Giáo viên dạy giỏi
Quê ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, vùng đất giàu truyền thống cách mạng và nghệ thuật, cô Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1981) là con thứ tư trong gia đình có bốn anh chị em. Tuổi thơ của cô gắn liền với tiếng đàn, câu vọng cổ mộc mạc qua lời ca của mẹ, bà Ðặng Thị Chiến, một văn công thời kháng chiến. Chính dòng máu nghệ sĩ trong người mẹ đã truyền và ngấm sâu vào tâm hồn cô bé Thảo từ thuở nhỏ.
Năm 1990, gia đình chuyển về Cà Mau lập nghiệp. Tuổi thiếu niên, Thảo theo học ngành sư phạm. Ðến năm 1999, cô bắt đầu về công tác tại Trường Tiểu học xã Hàm Rồng. Hai năm sau, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục học bổ túc văn hoá, rồi theo học đại học từ xa theo chương trình của Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội, và hoàn thành tấm bằng đại học vào năm 2008.
Suốt hơn 20 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Thảo luôn được đồng nghiệp quý mến bởi sự chân thành, giản dị và tấm lòng luôn đau đáu vì học sinh thân yêu. Không chỉ dạy chữ, cô dạy trò bằng tình thương, sự nhẫn nại và cả lòng yêu quê hương, đất nước.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo tận tình hướng dẫn học sinh Lớp 3B trong giờ học tại Trường Tiểu học xã Hàm Rồng, nơi cô đã gắn bó hơn 20 năm với sự nghiệp gieo chữ ở vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Thầy Võ Hoàng Tư, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hàm Rồng, nhận xét: “Cô Thảo là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Không chỉ giỏi chuyên môn, cô còn rất nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp, luôn chủ động trong các hoạt động phong trào của nhà trường. Ngoài giờ lên lớp, cô là người đam mê nghệ thuật sáng tác cải lương”.
Thầm lặng giữ lửa nghệ thuật truyền thống
Có lẽ không nhiều người biết rằng, sau những giờ lên lớp bình dị, cô giáo Thảo còn là một nghệ sĩ sáng tác ca cổ có tiếng tại Cà Mau với bút danh mộc mạc Lý Bông Dừa. Cô giải thích: “Dừa là biểu tượng quê tôi - Bến Tre, còn Lý là thể điệu đặc trưng trong cải lương. Lúc chọn bút danh, tôi nghĩ về quê mình với bài Lý Bông Dừa mượt mà. Thế là cái tên Lý Bông Dừa ra đời từ năm 2018 cho đến bây giờ”.
Ðiều đặc biệt ở cô Thảo là những sáng tác của cô không khởi nguồn từ niềm vui mà từ những trăn trở cá nhân. Cuộc sống vất vả, gia cảnh khó khăn, đường tình duyên lận đận khiến cô nhiều đêm mất ngủ, tìm đến cải lương như một sự giãi bày tâm sự. Những giai điệu buồn da diết đã mở lối cho niềm đam mê viết lời ca. Ban đầu, cô viết 5-7 bài mỗi tháng, rồi tăng dần khi được công chúng và nghệ sĩ mến mộ.
Một trong những bước ngoặt lớn nhất là khi cô được Soạn giả Ðăng Minh, tác giả vở cải lương nổi tiếng "Vụ án Mã Ngưu", phát hiện tài năng. Từ một người viết không chuyên, cô Thảo được chỉ dẫn, uốn nắn để chắp cánh bay xa trong giới sáng tác. Những bài ca cổ của cô dần xuất hiện trên các kênh YouTube, karaoke, đài phát thanh - truyền hình... Ðến nay, cô đã viết hơn 500 bài ca cổ, được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Châu Thanh, Cẩm Tiên, Phượng Hằng, NSND Hoa Phượng, Võ Ngọc Quyền, Hồ Minh Ðương... và rất nhiều nghệ sĩ trẻ Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, biểu diễn.
Không dừng lại ở các bài đơn ca, cô còn viết tuồng cải lương và kịch dài. Ðáng chú ý là vở "Ánh sáng soi đường" (phối hợp cùng NSƯT Tiến Dương), vở "Duyên muộn tình xuân" phát trên Ðài VOH và vở "Chết vì tình" được diễn tại sân khấu kịch Sài Gòn. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc, lồng ghép thông điệp về đạo lý, tình người và lòng yêu nước.
Cô Thảo chia sẻ cùng mẹ những sáng tác mới của mình.
Hiện cô Thảo đang ấp ủ vở cải lương mang tên "Ánh chớp", nói về hành trình tìm lại những nhân vật quay phim trong các trận đánh lịch sử tại Cà Mau, như trên sông Tam Giang hay Lung Lá - Nhà Thể. Ðây là dự án nghệ thuật mang tính sử thi, đang được các ngành chức năng tỉnh Cà Mau quan tâm và hỗ trợ. Ðược biết, vở "Ánh chớp" đã hoàn chỉnh về kịch bản, được lãnh đạo quan tâm; định hướng sắp tới sẽ phát hành vở diễn, một vở diễn nghệ thuật, tư liệu minh chứng cho lịch sử hào hùng của tỉnh nhà.
Không có sân khấu riêng, không sống bằng nghệ thuật, nhưng cô Thảo lại mang trong mình lửa nghề đáng ngưỡng mộ. Mỗi sáng cô đến lớp giảng bài cho các em. Ðều đặn trưa, chiều về lo cơm nước cho mẹ già và con gái. Ðêm xuống, bên ánh đèn, bên bàn làm việc, cô thả hồn theo những lời ca mang hơi thở quê hương.
Cô bộc bạch: “Tôi không học nhạc lý bài bản, cũng không biết chơi đàn. Nhưng từng lời vọng cổ như có sẵn trong máu, cứ chảy ra từ lòng mình”. Cô nói thêm về niềm vui nhỏ bé của mình: “Có người bình luận trên YouTube rằng, nghe bài ca cổ này mà nhớ má, nhớ quê. Chừng đó thôi là tôi đủ ấm lòng”.
Từ năm 2019, cô Thảo trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Năm 2024, cô được kết nạp vào Hội Sân khấu Việt Nam, một bước ngoặt quan trọng ghi nhận sự đóng góp của cô cho nghệ thuật cải lương.
Thành tích của cô không chỉ dừng lại ở số lượng tác phẩm hay tiếng vang trong giới nghệ sĩ, mà còn thể hiện rõ nét qua chất lượng sáng tác. Trong cuộc thi “Chung một cơ đồ” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, hai tác phẩm của cô đều đoạt giải: “Khúc tri âm” đoạt giải A và “Neo dòng lịch sử” đoạt giải B, với nội dung ca ngợi sự kiên cường của người dân Cà Mau thời kháng chiến, sự thuỷ chung trong tình yêu đôi lứa hoà quyện với lý tưởng yêu quê hương.
Cô Nguyễn Thị Thảo vinh dự nhận giải thưởng tại cuộc thi sáng tác “Chung một cơ đồ Việt Nam” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Ảnh: NGỌC LÂM
Dẫu cuộc sống còn nhiều nỗi lo khi hoàn cảnh đơn thân sống cùng mẹ già và chăm lo cho con gái đang tuổi ăn học, cô Thảo vẫn từng ngày miệt mài đứng lớp, bền bỉ giữ tình yêu nghệ thuật bằng trái tim và sức sáng tạo của mình./.
Hoàng Vũ
Nguồn: https://baocamau.vn/can-man-gieo-chu-giu-lua-nghe-thuat-a39229.html
Bình luận (0)