Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc Dao Tiền ở Bản Bung

Cùng với lễ Cấp sắc, lễ Cầu mùa, phong tục ngày Tết, cưới hỏi… thì trang phục truyền thống cũng là một nét văn hóa đặc sắc được đồng bào dân tộc Dao Tiền lưu giữ, trân trọng.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên10/07/2025

Các bà, các mẹ miệt mài với những đường chỉ thêu trên bộ trang phục truyền thống.
Các bà, các mẹ miệt mài với những đường chỉ thêu trên bộ trang phục truyền thống.

Men theo con đường uốn lượn sông Cầu, chúng tôi ghé thăm Bản Bung, xã Phong Quang, tỉnh Thái Nguyên - nơi có 88 nếp nhà của đồng bào dân tộc Dao Tiền sinh sống. Bản Bung hôm nay bừng lên sức sống mới với những ngôi nhà khang trang, đường bê tông kiên cố. Cùng với sắc màu nông thôn mới, Bản Bung còn được biết đến với bản sắc văn hóa lâu đời được chuyển giao qua nhiều thế hệ.

Trong dòng chảy gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, trang phục truyền thống là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Phụ nữ trong làng ai cũng có một bộ trang phục dân tộc, nếu là người từ nơi khác đến đây làm dâu thì sẽ được mẹ chồng làm tặng để mặc trong ngày cưới, dịp lễ, Tết và cả khi về với tổ tiên.

Mang theo sự thích thú và tò mò về cách làm ra bộ trang phục truyền thống, chúng tôi đến gặp bà Triệu Thị Huyền, người phụ nữ khéo tay có tiếng ở Bản Bung. Bà Huyền năm nay hơn 60 tuổi nhưng đã có gần 50 năm gắn bó với vải chàm và những sợi chỉ màu. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, bà tỉ mỉ giới thiệu với chúng tôi về từng bộ phận và cách làm ra bộ trang phục đặc sắc.

Bà Triệu Thị Huyền chia sẻ về quá trình làm ra trang phục dân tộc.
Bà Triệu Thị Huyền chia sẻ về quá trình làm ra trang phục dân tộc.

Trang phục truyền thống của người Dao Tiền có 2 màu sắc chủ đạo là xám và đen; kiểu dáng áo không cổ, 4 thân, xẻ ngực, xẻ tà khoảng 30cm, trang trí bằng nhiều cúc dạng khuy được làm từ bạc. Viền gấu áo được thêu chỉ màu nổi bật. Phía sau lưng áo có từ 4 đến 5 đường viền chỉ trắng, xanh, hồng; trong cùng là hoa văn, 2 tà trước phần thêu ở gấu áo luôn ít hơn tà sau 1 viền chỉ trắng, cổ tay áo cũng thêu các viền chỉ màu trắng, xanh, đỏ...

Để có được một bộ trang phục đầy đủ từ mũ đội đầu đến xà cạp cần phải có sự chuẩn bị từ lâu và làm liên tục trong 1-2 tháng mới xong. Đầu tiên là phải trồng bông để dệt vải, cấy cây chàm và tiến hành làm bột chàm để nhuộm vải. Sau khi mảnh vải đã được nhuộm và phơi khô mới bắt đầu đo để cắt may từng bộ phận. Lúc này, công đoạn cầu kỳ và mất thời gian nhất là trang trí hoa văn mới bắt đầu.

Cũng như trang phục của nhiều dân tộc khác, chiếc áo của phụ nữ Dao Tiền cũng được chú ý trang trí cầu kỳ và bắt mắt nhất. Đầu tiên là thêu trang trí hoa văn bằng chỉ đỏ, xanh, mỗi một đường thêu phải cách một đôi chỉ để bảy sợi chỉ màu lên vải; sau đó sẽ cắt thêm 11 miếng vải để thêu vuông góc vào viền dưới chân áo.

Khi những đường chỉ thêu trang trí thành hình, các bà, các mẹ sẽ đính những đồng tiền bạc to lên cổ áo. Ngày xưa nhà ai khá giả sẽ đính nhiều nửa cúc bạc từ cổ xẻ xuống và kết thúc là một đồng bạc tròn, với gia đình ít có điều kiện thì cũng cố gắng mang bạc đi đúc để có một chiếc cúc lành. Khăn đội đầu cũng được trang trí nổi bật bởi những đường thêu cầu kỳ.

Có thể nói, việc trang trí là minh chứng cho sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ Dao Tiền về tài thêu thùa. Đó cũng là một trong những tiêu chuẩn để các chàng trai Dao Tiền chọn vợ.

Nếu đã từng được ngắm những cô gái Dao Tiền trong trang phục truyền thống, chắc hẳn nhiều người sẽ tưởng những đường viền trang trí ở váy cũng là chỉ thêu, phải tinh ý lắm mới nhận ra sự khác biệt của nó. Bởi lẽ những hình khối mềm mại ấy được làm ra một cách rất sáng tạo.

Khi đã cắt may chiếc váy xòe dài qua đầu gối, người làm sẽ vót que trúc thật mảnh và mềm để uốn thành hình tam giác, ô tròn và các hình trang trí. Những que trúc sau khi uốn thành hình sẽ được nhúng vào sáp ong nóng, rồi áp lên vải.

Lớp sáp dính lại tạo thành hoa văn. Khi đem nhuộm chàm, sáp ong sẽ giữ màu, để lại những họa tiết màu trắng ngà nổi bật trên nền váy chàm. Vì váy chỉ dài qua đầu gối, nên phụ nữ Dao Tiền có thêm chiếc xà cạp cuốn quanh bắp chân. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của bộ váy áo, bởi lẽ xà cạp được thêu rất tỉ mỉ từ nhiều màu sắc và kiểu dáng khác hẳn với sự đơn giản, tinh tế với hai màu đen trắng của tổng thể trang phục.

Cô gái Dao Tiền như bông hoa rừng trong trang phục truyền thống.
Cô gái Dao Tiền như bông hoa rừng trong trang phục truyền thống.

Theo dòng thời gian, có những thời điểm cách làm trang phục truyền thống dần trôi vào ký ức. Các bà, các mẹ cất gọn váy áo vào trong hòm gỗ và những sắc màu riêng biệt ấy chỉ được thấy trong những đám cưới, lễ hội. Không để vốn quý bị lãng quên, những năm gần đây, người dân thôn Bản Bung nỗ lực khôi phục lại những nét văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống. Các bà cụ tóc bạc, đeo kính, tỉ mẩn hướng dẫn lại cho thế hệ nối tiếp; những cô gái má hồng chân quấn xà cạp tự hào đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh rực rỡ.

“Hiện nay, trong thôn còn hơn 20 người biết làm trang phục truyền thống. Người già dạy lại cho người trẻ, cứ như vậy bản sắc sẽ được lưu giữ mãi đến đời sau…”, anh Bàn Văn Thượng, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Bản Bung, khẳng định.

Không chỉ ở Bản Bung, đồng bào Dao Tiền tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang gìn giữ và bảo tồn trang phục truyền thống như một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202507/gin-giu-trang-phuc-truyen-thong-dan-toc-dao-tien-o-ban-bung-e702919/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm