Sức cầu yếu, DN tiếp tục khó
Trong quý II-2025, khó khăn lớn nhất của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý II của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) có 6.071 DN phản hồi đã phản ánh có 51,2% DN gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,1% gặp khó do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 30,8% DN khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng.
DN còn khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng. Trong ảnh: sản phẩm may mặc xuất khẩu của Công ty CP May Meko, TP Cần Thơ.
Các DN nhận định, quý II tốt hơn quý đầu năm 2025, với chỉ số cân bằng chung là 14,4% (có 35,7% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và 21,3% cho biết khó khăn hơn). Trong đó, khu vực DN nhà nước đạt cao nhất, với 14,8%, kế đến là khu vực DN ngoài nhà nước 14,4% và thấp nhất là khu vực FDI với 14,1% (có 35,2% nhận định tốt hơn và 21,1% khó khăn hơn).
Về đơn đặt hàng mới, chỉ số cân bằng quý II so với quý I-2025 là 11,6% (33,2% DN nhận định đơn đặt hàng mới tăng, 21,6% nhận định đơn đặt hàng mới giảm). Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý là 16,6% (37,5% DN nhận định tăng và 20,9% nhận định giảm). Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý II so với quý I là -4,2% (12,7% nhận định tăng, 16,9% cho biết giảm); trong đó khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -0,9% (18,6% tăng, 19,5% giảm), khu vực DN nhà nước -7,4% (12,2% tăng, 19,6% giảm), còn khu vực DN ngoài nhà nước -5,5% (9,9% tăng, 15,4% giảm). Cho thấy rằng, thị trường khó khăn, DN có xu hướng giảm số lao động làm việc.
Theo kết quả khảo sát quý II, có 78,4% DN nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý I (33,2% tăng, 45,2% giữ nguyên); 21,6% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Còn theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ DN nhận định đơn đặt hàng mới quý II so với quý I tăng cao nhất với 42,6%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với tỷ lệ nhận định là 32,3%.
Cũng trong quý II, có 16,9% DN giảm sử dụng lao động, trong đó ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế nhận định lao động giảm nhiều nhất với 25,7%. Dự kiến khối lượng sản xuất quý II, có 20,9% DN đánh giá khối lượng sản xuất giảm, chỉ số này đã lạc quan hơn so với quý I khi có tới 30,7% DN nhận định giảm. Có 79,1% DN đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên, cũng phản ánh dù tổng cầu thị trường biến động, suy giảm nhưng các DN đã rất nỗ lực tìm kiếm đầu ra.
Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, giá cả, chuỗi cung ứng, thuế… nhưng giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp tăng 8,07% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Tuy nhiên để đạt mục tiêu kỳ vọng đề ra năm 2025, DN vẫn cần sự trợ lực thiết thực hơn từ các chính sách hỗ trợ vĩ mô.
Tăng hỗ trợ để DN đạt kỳ vọng sản xuất kinh doanh
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh trong quý II-2025, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các DN ngành chế biến, chế tạo là 74,2%, chỉ số này của quý I là 73,6%. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ là ngành có công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân cao nhất với 81,8%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) có tỷ lệ DN đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân thấp nhất với 68,7%.
Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh quý III so với quý II, các DN nhận định tốt hơn. Chỉ số cân bằng chung là 18,1% (với 37,3% DN nhận định hoạt động tốt hơn và 19,2% dự báo khó khăn hơn. Về đơn đặt hàng mới, chỉ số cân bằng là 16,9% (có 35,1% dự báo tăng và 18,2% dự báo giảm) và 46,7% DN nhận định là giữ nguyên. Các DN dự báo đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III khả quan hơn quý II, với 81,8% dự báo tăng và giữ nguyên, 18,2% dự báo giảm….
Mặc dù DN lạc quan hơn, nhưng việc mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn thận trọng. Có 17,7% dự báo khối lượng sản xuất sẽ giảm so với quý II và 82,3% nhân định tăng, giữ nguyên (37,3% tăng và 45% giữ nguyên). Các DN cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, nhưng trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang phân mảnh, diễn biến phức tạp như hiện nay thì DN cần trợ lực tốt hơn để đạt hiệu quả hơn.
Các DN kiến nghị để tạo điều kiện tốt hơn, các ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay (38,7% DN phản hồi kết quả điều tra kiến nghị). Trong đó, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) có tỷ lệ DN kiến nghị giảm lãi suất cho vay nhiều nhất với 48,6%, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (tỷ lệ lần lượt là 68,2% và 88,9%). Tiếp theo là ngành sản xuất kim loại với 47,4% DN kiến nghị.
Bên cạnh đó, 31,8% DN kiến nghị Nhà nước có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng, tăng 3,5 điểm phần trăm so với quý I-2025. Các doanh nghiệp cho rằng việc giá điện tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh, làm gia tăng gánh nặng cho DN. Có 40,7% DN ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác kiến nghị cần bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng… Có 25,9% DN kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa để tạo thuận lợi hơn cho DN nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2025.
Bài, ảnh: GIA BẢO
Nguồn: https://baocantho.com.vn/dn-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-con-gap-nhieu-kho-khan-a188308.html
Bình luận (0)