
18 đại biểu HĐND tỉnh nêu câu hỏi chất vấn
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, cùng với người đứng đầu các Sở: Nông nghiệp và Môi trường, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn, tranh luận thuộc lĩnh vực quản lý.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Công Văn hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các tổ chức, cá nhân, nhất là Sở Công Thương và những giải pháp quan trọng nào cần tập trung để chống tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là tâm lý lo lắng của người dân khi “ăn cái gì cũng sợ, mua cái gì cũng lo”.
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá cho rằng: Trách nhiệm của ngành Công Thương là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 và kiểm soát hàng hoá kinh doanh trên thị trường thuộc lĩnh vực công thương. Ông Hóa khẳng định: Gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái đang trở thành “vấn nạn”, đặc biệt là qua chiến dịch đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, phải nói cả nước “dậy sóng”, với hàng nghìn vụ vi phạm bị xử lý.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Phạm Văn Hoá chia sẻ: Tỉnh đang gấp rút kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và sau Kỳ họp thứ 31 của HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ chỉ đạo thành lập 130 Ban Chỉ đạo ở cấp xã trong khoảng thời gian từ 20 - 25/7/2025. Đồng thời, sau ngày 25/7 tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức các tổ công tác về cơ sở để vừa kiểm tra việc thành lập Ban Chỉ đạo, vừa chỉ đạo nhiệm vụ cho xã.
Lâu nay, công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa rộng và chưa hiệu quả. Các cấp, ngành đều có báo cáo tuyên truyền và có triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng đang đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, tạo hiệu quả và sự “tỉnh thức” của toàn xã hội; đặc biệt là chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân, người dân đang đứng ngoài cuộc của cuộc chiến này.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả đấu tranh - đây là bài toán khó nhất. Lâu nay, đặc biệt trong chiến dịch vừa qua, các lực lượng chức năng đã nỗ lực đấu tranh và đạt được kết quả cao. “Bắt nhiều, xử nhiều chỉ phản ánh kết quả của đấu tranh và nỗ lực của các cơ quan chức năng”; còn việc đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước và công tác đấu tranh thì phải trên 2 tiêu chí, gồm độ “sạch” của thị trường và lòng tin của thị trường, hay nói cách khác là lòng tin của người tiêu dùng, thì chúng ta chưa làm được.
Giải pháp cho công tác đấu tranh trong điều kiện lực lượng và nguồn lực đều có hạn, thì phải thay đổi phương pháp đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, xác định mũi đột phá. Đấu tranh ở đâu thì phải quyết liệt, dứt điểm ở đó, “đào tận gốc, trốc tận rễ”; trước mắt tập trung vào 2 mặt hàng theo chỉ đạo của Chính phủ là thuốc giả và thực phẩm chức năng giả.
Cùng đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hàng hóa chất lượng để đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng, tiêu biểu phong trào sản xuất sản phẩm OCOP có sự lan toả tích cực; đấu tranh hàng giả, hàng kém chất lượng là tạo sức cạnh tranh tốt cho hàng thật.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Khánh Linh và Lữ Thị Khuyên về giải pháp giải quyết "tận gốc” tình trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường nhiều, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và đấu tranh đối với tình trạng “nhãn thật, hàng giả”, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Việc lưu thông hàng giả, hàng nhái không phân biệt thị trường; nơi nào lực lượng mỏng thì ở sản phẩm này có mặt.
Hiện nay, vùng nông thôn, miền núi, lực lượng chức năng mỏng; chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm; trình độ nhận thức của người dân về hàng giả, hàng nhái hạn chế, không ít bà con dù biết hàng kém chất lượng vẫn sử dụng.
Vì vậy, giải pháp quan trọng và bền vững nhất là tác động vào nhận thức, ý thức của người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã và khối, xóm, thôn, bản, nhất là kiểm tra, giám sát các trường hợp kinh doanh, buôn bán tự do cá thể trên địa bàn.

Về trách nhiệm của lực lượng chức năng, trong bối cảnh lực lượng quản lý thị trường mỏng, có đội chỉ có 3 – 4 người, nhưng quản lý trên 20 đơn vị cấp xã; ngành sẽ tính toán, thành lập đội cơ động để tăng cường lực lượng hỗ trợ đấu tranh cho các địa bàn trọng yếu.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa lên miền núi, đáp ứng nhu cầu của thị trường; gắn với đầu tư hạ tầng thương mại, ưu tiên chính sách nguồn vốn từ ngân sách cho địa bàn miền núi, còn vùng đồng bằng thì khuyến khích xã hội hóa.
Về vấn đề “nhãn thật, hàng giả” và việc khó khăn trong phân biệt hàng giả, hàng nhái; bên cạnh các giải pháp đấu tranh, thì khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phải dùng biện pháp sở hữu trí tuệ, có tem, mã vạch, xuất xứ rõ ràng để phòng vệ cho chính mình. Cùng đó, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân, trở thành người tiêu dùng tỉnh táo; đồng thời cần kiến nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm “nhãn thật, nhưng hàng giả”.

Giám đốc Sở Công Thương cũng đã trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Anh Hoa, Quế Thị Trâm Ngọc, Lục Thị Liên, Phan Thị Minh Lý về đánh giá mức độ kiểm soát thị trường; giải pháp nâng cao trình độ tiêu dùng và bộ công cụ nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng cho người dân...
Theo khẳng định của ông Phạm Văn Hoá: Tình hình thị trường, đặc biệt vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng trên phạm vi cả nước, trong đó có Nghệ An là rất phức tạp và mức độ kiểm soát chưa chặt. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng thì không thể kiểm soát được mà chỉ mang tính hạn chế, còn nền tảng quan trọng là phải nâng cao trình độ và sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, đến chuỗi cung ứng và tiêu dùng.

Việc ký cam kết là yêu cầu bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh; đây là nội dung quan trọng và cần thiết để tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Thời gian tới, ngành yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ký bản cam kết về đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Về giải pháp phân biệt hàng giả, hàng thật; trước hết, các cơ quan chức năng phải thường xuyên tăng cường công khai, khuyến cáo đến người dân về các hình thức gian lận, hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh đầu tư hơn cho việc đăng ký bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế làm giả nhãn mác; người dân cần quan tâm cập nhật các thông tin, cách phân biệt thật - giả các sản phẩm được cập nhật trên môi trường điện tử; đưa trí tuệ nhân tạo vào áp dụng việc phân biệt thật - giả của sản phẩm.
Triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Kết luận về phiên chất vấn, trả lời chất vấn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh; Phó Chủ tịch HĐHD tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh: Qua xem xét báo cáo, khảo sát thực tế; trực tiếp làm việc với một số cơ quan chức năng và qua phiên chất vấn hôm nay, có thể thấy thực trạng nghiêm trọng của tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn đã và đang tác động tiêu cực đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, tới môi trường sản xuất, kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Khẳng định, công tác phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm là một nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết; dù các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền, kiểm soát, đấu tranh; song đây hiện đang là một vấn đề rất phức tạp, còn nhiều khó khăn, gây tâm lý bất an trong dư luận nhân dân.
Phó Chủ tịch HĐHD tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau kỳ họp. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan, của chính quyền cấp xã; khắc phục dứt điểm tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng về chức năng nhiệm vụ dẫn đến sự thiếu chủ động, né tránh trách nhiệm; cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách…
Chỉ đạo hoạt động tuyên truyền sâu sát, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chân chính; kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng (như áp dụng công nghệ mã QR, định danh số hàng hóa để minh bạch chuỗi cung ứng, xác thực nguồn gốc sản phẩm…; tạo thuận lợi để người dân kịp thời tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn…
Ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí, phương tiện cho các cơ quan chức năng, nhất là ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung trong truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa, thiết bị xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm, kho bảo quản tang vật. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt liên quan đến thương mại điện tử.
Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương siết chặt cấp phép kinh doanh có điều kiện, kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, quảng cáo sai sự thật và quản lý thương mại điện tử. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm soát thuốc giả, thực phẩm bẩn, vật tư nông nghiệp. Lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Thuế và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp kiểm soát thị trường, hàng hóa tại các cửa khẩu, chợ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ..; đồng thời, nâng cao năng lực, đạo đức công vụ cho cán bộ thực thi và xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay cho vi phạm.
Phó Chủ tịch HĐHD tỉnh Nguyễn Như Khôi cho rằng: Chống hàng giả, thực phẩm bẩn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự đồng hành của toàn xã hội. Rất mong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cùng lan tỏa đạo đức kinh doanh, nỗ lực sản xuất kinh doanh nhiều hàng hoá chất lượng cao, giá cả hợp lý; đặt lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu.
Nguồn: https://baonghean.vn/giam-doc-so-cong-thuong-nghe-an-neu-nhieu-giai-phap-chong-hang-gia-hang-kem-chat-luong-10302010.html
Bình luận (0)