Trước khi xây dựng thế lực chính trị riêng, Elon Musk từng đe dọa sẽ tài trợ cho các ứng viên đối lập trong nội bộ Đảng Cộng hòa nhằm chống lại những dân biểu ủng hộ dự luật ngân sách của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra rằng tiền bạc không dễ dàng đánh bại lòng trung thành chính trị.
Mặc dù có tiềm lực tài chính lớn, Elon Musk đã không thể ngăn làn sóng ủng hộ Tổng thống Trump trong Quốc hội. Không chỉ các dân biểu mà cả thượng nghị sĩ và thành viên nội các cũng đồng loạt đứng về phía Tổng thống. Thậm chí, nhiều người từng giữ thái độ dè chừng với Elon Musk bắt đầu công khai chỉ trích ông. Họ hiểu rằng, ngay cả trong nền chính trị Mỹ, ảnh hưởng của tiền bạc vẫn có giới hạn – trong khi ý thức hệ và lòng trung thành chính trị lại có sức gắn kết sâu sắc hơn nhiều.
Lịch sử chính trị Mỹ nhiều lần chứng minh tiền bạc không bảo đảm chiến thắng. Năm 2020, cựu Tổng thống Joe Biden, mặc dù gặp khó khăn trong gây quỹ so với các tỷ phú Michael Bloomberg, Tom Steyer và cả Bernie Sanders, Elizabeth Warren, vẫn giành được đề cử của Đảng Dân chủ. Tương tự, trong bầu cử sơ bộ Cộng hòa năm 2024, Thống đốc Ron DeSantis dù gây quỹ mạnh mẽ cũng không thể vượt qua vị thế vững chắc của Donald Trump, người giữ được sự trung thành của khoảng 35-40% cử tri cốt lõi trong đảng.
Đảng mới của Elon Musk có thể được xếp vào nhóm “thế lực thứ ba” trong chính trường Mỹ, vốn bao gồm các đảng nhỏ hoặc phong trào cá nhân. Dù vị tỷ phú này không thể tranh cử tổng thống do yếu tố nơi sinh, đảng của ông được thúc đẩy bởi cá nhân và tầm ảnh hưởng riêng, tương tự các mô hình từng tồn tại.
Lịch sử ghi nhận một số nỗ lực “thứ ba” tạo được tiếng vang: Năm 1912, Theodore Roosevelt giành 6 bang với Đảng Tiến bộ, về thứ hai toàn quốc. Năm 1948, Strom Thurmond thắng 4 bang với Đảng Dân chủ Quyền của các Tiểu bang. Năm 1968, George Wallace thắng 5 bang từ Đảng Độc lập...
Gần đây, nhiều đảng nhỏ được thành lập nhưng chưa tạo ra đột phá lớn. Andrew Yang sau hai thất bại - trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống và tranh cử thị trưởng New York - đã lập đảng riêng. Phong trào “No Labels” ra đời năm 2010, thu hút được một số tên tuổi, như Joe Lieberman và Joe Manchin, nhưng không đưa ứng viên tranh cử năm 2024 vì đánh giá cơ hội quá thấp.
Đảng Xanh và Đảng Tự do là hai lực lượng thứ ba có tổ chức ổn định nhất. Đặc biệt, Đảng Tự do đã có mặt trên lá phiếu ở tất cả 50 bang - một thành tích hiếm có. Dù chỉ đạt 3,3% số phiếu bầu năm 2016 và không thắng bang nào, đảng này từng có một hạ nghị sĩ liên bang - Justin Amash. Dù ông đã rời đảng năm 2024, một số nghị sĩ Cộng hòa vẫn công khai ủng hộ chủ nghĩa tự do, cho thấy tiềm năng phát triển của đảng này trong tương lai.
Đặc biệt, Chủ tịch Đảng Tự do đã đề xuất hợp tác với Elon Musk, mở ra cơ hội tận dụng cơ cấu tổ chức sẵn có và nền tảng chính sách tương đồng - bao gồm lập trường phản đối nợ công và giảm vai trò nhà nước trong kinh tế. Tuy nhiên, Elon Musk đã từ chối đề xuất này để theo đuổi con đường riêng.
Giới phân tích cho rằng, bất chấp nhiều nỗ lực từ các bên thứ ba, hệ thống hai đảng vẫn là nền tảng cốt lõi của chính trị Mỹ - không phải theo luật định, mà theo thực tế. Trong môi trường chính trị luôn có mâu thuẫn nội bộ, hệ thống này tạo điều kiện để các cử tri quy tụ quanh một ứng viên có cơ hội thực sự giành chiến thắng, mặc dù phải thỏa hiệp, nhằm đánh bại một đối thủ cũng được hậu thuẫn chặt chẽ từ đảng còn lại.
Chính vì vậy, ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do hay các lực lượng thứ ba ít tiếng tăm hơn cũng thường tìm kiếm cơ hội thông qua một trong hai đảng lớn. Trong khi đó, vai trò phổ biến hơn của các bên thứ ba là “phá đám” trong các cuộc bầu cử sát nút, gián tiếp đem lại chiến thắng cho phe đối lập. Ví dụ: Năm 2000, Ralph Nader (Đảng Xanh) bị xem là người khiến Al Gore mất bang Florida, qua đó trao chiến thắng cho George W. Bush. Năm 2016, Jill Stein (cũng từ Đảng Xanh) giành lượng phiếu không lớn nhưng đủ để ảnh hưởng kết quả tại ba bang công nghiệp then chốt, góp phần làm Hillary Clinton thất cử.
Nhà tỷ phú Elon Musk tuyên bố Đảng “Nước Mỹ” sẽ tập trung vào 8-10 ghế tại Hạ viện và 2-3 ghế tại Thượng viện, với nhóm cử tri mục tiêu là những người Cộng hòa bất mãn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự báo cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2026 cho thấy khả năng Đảng Dân chủ giành lại Hạ viện là khá rõ ràng.
Trong trường hợp đó, vai trò “phá đám” của Elon Musk - người dường như chỉ muốn trực tiếp phản đối Tổng thống Donald Trump - có thể vô tình giúp phe Dân chủ. Nhưng với thực lực hiện tại, Đảng “Nước Mỹ” khó có khả năng giành được bất kỳ ghế nào tại Quốc hội, chứ chưa nói đến việc trở thành lực lượng “cân bằng quyền lực” như mục tiêu mà Elon Musk đặt ra trong bối cảnh Quốc hội chia rẽ sát sao giữa hai đảng.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dang-cua-elon-musk-va-vai-tro-cua-cac-the-luc-thu-ba-trong-lich-su-chinh-tri-my-254277.htm
Bình luận (0)