Tỉnh Đắk Lắk mới có diện tích tự nhiên hơn 18.000 km2, có 102 đơn vị hành chính cấp xã, phường với số dân là hơn 3,3 triệu người.
Ngay sau khi hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên (cũ) thành tỉnh Đắk Lắk mới, cùng với việc ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, vận hành chính quyền địa phương hai cấp..., lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc đi lại, chỗ ở, sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức từ Phú Yên cũ lên công tác tại Trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk mới.
Tỉnh Đắk Lắk mới có diện tích tự nhiên hơn 18.000 km2, có 102 đơn vị hành chính cấp xã, phường với số dân là hơn 3,3 triệu người. Trung tâm hành chính của tỉnh cách trung tâm tỉnh Phú Yên cũ khoảng 200 km. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng cho biết, theo phương án ban đầu, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Phú Yên cũ có nhu cầu nhà ở là 1.664 người, trong đó nhu cầu bố trí nhà ở là 971 người và tự thuê là 693 người.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập tỉnh, một bộ phận của tỉnh Phú Yên cũ vẫn làm việc tại cơ sở 2, cho nên số người đến làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk mới giảm so với ban đầu.
Theo Sở Nội vụ, đến ngày 10/7, tổng số cán bộ, công chức, viên chức từ Phú Yên cũ đến làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk mới là 698 người. Nhằm bảo đảm về chỗ ở, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành cải tạo, sửa chữa các cơ sở nhà ở và huy động thêm ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để bố trí, sắp xếp nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Các cơ sở nhà ở được sửa chữa, cải tạo gồm: Nhà ở công vụ số 39-41 đường Trần Nhật Duật; nhà ở công vụ số 34H đường Thăng Long; Nhà khách Tỉnh ủy; Trường Chính trị tỉnh; Ký túc xá khoa Y, Trường đại học Tây Nguyên; Ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk; Ký túc xá Phân hiệu Trường đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk… Tuy nhiên, do việc cải tạo, sửa chữa phải thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định cho nên dự kiến từ ngày 15/8 đến đầu tháng 9 mới hoàn thành.
Trước mắt, tỉnh đã bố trí cho 229 cán bộ, công chức, trong đó có 96 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vào ở tại Khách sạn Biệt Điện, Nhà khách Công đoàn, Trường Chính trị tỉnh, Nhà điều dưỡng người có công, Ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh… để ổn định nơi ở, bảo đảm công việc. Riêng Ký túc xá khoa Y, Trường đại học Tây Nguyên có 120 phòng, dự kiến sẽ bố trí cho 174 cán bộ, công chức vào ở.
Tuy nhiên, hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển giao về địa phương để thực hiện công tác sửa chữa, chuyển đổi công năng theo quy định. Sau khi có ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh sẽ đẩy nhanh việc cải tạo, sửa chữa và dự kiến hoàn thành, bố trí, sắp xếp chỗ ở trước ngày 30/8.
Đối với Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, ngày 20/6 vừa qua, tỉnh đã bổ sung dự toán chi năm 2025 để sửa chữa, cải tạo Nhà khách Tỉnh ủy làm nhà công vụ. Hiện tại Văn phòng Tỉnh ủy đang thực hiện quy trình sửa chữa; đề xuất chuyển đổi công năng sang nhà ở công vụ, dự kiến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành…
Hiện nay, tuyến đường từ tỉnh Phú Yên cũ về Trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 200 km, chủ yếu theo Quốc lộ 29, nhưng do đường chật hẹp, nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, hiệu suất công tác...
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức khi về Trung tâm hành chính tỉnh làm việc đã chủ động thuê nhà ở, bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu sáp nhập tỉnh. Anh Nguyễn Kiều Hưng công tác tại Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, cùng vợ là chị Triệu Thị Thanh Trinh công tác tại Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phú Yên cũ, ngay sau khi sáp nhập tỉnh, cả gia đình đã chuyển về trung tâm tỉnh Đắk Lắk làm việc và chủ động thuê một căn nhà với giá 7 triệu đồng/tháng để ổn định chỗ ở, tìm trường học cho con và tập trung cho công việc.
Anh Hưng cho biết: “Khi về Đắk Lắk làm việc, tôi được các anh chị, đồng nghiệp từ lãnh đạo đến cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk hỗ trợ nhiệt tình, từ việc tìm nhà, tìm trường học cho con, đến những việc đi chợ, ăn sáng..., bản thân cảm thấy sự đoàn kết, gắn bó thật sự như là người một nhà. Khi chuyển nơi ở, nơi làm việc mới, trong thời gian đầu chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn về nơi ở, chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, vợ chồng tôi đã xác định tư tưởng ở đâu cũng là làm việc và cũng là quê hương, do đó sẽ chi tiêu tiết kiệm để khắc phục những khó khăn trước mắt”.
Tương tự, chị Trịnh Thị Huỳnh Hân, công tác tại Sở Nội vụ Đắk Lắk cho biết, cả hai vợ chồng đều công tác tại các cơ quan của tỉnh Phú Yên cũ, khi chuyển lên tỉnh mới đã đưa con theo, thuê nhà ở gần nơi làm việc, tìm chỗ học cho con, giảm áp lực đi lại, bảo đảm công việc được tốt nhất…
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo, sửa chữa nhà công vụ để sớm sắp xếp, bố trí nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức từ Phú Yên cũ về công tác, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ việc đi lại, thuê nhà ở cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh.
Cụ thể, mức hỗ trợ đi lại là 2 triệu đồng/người/ tháng; hỗ trợ tiền thuê nhà ở là 3 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ ban đầu một lần là 2 triệu đồng/ người, thời gian hỗ trợ là 12 tháng. Ngoài ra, về lâu dài, tỉnh đang tổng hợp nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, nhất là những cán bộ từ tỉnh Phú Yên cũ về làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh mới. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký, dự kiến cuối năm 2025 tỉnh sẽ khởi công khoảng 1.200 căn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Thị Hòa An cho biết, hiện nay, các ngành chức năng tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh công tác sửa chữa, cải tạo nhà công vụ để sắp xếp, bố trí nơi ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Phú Yên cũ về công tác tại Trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk một cách sớm nhất, thuận lợi nhất.
Xác định việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước cho nên hầu hết cán bộ đều có tư tưởng vững vàng và có sự chuẩn bị từ trước, cho nên dù thay đổi địa bàn sinh sống, điều kiện làm việc hay môi trường sống, họ đều giữ vững tâm thế, chủ động thích nghi, sẵn sàng hòa nhập và cống hiến.
Đồng thời, khi lên đây, được lãnh đạo tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị của tỉnh Đắk Lắk chào đón, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ nồng nhiệt cả trong công việc và đời sống, ai cũng thấy ấm lòng, nhanh chóng khắc phục khó khăn, sắp xếp nơi ở, sinh hoạt, bắt nhịp ngay vào công việc, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp.
Nguồn: https://baolamdong.vn/dak-lak-no-luc-bo-tri-nha-o-cong-vu-sau-sap-nhap-382695.html
Bình luận (0)