
Một hành trình - nhiều trải nghiệm
Trước đây, nhắc đến Lâm Đồng, người ta nghĩ ngay đến Đà Lạt se lạnh, đồi chè Bảo Lộc, rừng thông, thác nước và không gian sinh thái xanh mát. Nhưng giờ đây, Lâm Đồng chính thức có biển, trải dài từ Mũi Né, Hàm Tiến, Kê Gà đến La Gi, Tuy Phong… Không chỉ có cảnh quan biển nguyên sơ và làng chài truyền thống, vùng duyên hải này còn lưu giữ di sản văn hóa Chăm Pa, hệ sinh thái rạn san hô, đồi cát tự nhiên và nguồn hải sản phong phú.
Chỉ cần vài giờ di chuyển, du khách có thể bắt đầu buổi sáng ngắm bình minh ở Mũi Né, thưởng thức hải sản tươi sống tại Phan Thiết, chiều săn mây ở đồi Đa Phú, tối đốt lửa trại giữa rừng thông Tà Nung. Với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, quốc lộ 28, 55 và các trục kết nối liên vùng, việc đi lại giữa các không gian sinh thái trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Lâm Đồng bây giờ không chỉ có biển đẹp, mà còn sở hữu rừng nguyên sinh, hồ tự nhiên, thác nước kỳ vĩ, đồi chè, vườn cà phê, khí hậu mát lạnh và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số…
Chị Lê Minh Trang - du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi từng đi Đà Lạt rất nhiều lần, nhưng khi biết Lâm Đồng giờ có thể kết hợp biển Mũi Né và rừng Tà Đùng trong cùng một chuyến đi, tôi đã thử và thật sự bất ngờ. Sáng tắm biển, chiều săn mây, tối ngủ giữa rừng, không nơi nào mang lại trải nghiệm đa dạng như vậy cả”!
Liên kết thay vì chia tách
Nhiều công ty lữ hành đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các tour kết hợp “biển - núi - rừng”, hướng tới du khách yêu thích khám phá sinh thái và trải nghiệm văn hóa địa phương. Ông Trần Minh Dũng - đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Đà Lạt nhận định: “Lâm Đồng là địa phương hiếm hoi có thể cùng lúc phát triển du lịch biển - rừng - núi. Không nơi nào khác có hệ sinh thái phong phú như vậy. Nếu khai thác tốt, đây có thể là điểm đến chiến lược tầm quốc gia, thậm chí quốc tế”.
Tỉnh Lâm Đồng hiện đang chuyển từ mô hình “địa phương đơn lẻ” sang cách tiếp cận tích hợp, liên kết vùng và chia sẻ lợi thế. Các trung tâm du lịch như Đà Lạt, Phan Thiết, Gia Nghĩa, La Gi, Bảo Lộc không còn là những điểm đến tách biệt, mà đang được thiết kế như trục vệ tinh liên kết, hỗ trợ nhau về lưu trú, dịch vụ, truyền thông và logistics. Để hiện thực hóa chiến lược du lịch toàn vùng, theo các chuyên gia ngành du lịch, Lâm Đồng cần tập trung vào 3 trụ cột. Cụ thể, hạ tầng cần đồng bộ, trong đó ưu tiên kết nối cao tốc, cảng du lịch, sân bay, trục liên vùng biển - núi; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú để xây dựng sản phẩm liên vùng; phát triển du lịch từ chính văn hóa địa phương: làng nghề, lễ hội dân gian, di sản dân tộc thiểu số…
Với tiềm năng tự nhiên đa dạng và vị trí địa lý độc đáo, Lâm Đồng đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - rừng - cao nguyên hàng đầu phía Nam, hướng tới phân khúc khách dài ngày, yêu cầu cao, thân thiện môi trường. Để điều này trở thành hiện thực, cần sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nguồn nhân lực, bảo tồn tài nguyên và quan trọng nhất là cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng.
Khu vực phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng có hơn 300 dự án du lịch còn hiệu lực, tổng diện tích đất trên 5.600 ha; đã có 210 dự án đi vào hoạt động. Hệ thống lưu trú gồm 663 cơ sở, hơn 20.000 phòng; riêng các phường: Mũi Né, Phú Thủy, Tiến Thành có hàng chục khách sạn đạt chuẩn 3 - 5 sao. Có 33 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 13 doanh nghiệp quốc tế. Kết hợp giữa hạ tầng hiện đại và tài nguyên ven biển đặc sắc, khu vực này đang là trung tâm du lịch biển - nghỉ dưỡng chủ lực của Lâm Đồng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/du-lich-bien-doi-moi-cach-tiep-can-tu-vung-dat-moi-382661.html
Bình luận (0)