Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đẩy mạnh công tác phòng, chống sốt rét

Từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu gia tăng trở lại. Trước tình hình trên, ngành Y tế tỉnh đã khẩn trương triển khai các giải pháp, trong đó, tầm soát, cắt đứt nguồn lây, thành lập lại các chốt kiểm soát người đi rừng, vào rẫy để phòng, chống bệnh rốt rét là những giải pháp được đặt lên hàng đầu.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa10/07/2025

Gia tăng số ca mắc

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ tháng 7-2023 đến tháng 7-2024, số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh bùng phát cao với ghi nhận hằng tháng dao động từ 14 đến 50 trường hợp; từ tháng 8-2024 đến tháng 5-2025, số ca mắc giảm dần và giảm sâu tới 91% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sốt rét gia tăng trở lại với 26 ca, tăng gần gấp đôi so với 5 tháng đầu năm (14 ca). Số ca mắc từ đầu năm đến nay tập trung chủ yếu ở các xã: Tây Khánh Vĩnh 20 ca; Nam Khánh Vĩnh 7 ca; Khánh Vĩnh 4 ca; Trung Khánh Vĩnh 3 ca; Bắc Khánh Vĩnh 3 са, còn lại ở xã Cam Hiệp, phường Ninh Hòa và phường Tây Nha Trang.

Bác sĩ Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sốt rét đang điều trị tại trung tâm.
Bác sĩ Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sốt rét đang điều trị tại trung tâm.

Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh là đơn vị tiếp nhận và điều trị cho gần 95% số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh. Điều trị được 3 ngày, các triệu chứng của bệnh đã giảm, anh Cao Xửa (xã Tây Khánh Vĩnh) cho biết, công việc của anh là bảo vệ rừng nên anh cũng nhận thức được mình nằm trong đối tượng có nguy cơ cao mắc sốt rét. Vì thế, khi cơ thể có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau đầu, anh đã tới ngay Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh để khám, xét nghiệm và được xác định mắc sốt rét. Anh Cao Xửa là 1 trong 2 bệnh nhân mắc sốt rét ghi nhận trong tháng 7. Bệnh nhân còn lại điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã ổn định và xuất viện. Bác sĩ Trương Thị Tuyết Mai - Khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh cho biết: “Phần lớn bệnh nhân sốt rét vào điều trị tại trung tâm thường là đối tượng đi rừng, ngủ rẫy hoặc làm nghề chặt và lột vỏ keo. Các ca vào viện đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, có ca khoảng 3 - 4 ngày khỏi bệnh, có ca kéo dài đến 5 ngày”.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước tình hình số ca mắc sốt rét tăng trở lại, mới đây, Sở Y tế đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh, trạm y tế các xã: Nam Khánh Vĩnh, Trung Khánh Vĩnh, Bắc Khánh Vĩnh, Tây Khánh Vĩnh và Khánh Vĩnh về công tác phòng, chống bệnh sốt rét.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh sốt rét như: Giám sát, xét nghiệm phát hiện ca bệnh; điều tra trường hợp bệnh, ổ bệnh; lấy mẫu máu xét nghiệm theo dõi ký sinh trùng sốt rét; phun hóa chất và tẩm hóa chất diệt muỗi đối với màn, võng cho người dân… Theo đó, các đơn vị đã thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm cho 7.130 trường hợp có sốt đến cơ sở y tế khám; tổ chức 17 đợt điều tra, lấy mẫu máu xét nghiệm cho hơn 4.040 người tại các thôn, xã có ổ bệnh, nguy cơ cao; phối hợp với đoàn công tác của Tổ chức CHAI (Tổ chức Y tế toàn cầu cam kết thực hiện sứ mệnh cứu người và giảm gánh nặng bệnh tật ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình) điều tra, tầm soát xét nghiệm cho 350 người tại các điểm nóng sốt rét. Đồng thời, thực hiện tẩm hóa chất 5.220 chiếc màn và cấp phát 500 chiếc màn 1 đỉnh, phân bổ 10.600 chiếc màn và 4.100 bộ võng bọc màn tẩm hóa chất tồn lưu, 500 tuýp kem xua muỗi... để hỗ trợ người dân phòng, chống sốt rét; phun hóa chất tồn lưu cho 855 hộ. Khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở tỉnh Khánh Hòa là có 2 tới 3 chủng ký sinh trùng sốt rét cùng lưu hành, trong khi các địa phương khác chỉ lưu hành 1 chủng.

Đại diện các trạm y tế xã cũng nêu lên những khó khăn hiện nay liên quan đến công tác phòng, chống sốt rét như: Các chốt kiểm soát người đi rừng, vào rẫy để phòng, chống bệnh rốt rét đã ngừng hoạt động; đây là thời điểm hè nên hầu hết con cháu theo cha mẹ, ông bà đi nương, đi rẫy; thuốc prymaquin (thuốc điều trị chống lây lan, chống tái phát) chưa có nguồn thay thế... Do đó, gây khó khăn cho các đơn vị trong công tác khoanh vùng đối tượng có nguy cơ cao; tổ chức các hoạt động giám sát, điều tra dịch tễ, ổ bệnh, tuyên truyền...

Để chủ động phòng, chống sốt rét, bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị: “Các xã xem xét tái lập các chốt kiểm soát người đi vào rừng, rẫy và hỗ trợ lực lượng canh giữ các chốt này; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đến từng người dân theo hướng khi đi rừng, rẫy về có ý thức đến cơ sở y tế để xét nghiệm tầm soát bệnh sốt rét. Đồng thời, các địa phương phải giám sát được các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy. Các cơ sở y tế tăng cường giám sát dịch tễ các xã nguy cơ cao, có véc tơ truyền bệnh sốt rét; mở rộng điều tra, sàng lọc chủ động ca bệnh nghi sốt rét; triển khai quyết liệt các giải pháp để khống chế và giảm số ca mắc…”.

Mục tiêu của tỉnh Khánh Hòa năm 2025 là giảm số ca mắc sốt rét xuống 80 - 90% so với năm 2024, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh phải có 3 năm liên tiếp (2027, 2028, 2029) không ghi nhận có ca mắc. Do đó, cần có sự chung tay quyết liệt hơn nữa từ các cấp, các ngành và người dân trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh.

C.ĐAN

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202507/day-manh-cong-tac-phong-chong-sot-ret-e1415f3/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm