
Trồng mới ít nhất 13.000 ha cây trồng
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tôn Thiện San, mục tiêu đến cuối năm 2025, tiếp tục cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh hàng hóa. Cụ thể, toàn tỉnh gieo trồng tổng diện tích 1.060.829 ha, tương ứng 100% kế hoạch. Trong đó, tập trung các loại cây chủ lực bao gồm 167.004 ha lúa (sản lượng 1 triệu tấn) tại các xã Đồng Kho, Bắc Ruộng, Hàm Thạnh, Nghị Đức, Phan Sơn, Tánh Linh, Hàm Thạnh, Hàm Kiệm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Cát Tiên 2, Di Linh; 30.386 ha rau (sản lượng 1,73 triệu tấn); 3.776 ha hoa (sản lượng 2,3 tỷ cành) thuộc các địa bàn phường Xuân Hương - Đà Lạt, Cam Ly- Đà Lạt, Lang Biang - Đà Lạt; Xuân Trường - Đà Lạt, các xã Quảng Lập, D’ran, Ka Đô, Đức Trọng, Hiệp Thạnh, Tân Hội, Lạc Dương, Đơn Dương.
Riêng cây cà phê, chăm sóc, thu hoạch 322.286 ha (sản lượng 991.086 tấn) trên vùng nông nghiệp các xã Thuận An, Kiến Đức, Đức Lập, Nhân Cơ, Quảng Tín, Trường Xuân, Đắk Song, Đức An, Nâm Nung, Quảng Sơn, Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 2, Bảo Lâm 3, Di Linh, Bảo Thuận, Hòa Ninh, Đinh Trang Thượng. Ngoài ra, phát triển 115.493 ha cây ăn quả các loại, tổng sản lượng 679.574 tấn); cao su 75.349 ha (sản lượng 61.489 tấn).
Theo ông Tôn Thiện San, 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh trồng mới ít nhất 13.000 ha cây trồng các loại, đồng thời rà soát, nghiên cứu và triển khai kế hoạch phát triển các diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đối với các sản phẩm sầu riêng, thanh long, dừa… Ngoài ra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kiểm dịch tại các khu vực sản xuất đã được cấp mã số vùng trồng, mã số xuất khẩu, nhằm hạn chế tối đa tình trạng giả mạo, gian lận gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh, nhất là đối với sản phẩm sầu riêng...

Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi phấn đấu đạt 5,2% trở lên. Theo đó, đàn heo tăng lên 133.000 con (sản lượng 144.351 tấn); trâu 833 con (sản lượng 1.017 tấn); bò 6.638 con (bò sữa 1.130 con; bò thịt 5.498 con), sản lượng sữa 55.200 tấn, thịt hơi 15.200 tấn; gia cầm 15,3 triệu con (sản lượng 15.300 tấn thịt hơi và 332,3 triệu quả trứng).
Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp với các xã, phường rà soát, đề xuất và triển khai hỗ trợ di dời, chuyển đổi ngành nghề đối với trang trại chăn nuôi trong khu vực dân cư; nghiên cứu, phân bổ và sử dụng hợp lý quỹ đất trống để phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp quy mô lớn, hiện đại, hữu cơ, tuần hoàn, an toàn sinh học; chuyển đổi giống gia súc, gia cầm cầm có năng suất, chất lượng cao; sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ địa phương tiêm phòng các bệnh động vật nguy hiểm và tiêu độc khử trùng.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; hỗ trợ chuyển dịch từ khai thác thủy sản gần bờ sang khai thác xa bờ với tàu thuyền hiện đại, trang thiết bị đánh bắt tiên tiến; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài…
Triển khai hiệu quả những giải pháp trọng tâm, trọng điểm trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nêu trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường góp phần quan trọng đạt mục tiêu đến hết năm 2025 công nhận 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 77,7%); 9 xã nông thôn mới nâng cao (tỷ lệ 8,7%); 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (tỷ lệ 2,9%).
Nguồn: https://baolamdong.vn/de-dat-chi-tieu-tang-truong-nganh-nong-nghiep-382711.html
Bình luận (0)