Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc lạ bảo vật quốc gia: Sành trang sức mã não như người Lai Nghi

Hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi cho thấy sự "sành điệu" của người Lai Nghi, cũng như sự giao thương với Ấn Độ...

Báo Thanh niênBáo Thanh niên08/07/2025

Chim xít và con hổ mã não Lai Nghi

Bảo vật quốc gia hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi được phát hiện trong một địa tầng văn hóa nguyên vẹn tại khu mộ táng Lai Nghi. Đây đều là các hạt chuỗi, có lỗ để xỏ dây.

Độc lạ bảo vật quốc gia: Sành trang sức mã não như người Lai Nghi- Ảnh 1.

Những góc chụp khác nhau của hạt chuỗi hình con hổ

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP

Hạt mã não khắc hình con chim nước có kích thước nhỏ nhưng hình dáng con vật được thể hiện khá chi tiết. Hiện vật tạo tác hình con chim có mỏ quặp xuống kiểu mỏ bồ nông, mỏ ngắn và to, hai mắt lồi, trên đầu là chiếc mào khá lớn, đuôi ngắn, cánh ngắn, thân hình khá mập mạp, có lỗ đeo xuyên dọc từ ức tới đuôi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là loài chim nước, có thể là chim xít. Loài chim này có lông sặc sỡ, sống phổ biến ở đầm lầy Đông Nam Á. "Trên mặt và thân một số trống đồng cổ ở VN, người xưa đã thể hiện hình chim xít bên cạnh các loài hươu, cóc, cò, vạc, bồ nông", hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết.

Hạt chuỗi khắc hình con hổ được thể hiện chi tiết với thân hình hổ khá mập mạp. Thoạt nhìn thì tư thế nằm gần giống như một con bò, song phần đầu được tạo dáng của đầu hổ. Các chi tiết như hai mắt, sống mũi và mũi, hai tai được chạm khắc tỉ mỉ, sống động.

Theo các nhà nghiên cứu, hai hiện vật mã não hình con chim nước và con hổ là tiêu bản duy nhất được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh ở VN. Được tìm thấy trong quá trình khai quật, tại vị trí ban đầu, ngay trong tầng văn hóa khiến cho hiện vật này chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng cho nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.

Hiện vật mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi là những hiện vật được tạo hình từ nguyên liệu đá có độ cứng cao, kích thước nhỏ. Tuy nhiên, chúng được tạo hình chi tiết, thể hiện rõ ràng các nét của từng bộ phận trên cơ thể ở tất cả các mặt kể cả mặt dưới của con vật. Kỹ thuật tạo hình tinh xảo, phức tạp và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ của hai hiện vật này cho thấy sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và kỹ thuật cao của nghệ nhân.

Hồ sơ bảo vật cho biết quan sát hiện vật cho thấy các kỹ thuật ghè đẽo - cưa - khoan - mài - đánh bóng đã được các nghệ nhân làm một cách cẩn trọng, với phương thức làm phù hợp với chất liệu. Ngoài ra, để tạo lỗ xỏ dây chính xác cho loại hiện vật này cũng cần một loại khoan phù hợp, kỹ thuật khoan lỗ chuẩn xác, độ sâu của lỗ khoan và đường kính lỗ khoan phù hợp với bố cục của hiện vật.

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể những lỗ này được khoan bằng một mũi khoan nhỏ và tinh xảo, rất có thể là kim cương hoặc phổ biến hơn là mũi khoan bằng đá jasper. Nói chung, nét độc đáo của hai hiện vật này là ở kỹ nghệ chế tác tinh vi, quy trình phức tạp, được thực hiện một cách khéo léo và chuẩn xác.

Buôn bán lão luyện, tiêu dùng sành sỏi

Chất liệu mã não (Carnelian) của hai hiện vật cũng hé lộ nhiều điều. Loại đá này xuất hiện tại một nghĩa trang ở Bulgaria, cách đây khoảng 6.500 năm. Đồ trang sức Carnelian được tìm thấy ở Balkan, Hy Lạp, Trung Đông và các vùng cổ đại khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác đá và chế tác đá Carnelian chủ yếu tập trung ở những quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Mỹ và Uruguay. Nó được đeo để hỗ trợ khát vọng và tình yêu, làm bùng lên những đam mê có thể đã phôi pha qua thời gian. Chất liệu này cũng cho thấy sự giao thương giữa Sa Huỳnh và các vùng khác.

Theo một nghiên cứu của TS Trần Đức Anh Sơn, trong số các hạt chuỗi bằng đá mã não tìm thấy ở di chỉ Lai Nghi có 3 chiếc rất đặc biệt: chiếc thứ nhất có hình con sư tử, chiếc thứ hai có hình con chim và chiếc thứ ba là hạt chuỗi được chế tác bằng phương pháp khắc axít. "Những hạt chuỗi mã não hình động vật tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh gợi mối liên hệ với những hạt chuỗi hình động vật được các nhà khảo cổ học Trung Quốc tìm thấy ở di chỉ Phong Môn Lĩnh và ở di chỉ Đường Bạch, đều thuộc huyện Hà Phố (Quảng Tây, Trung Quốc)", ông Sơn viết.

Hồ sơ bảo vật cho biết những tạo tác con hổ hay con chim nước bằng chất liệu ngọc mã não tinh xảo, giàu nghệ thuật như đã phát hiện ở Lai Nghi cũng từng được thấy ở một số nơi trên thế giới như Thái Lan, Myanmar. GS Ian C.Glover và cộng sự cho rằng những hạt chuỗi ngọc mã não hình con vật phát hiện ở Thái Lan có nguồn gốc từ Ấn Độ, có mối liên hệ với Phật giáo.

Chính vì thế, hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi không chỉ phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn cho thấy cư dân cổ Sa Huỳnh là những người buôn bán lão luyện, những người tiêu dùng sành sỏi, giàu có bậc nhất trong mạng lưới trao đổi buôn bán trên Biển Đông. Nó cũng cho thấy Lai Nghi có vị trí thuận lợi cho các hoạt động trao đổi buôn bán giữa Sa Huỳnh (lân cận Hội An, Quảng Nam) với các khu vực khác. Từ đó, cũng có thể hình dung phần nào việc hình thành các bến cảng sơ khai hay tiền cảng thị đầu tiên trong mạng lưới buôn bán hay mạng lưới thương mại trên biển trong giai đoạn sơ sử. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/doc-la-bao-vat-quoc-gia-sanh-trang-suc-ma-nao-nhu-nguoi-lai-nghi-185250708222410568.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm