói chung, đó thường là mắc mớ mà từ lâu, vì nhiều nguyên nhân, chúng ta chưa có được giải pháp tối ưu, khả thi.
Nhìn lại thời vàng son, nghĩ tới sự “lạnh nhạt” nhất định của giới trẻ đối với chèo, cải lương, và nhất là tuồng hiện tại, vấn đề lớn nhất của ba bộ môn này chính là sự xa cách về nhiều mặt với khán giả. Phong trào không còn mạnh đến mức “đi gặt về là diễn luôn” như xưa; không còn hừng hực ganh đua giữa những gánh tuồng, chèo, cải lương của thôn làng nên nhân tài khó chọn hơn, lớp khán giả mới hao hụt. Ở phố thị, nơi có những nhà hát cao rộng đẹp đẽ, không phải nơi nào cũng đủ sức thay mới kịch mục thường xuyên, sáng tạo nghệ thuật dân gian đương đại đủ để người trẻ tìm đến...
Sức sáng tạo ở mọi phần việc liên quan, tinh thần đổi mới thay vì rập khuôn nệ cổ, đó là điều cần để hy vọng đưa nghệ thuật truyền thống trở lại. Như hôm trước, khi Phương Mỹ Chi đưa sắc thái tuồng vào một tác phẩm dự thi âm nhạc khá “hot”, có người sau khi xem đã thốt lên rằng “văn hóa Việt không dễ lỗi thời, chỉ cần được kể đúng cách”.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ca-phe-cuoi-tuan-tim-goc-cua-van-de-708944.html
Bình luận (0)